"Xe xanh" bứt phá: Bài toán về pin và trạm sạc
(Sóng trẻ) - Thị trường xe điện tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội trong việc giảm thiểu khí thải CO2, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Tuy nhiên, để tối ưu hóa hiệu quả bảo vệ môi trường từ xu hướng này đòi hỏi Việt Nam cần vượt qua nhiều thách thức.
Thiếu thốn các cơ sở hạ tầng trạm sạc
Theo Tổng cục Đăng kiểm Việt Nam, sản lượng xe điện sản xuất trong nước đạt hơn 30.298 chiếc kể từ đầu năm 2021 đến nay. Trong đó, tính riêng quý I/ 2024 đã có 7.195 chiếc được ra mắt.
Năm 2022, thị trường xe xanh Việt Nam ghi nhận 7.483 xe điện và 1.318 xe hybrid (kết hợp động cơ đốt trong và động cơ điện). Đáng chú ý, con số trên đã tăng vọt lên 15.486 chiếc trong năm 2023. Bước tăng trưởng ấn tượng này cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của phân khúc xe xanh tại Việt Nam.
Không riêng các loại xe ô tô cá nhân, phương tiện công cộng tại Việt Nam những năm gần đây cũng có xu hướng “xanh hoá”. Nhiều thành phố lớn đã đầu tư xây dựng hệ thống trạm xe buýt điện với chi phí di chuyển hợp lý, dịch vụ chất lượng cao. Nhờ đó đã thu hút đông đảo người dân sử dụng loại hình vận tải công cộng này, góp phần giảm thiểu khí thải và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sự phát triển của xe buýt điện không chỉ là tín hiệu đáng mừng cho ngành giao thông mà còn phản ánh mức sống và ý thức bảo vệ môi trường của người dân Việt Nam đang ngày càng được nâng cao.
Anh Vũ Nhật Tân - Chuyên viên tư vấn khách hàng Vinfast Thăng Long (Hà Nội) cho biết: “ Một nửa số khách hàng tới Vinfast tìm hiểu các dòng xe ô tô điện đang điều khiển các phương tiện chạy bằng động cơ xăng do thích những ưu điểm của xe điện như chi phí bảo dưỡng rẻ. Đối với 12.000km đầu, khách hàng chỉ cần bỏ ra hơn 250.000 đồng do đặc tính ít các chi tiết động cơ của xe ô tô điện”.
Tuy nhiên, anh Tân nhận định các dòng xe điện hiện nay còn khá nhiều hạn chế, nhất là vấn đề về pin và hạ tầng trạm sạc: “Nhiều khách hàng còn lăn tăn trong việc sử dụng xe điện do khả năng chuyên chở thấp, chất lượng pin dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại cảnh cũng như các hệ thống trạm sạc còn khá ít, đặc biệt là tại các chung cư tại những thành phố lớn như Hà Nội”.
Xây dựng và quản lý trạm sạc xe cần lưu ý các yếu tố ngoại cảnh
Giải thích về các vấn đề thiếu hụt các trạm sạc xe điện tại các thành phố lớn và các tuyến đường liên tỉnh, Thạc sĩ Hoàng Thư, Công ty Tư vấn Môi trường EJC (Bắc Ninh) nêu quan điểm: “Do hạ tầng cơ sở (cấp thoát nước, cấp điện...) của Việt Nam được quy hoạch xây dựng trước khi có kế hoạch phát triển xe điện nên việc xây dựng trạm sạc sẽ gặp nhiều khó khăn”.
Bà Thư đồng thời khẳng định việc xây dựng các trạm sạc điện còn phụ thuộc nhiều với yếu tố địa lý, điều kiện của từng địa phương: “ Việc tăng cường xây dựng các trạm sạc ở các khu vực thì cũng cần phải xét đến hệ thống điện ở nơi đó. Tùy từng vị trí đặt trạm sạc mà số lượng xe cần sạc và thời điểm sạc xe tại mỗi trạm sẽ khác nhau để tránh gây áp lực lên hệ thống điện gây mất điện diện rộng” .
Nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt trạm sạc xe điện, Thạc sĩ kiến nghị Nhà nước và các ban ngành liên quan cần phối hợp với chính quyền địa phương để ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống trạm sạc. Cụ thể, có thể xem xét áp dụng các ưu đãi về thuế như miễn thuế trong năm đầu vận hành và giảm thuế trong những năm tiếp theo đối với các doanh nghiệp tham gia xây dựng trạm sạc trên các tuyến đường giao thông trọng điểm.
Bà Thư cũng nhấn mạnh việc tối ưu hóa chi phí đầu tư trạm sạc. Theo đó, cần ưu tiên lựa chọn các loại đầu sạc AC cấp 2, DC cấp 3 phù hợp với nhu cầu thực tế, tránh đầu tư dàn trải. Việc lựa chọn các thiết bị có độ bền cao, tiết kiệm năng lượng cũng góp phần giảm thiểu chi phí vận hành.
Thạc sĩ Hoàng Thư cho rằng, việc thu gom và tái chế pin đóng vai trò then chốt trong việc phát triển bền vững ngành công nghiệp xe điện. Theo bà, hầu hết các dòng xe điện hiện nay đều sử dụng pin lithium-ion. Mặc dù có chi phí sản xuất cao nhưng tuổi thọ pin lại tương đối hạn chế. Do đó, việc thiết lập một hệ thống thu gom và tái chế pin hiệu quả là rất cần thiết. Hệ thống này không chỉ giúp tận dụng tối đa nguồn tài nguyên mà còn góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Bên cạnh đó, việc thu hồi các nguyên liệu quý như lithium, coban và niken từ pin cũ cũng sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể.
Đánh giá về tính khả thi của việc ứng dụng năng lượng tái tạo để giảm thiểu tác động môi trường của pin và trạm sạc xe điện, Thạc sĩ Hoàng Thư đánh giá cao tiềm năng của giải pháp này. Tuy nhiên, bà cũng chỉ ra những hạn chế cần được cân nhắc: chi phí cao, tính ổn định thấp do phụ thuộc nhiều vào địa hình đặc thù nên rất khó để sử dụng nguồn năng lượng sạch 100%... Vậy nên, cần kết hợp thêm các biện pháp bảo vệ môi trường khác để tận dụng tối đa nguồn năng lượng sạch này.
Tương lai “dịch chuyển” không phát thải
Bà Thư nhận định, nhiều tòa chung cư tại các thành phố lớn hiện nay đã quy hoạch khu vực riêng dành cho xe điện, đặc biệt là ô tô điện với hệ thống sạc pin đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ. Điều này giúp cư dân tiết kiệm thời gian, công sức thay vì phải di chuyển đến các điểm sạc công cộng.Bên cạnh đó, để khuyến khích và đáp ứng nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông xanh, nhiều doanh nghiệp đã và đang triển khai các chương trình lắp đặt trạm sạc xe điện miễn phí tại các khu vực đông dân cư. Đây được xem là giải pháp thiết thực góp phần hình thành một môi trường sống xanh, sạch, đẹp.
Không riêng gì các phương tiện mà các phương tiện công cộng như xe bus hiện nay cũng đang dần chuyển sang sử dụng động cơ điện, sử dụng năng lượng xanh để giảm phát thải ra môi trường.
Tháng 6 năm nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Nhân Dân Thành phố thông qua Đề án “Phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố”.
“Với những kịch bản và lộ trình rõ ràng trong việc phát triển, nâng cấp các mô hình xe điện, đặc biệt là xe ô tô điện ở thời điểm hiện tại sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện chuyển đổi xanh toàn diện, hiện thực hoá chặng đường thực hiện mục tiêu trung hoà carbon (Net Zero) 2050” - Thạc sĩ nói.