Về thăm làng nghề Hạ Thái
(Sóng Trẻ) - Mỗi người đều chọn cho mình một cách riêng để thư giãn sau một tuần làm việc căng thẳng. Và tôi, tôi chọn về với làng nghề Hạ Thái để được sống trong không gian làng quê yên bình và đậm nét văn hóa.
Không đi theo tuyến đường chính đến làng sơn mài Hạ Thái, tôi cùng nhóm bạn đồng hành men theo một con đường đất gồ ghề, đầy ổ gà để tiến thẳng vào cổng làng cổ kính. Một nét đẹp giản dị, có gì đó thật bình yên tràn vào tâm thức của những người trẻ đến từ Hà thành như chúng tôi. Cổng làng, cây đa cổ, đình làng, còn gì Việt hơn thế. Có lẽ không cần dài dòng, những gì về sơn mài Hạ Thái, con người Hạ Thái đã được khắc họa rõ nét trên chính cổng làng này:
“Hạ Thái cuộc sống yên vui mãi mãi khắc sâu ơn thế mạng
Sơn mài làng nghề phát đạt đời hai ghi đậm đức khai sinh”.
Cổng làng Hạ Thái.
Mỗi xóm lại được ngăn cách với nhau bằng một chiếc cổng nhỏ. Dù nhà cửa có nhiều thay đổi, khang trang, cao đẹp hơn nhưng những chiếc cổng làng vẫn được giữ nguyên trạng - nhỏ bé nhưng cổ kính và đẹp đến lạ kì. Cổng làng là một loại kiến trúc văn hóa phổ biến ở vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ. Dù thời gian làm cho nhiều giá trị thay đổi nhưng đối với những con người nơi đây, cổng làng là nét đẹp, là bộ mặt của làng, nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của họ.
Theo chỉ dẫn của cụ bà coi giữ đình làng chúng tôi tìm đến một số gia đình làm sơn mài. Nói là làng nghề làm sơn mài, song hiện nay, trước tác động của kinh tế thị trường, nhiều hộ gia đình không còn tiếp tục sống với nghề truyền thống mà ông cha để lại nữa. Trong làng hiện nay chỉ còn một vài gia đình là vẫn còn bám trụ với nghề. Và hầu hết đều là những nghệ nhân đã cao tuổi. “Bây giờ lớp trẻ mấy ai còn muốn theo nghề nữa” một nghệ nhân già tâm sự.
Chúng tôi may mắn được giới thiệu tìm đến với một trong những người trẻ hiếm hoi của làng còn bám trụ với nghề - anh Trần Quốc Lập. Qua lời chia sẻ của anh, chúng tôi được biết, vì sản phẩm giờ cũng không còn bán được nên nhiều người cũng không thể bám trụ được với nghề nữa. Xưởng sản xuất của anh cũng đã ngừng hoạt động từ lâu. Những chiếc bát, cái khay được làm ra kì công nhưng giờ đây cũng không còn được ưa chuộng nữa. Bán được sản phẩm đã khó, mà công cán cũng không được bao. Hơn nữa chi phí cho máy móc và nhân công làm việc lại lớn, nên dù có tha thiết với nghề đến mấy thì anh Lập cũng buộc phải đóng cửa xưởng sản xuất. Nhìn xưởng sản xuất được đầu tư máy móc thiết bị nhưng giờ bị bỏ không, mạng nhện và bụi bặm bám đầy khiến cho người nghệ nhân trẻ và cả những người trẻ như chúng tôi không khỏi bận lòng.
Một nghệ nhân trẻ hiếm hoi tại làng Hạ Thái.
Dù đang đối mặt với nhiều khó khăn nhưng người dân Hạ Thái vẫn tha thiết một tình yêu với nghề truyền thống. Những sản phẩm họ làm ra thể hiện sự tài hoa, khéo léo, nhiệt huyết và sáng tạo. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và nài nước, các nghệ nhân đã không ngừng cải tiến mẫu mã sản phẩm, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống của làng nghề Hạ Thái. (Ảnh minh họa 2: Những tác phẩm tuyệt đẹp của những người thợ sáng tạo và nhiệt huyết)
Hiện nay, người dân Hạ Thái chủ yếu sản xuất những sản phẩm có liên quan đến tôn giáo. Đối với người dân Việt Nam thì tín ngưỡng, tôn giáo đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh. Người Việt coi tôn giáo là chỗ dựa tinh thần, là nét văn hóa đẹp đẽ đã tồn tại hàng ngàn năm nay, cho nên người Việt vẫn chuộng những sản phẩm mang yếu tố tâm linh. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, người làm sơn mài cũng chuyển sang làm các sản phẩm như bàn thờ, hay tranh khảm, tranh sơn...
Một ngày về với làng nghề truyền thống, chúng tôi mới thấy được những khó khăn mà làng nghề đang gặp phải. Song chúng tôi vẫn nhìn thấy trong con người Hạ Thái tình yêu với nghề truyền thống mà cha ông để lại. Những con người nơi đây vẫn đang gắng sức tiếp tục lưu giữ những nét đẹp của nghề làm sơn mài. Đúng như câu mà người Hạ Thái tự hào khắc trên cổng làng.
Phạm Thị Thùy Dung
Lớp Truyền hình K31 A1
Cùng chuyên mục
Bình luận