Workshop “Tìm hiểu về Freecycle và vòng đời của sản phẩm”
(Sóng trẻ) - Chiều ngày 19/10, nhóm bạn trẻ Bớt Xài Bao tổ chức Workshop “Tìm hiểu về Freecycle và vòng đời của sản phẩm”. Tọa đàm này đã thu hút được đông đảo sự tham gia từ các bạn trẻ trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Dự án của nhóm bạn trẻ Bớt Xài Bao và những thông điệp ý nghĩa
Nhóm Bớt Xài Bao được thành lập bởi một nhóm sinh viên của quỹ học bổng VietSeeds vào tháng 8 năm 2019. Bớt Xài Bao còn nhận được sự tài trợ của Đại sứ quán Hoa Kỳ để duy trì hoạt động. Nhóm hoạt động với phương châm “Bớt xài bao ni lông, xây dựng thói quen tốt và bảo vệ môi trường”. “Đó cũng chính là lý do chúng mình chọn chủ đề ngày hôm nay là Freecycle – một công cụ hữu ích cho vấn đề bảo vệ môi trường, nhưng chưa được nhiều người biết đến” – chị Cẩm Tú, trưởng Ban tổ chức chia sẻ.
Không gian vô cùng ấm cúng và “xanh” tại buổi workshop
Công cuộc đẩy mạnh 4R: REFUSE - REDUCE - REUSE - RECYCLE hiện nay đang được tập trung mạnh mẽ để giảm thiểu hàng tấn lượng rác thải nhựa đẩy ra môi trường mỗi ngày. Freecycle cũng là một phương pháp vô cùng hữu hiệu và đã có những tác động tích cực tới mọi người xung quanh. Đây thực chất là hành động trao đổi đồ dùng lẫn nhau, nhằm chuyển giao giữa những đồ vật vô dụng với người này nhưng lại hữu dụng với người khác. Từ đó kéo dài vòng đời của sản phẩm, giảm bớt việc lãng phí tài nguyên thiên nhiên để sản xuất sản phẩm và giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường khi đã không còn cần đến những đồ dùng đó nữa.
Những thông điệp ý nghĩa đậm chất handmade được BTC đưa ra tại chương trình
Chia sẻ về Freecycle của diễn giả “chuẩn sống xanh”
Chia sẻ tại buổi workshop, diễn giả “chuẩn sống xanh” Đặng Ân - Founder “Sạp hàng chàng Sen” cho biết: “Việc trao đổi đồ thực sự là một hành động có ý nghĩa lớn đối với môi trường”. Anh bắt đầu có ý định đổi đồ khi chuyển nhà vì có quá nhiều đồ không cần dùng đến nhưng lại không nỡ vứt đi. Vì mỗi đồ vật đều gắn liền với những kỷ niệm đáng nhớ. Anh cũng cho biết: “Khi mình cho đi một vật dụng gì đó cũng giống như trao đi tình yêu, trao kỷ niệm từ đó gắn kết cộng đồng”. Đã có nhiều ngân hàng đồ đạc, thư viện đồ đạc được xây dựng trên mạng xã hội, nếu bạn chưa cần dùng đến, không nhất thiết phải cho đi mà bạn có thể cho người khác mượn, việc dùng chung sẽ tận dụng được tối đa công năng của món đồ. Đặc biệt, khi có một món đồ mình đắn đo có nên cho hay không thì mình hãy tự đặt ra câu hỏi “6 tháng qua mình có cần dùng đến nó không?” Nếu không dùng đến thì hãy cho đi. Và tất nhiên khi bạn cần món đồ nào đó sẽ có người cho bạn.
Chia sẻ thêm về khó khăn để có thể lan tỏa thông điệp sống xanh đến những người xung quanh, đặc biệt là bố mẹ, người thân của mình, anh Đặng Ân cho biết anh không thuyết giảng nhiều mà cứ để mưa dầm thấm lâu. Mình cứ làm tốt việc của mình, thì những người khác sẽ từ từ xem đó là gương mà thay đổi nhận thức và hành động. Hãy thay đổi hành động của người khác bằng chính hành động của mình.
Diễn giả Đặng Ân chia sẻ về chủ đề Freecycle
Thông qua buổi workshop hôm nay nói riêng và những hoạt động của mình nói chung, anh Đặng Ân muốn gửi tới cộng đồng thông điệp “Bớt một cọng rác”. Nghĩa là hãy cố gắng giảm từng ngày từng ngày một, mỗi ngày giảm thiểu lượng rác thải nhựa của mình một chút đi là được, quan trọng là chúng ta biết giảm, chúng ta biết tái sử dụng lại những đồ mình không dùng đến bằng việc cho những thứ mình không cần đến và xin lại những thứ mình cần từ những người xung quanh, để cho đồ vật đó một cuộc đời mới. Để chúng ta có thể sống đúng phương châm “Mỗi ngày hãy bớt đi một cọng rác”.
Bạn Tuấn Anh (28 tuổi) là một người rất yêu môi trường và đã sống xanh được hơn ba năm nay chia sẻ: “Trong khi mình đi thu m rác và tái chế theo nhiều cách khác nhau thì xung quanh mình mọi người chưa có ý thức để bảo vệ môi trường, nhiều lúc họ còn bảo mình có vấn đề nên mình cũng thấy lạc lõng và buồn lắm. Nhưng mình vẫn làm, vì rác không phải của mình nhưng Trái Đất là của mình, mình phải bảo vệ nó từ những hành động nhỏ nhất chứ”.
Đến với buổi workshop, bạn Tuấn Anh mong muốn tìm được
những người bạn cùng chí hướng, cùng yêu môi trường để bớt cảm thấy lạc lõng
và có thêm nhiều động lực để hành động.
Còn đối với bạn Huyền Trang – sinh viên năm nhất Đại học Luật Hà Nội chia sẻ bạn đến với buổi workshop này để hiểu thêm về Freecycle là gì, và làm như thế nào để Freecycle. “Mình thấy rất may mắn khi đến với buổi nói chuyện ngày hôm nay, mình đã hiểu thế nào là Freecycle và trong tương lai mình sẽ tích cực đổi đồ để bảo vệ môi trường”. Bạn còn cho biết sẽ đi tuyên truyền, chia sẻ cho những người xung quanh để giảm bớt khai thác tài nguyên thiên nhiên và giảm lượng rác ra môi trường thông qua việc Freecycle.
Các bạn trẻ hào hứng chia sẻ tại chương trình
Cùng diễn ra trong buổi Workshop là sự kiện đổi rác lấy quà được BTC chuẩn bị rất chu đáo với nhiều phần quà “xanh” vô cùng hấp dẫn. Nhiều bạn đã mang chai nhựa, pin, vỏ hộp sữa, sách, vở, giấy loại... để đổi lấy những ống hút, chai thủy tinh hay túi vải... “Vừa được bỏ rác đi, có quà đem về mà còn được giao lưu với rất nhiều người có chung tư tưởng sống xanh, khiến mình thấy rất vui” – bạn Thu Trang (19 tuổi) hào hứng chia sẻ.
Thể lệ đổi quà, những phần quà “xanh” đến từ BTC
và rác thải nhựa BTC thu m được sau buổi Workshop
Ban tổ chức Workshop cho biết, toàn bộ chai nhựa, giấy vụn, sách vở thu nhận được trong buổi tọa đàm ngày hôm nay sẽ được nhóm bạn trẻ Bớt Xài Bao phân loại và đưa đến nhà máy xử lý của từng loại sản phẩm. Nhóm bạn trẻ ở Hà Nội đang ra sức sống xanh để bảo vệ môi trường, còn bạn thì sao?
Cẩm Ly
Cùng chuyên mục
Bình luận