Sinh viên cần cảnh giác với “bẫy” việc nhẹ, lương cao

(Sóng trẻ) - “Nhanh chóng, dễ dàng, tiền về túi ngay” là các cụm từ mà “nhà mồi” thả ra để thu hút sự chú ý, lợi dụng tâm lý nhẹ dạ cả tin của những người có nhu cầu tìm kiếm việc làm, đặc biệt là các bạn sinh viên.

Việc “ảo” nhưng lừa đảo “thật”

Thời gian qua, không ít sinh viên trở thành con mồi trước những chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” của kẻ xấu. Phổ biến nhất có thể kể đến những hình thức như: Đánh máy, lắp ráp bút bi hoặc xem video clip… để nhận thù lao. 

Các bài đăng tuyển dụng lừa đảo xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)
Các bài đăng tuyển dụng lừa đảo xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)

Bạn Lã Minh Tâm (sinh viên Trường Đại học Phenikaa) từng hy vọng tìm được một công việc làm thêm qua mạng để kiếm thêm thu nhập và hỗ trợ gia đình. Sau khi lướt qua hàng loạt bài đăng, Tâm bị thu hút bởi một công việc lắp ráp bút bi tại nhà. 

“Mức lương được bên tuyển dụng hứa hẹn từ 5-7 triệu đồng mỗi tháng, không giới hạn số lượng sản phẩm, làm càng nhiều thì tiền càng cao. Công việc này không cần di chuyển, thời gian làm việc linh hoạt nên rất phù hợp với lịch học bận rộn của mình", Tâm kể.

Khi liên hệ với bên tuyển dụng, Tâm được yêu cầu chuyển khoản 400.000 đồng tiền đặt cọc để "chứng minh trách nhiệm" và đảm bảo nhận đủ hàng. "Họ nói nếu không đặt cọc, họ sợ mình sẽ lấy hàng mà không hoàn thành công việc. Mình cảm thấy điều đó cũng hợp lý. Hơn nữa, số tiền không quá lớn nên mình đồng ý chuyển khoản ngay", Tâm chia sẻ.

Thế nhưng sau vài ngày, Tâm nhận được tin nhắn từ bên tuyển dụng với thông báo rằng đã có một sự cố xảy ra. Họ gửi nhầm số lượng hàng lên tới 10 nghìn sản phẩm, cao gấp nhiều lần so với dự kiến và yêu cầu Tâm phải đặt cọc thêm 1 triệu đồng.

"Mình đã suy nghĩ rất nhiều vì số tiền đó khá lớn đối với mình. Cảm thấy nghi ngờ và bất an, mình lập tức yêu cầu hủy đơn hàng và xin lại số tiền cọc. Nhưng họ không trả lời, không giải thích, thậm chí còn chặn tin nhắn. Lúc đó mình mới hiểu ra rằng bản thân đã rơi vào bẫy lừa đảo", Tâm kể lại trong sự tiếc nuối.

Tin nhắn của Minh Tâm và phía nhà tuyển dụng trước khi bị cắt đứt liên lạc. (Ảnh chụp màn hình)
Tin nhắn của Minh Tâm và phía nhà tuyển dụng trước khi bị cắt đứt liên lạc. (Ảnh chụp màn hình)

Tương tự, Vũ Phương Thanh (sinh viên Trường Đại học Sư Phạm) cũng là nạn nhân của "tuyển dụng online" nhưng với hình thức tinh vi hơn. Thanh cho biết, cô tình cờ thấy một bài tuyển cộng tác viên thanh toán đơn hàng với hoa hồng từ 10-15% cho mỗi đơn, yêu cầu chỉ cần có điện thoại và thẻ ATM. Nhận thấy công việc đơn giản, Thanh đã nhanh chóng đăng ký tham gia.

