Xe tràn vỉa hè...đi bộ ở đâu?
(Sóng trẻ) - Vỉa hè vốn dĩ là dành cho người đi bộ. Nhưng hiện nay, vỉa hè đang được dùng làm chỗ để xe, chỗ bán hàng một cách rất tự nhiên. Người đi bộ phải đi xuống lòng đường, hoặc cố lách người qua các “chướng ngại vật” để có thể di chuyển trên vỉa hè.
Dọc theo các con phố ở Hà Nội, không khó để bắt gặp những cảnh tượng người đi bộ phải đi xuống lòng đường vì trên vỉa hè không có chỗ để đi. Đó là bởi các cửa hàng kinh doanh sử dụng vỉa hè làm chỗ để xe cho khách hàng. Hay vỉa hè còn được trưng dụng làm chỗ bày bán hàng hóa, trưng bày sản phẩm. Họ rất vô tư, tự nhiên sử dụng vỉa hè cho mục đích cá nhân của mình.
Tại khu vực đường Cầu Giấy và Xuân Thủy, vỉa hè ở đây đã bị lấn chiếm gần hết. Xe máy, xe đạp, xe điện để lẫn vào nhau, thành một hàng dài trên vỉa hè. Người đi bộ phải chấp nhận đi xuống lòng đường một đoạn dài rồi khi vỉa hè “thông thoáng” mới lại đi lên.
Người đi bộ đang cố lách mình len lỏi qua ít vỉa hè cuối cùng, thậm chí họ phải bước hẳn xuống lòng đường để tránh các chướng ngại vật không mong muốn này
Tại giờ cao điểm, mật độ phương tiện giao thông tăng cao. Tại các tuyến phố ở Hà Nội, ùn tắc luôn xảy ra. Nhiều phương tiện còn đi lên vỉa hè để tiết kiệm thời gian. Mặc nhiên đã chiếm một diện tích không nhỏ của người đi bộ.
Vào những giờ cao điểm, chút vỉa hè cuối cùng còn bị những chiếc xe máy ngang nhiên lấn đường khiến người đi bộ chẳng biết len vào đâu
1,5 mét là yêu cầu chiều rộng tối thiểu của những vỉa hè, khoảng không gian dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, người đi bộ hiện nay đang bị đẩy xuống lòng đường do vỉa hè bị sử dụng với nhiều chức năng khác.
Một trong những chức năng của vỉa hè được các cửa hàng kinh doanh sử dụng là nơi đỗ xe của khách hàng. Tại cửa hàng FPT shop trên đường Cầu Giấy, chúng tôi bắt gặp la liệt các xe máy được bảo vệ xếp ở 2 bên vỉa hè, lấn chiếm gần như toàn bộ đường dành cho người đi bộ.
Một trong những nguyên nhân của việc lấn chiếm vỉa hè là do có quá nhiều cửa hàng kinh doanh sử dụng vỉa hè là nơi trông giữ xe khách hàng
Bánh xe gần như chạm sát vào lòng đường, khoảng cách hẹp như vậy người đi bộ chỉ có thể đi xuống lòng đường
Người đi bộ tránh xe để trên vỉa hè rồi. Họ còn tránh các cửa hàng bày bán, kinh doanh. Nhiều mặt hàng như hoa quả, bánh kẹo hay ốp điện thoại...được bày la liệt trên vỉa hè. Như vậy, không chỉ khiến người đi bộ không có chỗ đi mà còn gây ra ùn tắc vì người dân dừng xe trước các cửa hàng để mua bán.
Bác Hùng- người dân tại khu vực Dịch Vọng chia sẻ: “tình trạng để xe tràn lên vỉa hè thế này từ lâu rồi. Tôi phải đi né xuống lòng đường xe cộ nguy hiểm lắm nhưng biết làm sao”
Chúng tôi bắt gặp cô bạn Huyền Thu là sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội đang phải cố lách mình qua những chiếc xe để đi, thậm chí có đoạn không lách được bạn phải vòng xuống lòng đường. Bạn có nói: “Cũng vì con đường này đang thi công, hay ùn tắc nên nguy hiểm lắm. Thế nên bây giờ cần phải làm cho xe máy không để lung tung trên vỉa hè nữa còn dành chỗ cho ng đi bộ”
Theo số liệu thống kê mỗi năm, chỉ tính riêng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, có hàng trăm người thiệt mạng khi đi bộ dưới lòng đường, cao gấp 4 -5 lần so với các quốc gia khác. Nhiều năm qua, Việt Nam chưa thực sự lưu tâm về vấn đề vỉa hè cho người đi bộ, chưa có biện pháp cụ thể nào để đảm bảo an toàn cho người đi bộ khi tham gia giao thông.
Dù vẫn biết nguy hiểm, nhưng người đi bộ không còn lựa chọn nào khác nài xuống đường mỗi khi đến đoạn vỉa hè dành cho đi bộ bị lấn chiếm.
Có lẽ giờ đây việc tự ý thức, nhắc nhở bản thân đi đường cẩn thận là điều duy nhất lúc này để giúp bản thân người đi bộ tránh khỏi những tai nạn không đáng có. Không biết liệu vỉa hè bao giờ mới hết bị lấn chiếm, chỉ biết rằng, người đi bộ vẫn hàng ngày, hàng giờ phải đối mặt với những nguy hiểm rình rập, chấp nhận cảnh “có chỗ mà không được đi”.
Khánh Linh-Hà Thương
K33-báo chí đa phương tiện
Cùng chuyên mục
Bình luận