Tương - món ăn thôn dã của Đường Lâm
(Sóng Trẻ) - “Chồng thối vợ thiu, có nước thuỷ triều thì chồng nn vợ ngọt…”. Người Đường Lâm đã nói về món tương của mình như thế!
Đường Lâm có truyền thống làm tương từ xa xưa. Nhà nào cũng có ít nhất vài chum tương, thế nhưng làm tương không phải là dễ. Nó đòi hỏi sự khéo léo, đúng thời gian. Nguyên liệu chủ yếu là ngô, đỗ, hoặc gạo nếp. Ngô phải đãi sạch, cho vào nồi bung cho tới khi nứt hoa nhài thì vớt ra nong phơi (nếu là đỗ thì phải rang lên rồi say nhỏ ra, nếu là gạo thì đem đồ xôi). Nếu trời lạnh phải vun ngô lại, nếu trời nóng thì lấy lá nhãn đậy lên. Lấy tay nắm ngô thấy khô tơi ra thì mang đi ngâm, đợi ngô mốc hoa cà hoa cải thì bỏ vào chum dấm, bỏ vừa muối và đổ săm sắp nước. Khoảng mười đến hai mươi ngày tương ngả (nước tương trong soi gương được, nếm thấy vị ngọt) là ăn được, nếu có vị chua cay thì tương non (chưa ăn được), ngửi thấy mùi thối tức là tương ấy đã bị hỏng.
Làm khó mà ăn cũng phải khéo. Để lấy tương ăn phải dùng muôi riêng bằng gáo dừa có cán dài khuấy tương trong chum cho đều, múc ra bình riêng để ăn dần. Phải giữ chum tương không bị nước mưa rơi vào nếu không tương sẽ bị chua leo và hỏng.
Chấm rau muống, rau lang với tương thêm chút tỏi, ớt và mì chính; hay kho cá với tương thêm chút gừng, những món ăn dân dã mà thấm đẫm hồn quê sẽ thật khó quên.
Người Đường Lâm rất mến khách. Tương Đường Lâm rất đậm đà. Có dịp đến đó, bạn đừng quên thưởng thức món tương nhé!
Hải Tân
Cùng chuyên mục
Bình luận