Ban đầu, Thanh được giao các đơn hàng có giá trị thấp và nhận tiền hoa hồng đầy đủ. “Mỗi đơn hàng mình thanh toán chỉ khoảng 200.000 - 300.000 đồng. Sau đó đều thu về cả tiền gốc và tiền hoa hồng. Thấy dễ kiếm tiền, mình bắt đầu tin tưởng và nhận thêm các đơn hàng lớn hơn”, Thanh kể lại.

Tuy nhiên, khi tổng số tiền ứng ra để thanh toán đơn hàng lên tới 5 triệu đồng, Thanh bất ngờ không thể liên lạc được với nhà tuyển dụng. Cô đã nhắn tin, gọi điện nhiều lần nhưng không có phản hồi. Cuối cùng, Thanh mất trắng số tiền dành dụm bấy lâu nay.

Nếu không cảnh giác, sinh viên rất dễ gặp phải nhiều hậu quả như mất tiền, để lộ thông tin cá nhân từ những chiêu trò lừa đảo việc làm. (Ảnh: Đinh Hồng)
Nếu không cảnh giác, sinh viên rất dễ gặp phải nhiều hậu quả như mất tiền, để lộ thông tin cá nhân từ những chiêu trò lừa đảo việc làm. (Ảnh: Đinh Hồng)

Câu chuyện như của Minh Tâm và Phương Thanh chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp sinh viên bị cuốn vào vòng xoáy “việc nhẹ lương cao”. Rõ ràng, những hình thức tuyển dụng lừa đảo này đang ngày càng trở nên tinh vi, đánh vào tâm lý muốn tìm việc nhanh, thu nhập cao và ít tốn công sức của sinh viên. 

Chủ động “đề kháng” trước tình trạng lừa đảo việc làm

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Hà Nội, thị trường lao động quý 3 năm 2024 sôi động hơn so với cùng kỳ năm trước đó, nhu cầu nhân lực phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành tăng 2,61%.

Qua khảo sát hơn 19.400 lượt doanh nghiệp, hơn 71.700 chỗ làm việc cho thấy nhu cầu nhân lực tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại - dịch vụ, với gần 53.000 chỗ làm việc, chiếm 73,66% (tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, trong khi nhu cầu lớn như vậy, nhiều sinh viên lại dễ dàng sa vào cạm bẫy lừa đảo.

Những hành vi lừa đảo việc làm này có dấu hiệu của tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017. Theo Thiếu tá Bùi Quang Tùng - Phó đội trưởng Đội 10, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an thành phố Hà Nội, cần đặc biệt chú ý khi tham gia vào hoặc tương tác với các bài đăng này; phải xác minh rõ thông tin về công ty mà mình đang tương tác và tuyệt đối thận trọng khi thực hiện giao dịch chuyển tiền đến các tài khoản do các đối tác cung cấp. 

Để không trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo với thủ đoạn tuyển cộng tác viên online, trước hết, mỗi người chúng ta cần phải hiểu rằng, tất cả những công việc kiếm tiền quá dễ dàng đều tiềm ẩn cạm bẫy bất ngờ. 

Th.S Nguyễn Hoàng - Giảng viên Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh: “Đối với sinh viên, cần có sự khảo sát thị trường kỹ lưỡng khi đưa ra quyết định chọn công việc của mình, cần chọn những nhà tuyển dụng uy tín. Còn với những nhà tuyển dụng chưa có nhiều thông tin, cần ưu tiên sự minh bạch của nhà tuyển dụng đó như tìm hiểu về tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp, hợp đồng, chế độ bảo hiểm,...”. 

Tình trạng sinh viên trở thành "con nợ" do tin vào những chiêu lừa "việc nhẹ lương cao" đang ngày càng nghiêm trọng. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và các hình thức lừa đảo tinh vi, sinh viên nên trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình. Chỉ khi có đủ thông tin và sự cảnh giác, sinh viên mới có thể tìm được việc làm phù hợp và an toàn, tránh rơi vào bẫy của những đối tượng lừa đảo.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Tin nổi bật3 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN