“Tôn vinh giá trị lịch sử, không thể đi theo hướng thuần túy giải trí”

(Sóng trẻ) - Thời gian gần đây, những hình ảnh về Tour “Trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám” (Tour đêm Văn Miếu) đang thu hút sự quan tâm đông đảo của công chúng với vẻ đẹp về đêm ấn tượng, mới mẻ. Đứng sau thành công của Tour đêm Văn Miếu, đội ngũ thực hiện đã có một hành trình dài, trăn trở với những ấp ủ để “đánh thức” di tích. 

Văn Miếu - Quốc Tử giám luôn được biết đến là một trong những địa điểm văn hóa - lịch sử nổi tiếng tại Hà Nội. Mới đây, “ngôi trường Đại học đầu tiên”  Việt Nam đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong hoạt động với Tour “Trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám”. Trong cuộc trò chuyện với nhóm phóng viên, ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã có những chia sẻ về quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án Tour đêm Văn Miếu. 


Với bề dày lịch sử ấn tượng, việc xây dựng, thực hiện các kế hoạch bảo tồn và phát triển luôn là một vấn đề luôn được công chúng quan tâm. Vậy ông có thể chia sẻ nguồn cảm hứng giúp ông thực hiện Tour đêm Văn Miếu? 

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một di tích tiêu biểu, lâu đời, không những của Hà Nội mà của cả nước. Đây là nơi biểu tượng cho trí tuệ Việt Nam, gắn liền với lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ. Rất nhiều các danh nhân của đất nước từng gắn bó với Quốc Tử Giám nên những câu chuyện về Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng và đại học nói chung có rất nhiều những giá trị ý nghĩa trong cả giai đoạn trước kia và hiện nay. Đất nước muốn phát triển cần có sự sáng tạo, trong sự sáng tạo trí tuệ đóng một vai trò quan trọng. Đó là những điều mà Văn Miếu mong muốn được thực hiện để cho công chúng tiếp cận được những giá trị đó rộng khắp. Tuy những giá trị đó mang tính trừu tượng nhưng để làm cho những điều trừu tượng đó trở nên sinh động, hấp dẫn, thú vị phải có những chương trình, sản phẩm giống như chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu. 

Trong điều kiện hiện vật, tài liệu về trường Quốc Tử Giám ngày xưa không còn nhiều, việc ứng dụng công nghệ trong chương trình tour đêm giúp đội ngũ thực hiện diễn giải được câu chuyện về giá trị của Văn Miếu nói riêng và giá trị của Đại học nói chung một cách sinh động, hấp dẫn và thú vị, đó chính là động lực và cảm hứng để chúng tôi làm chương trình này.

img_2094.JPG
Ông Lê Xuân Kiêu hy vọng Tour “Trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám”  sẽ tạo được những trải nghiệm thú vị, giúp cho du khách dễ dàng cảm nhận được câu chuyện văn hóa - lịch sử nơi đây. (Ảnh: Song Phúc)

Tour đêm là một hình thức quảng bá lịch sử - văn hóa - du lịch đã và đang được thực hiện ở Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng Thành Thăng Long… vậy khi xây dựng Tour đêm cho Văn Miếu, ông đã có sự chuẩn bị như thế nào để đem đến Tour đêm Văn Miếu nổi bật và mang một màu sắc khác biệt, mới lạ? 

Văn Miếu tổ chức chương trình đêm là sản phẩm thứ tư của Thành phố Hà Nội sau Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng Thành Thăng Long và Bảo tàng Văn học. Mỗi đơn vị, di tích, địa điểm có một giá trị riêng và một cách làm riêng, mỗi cách làm đều hay cả. Riêng về Văn Miếu, do điều kiện đặc thù và diện tích rộng, giá trị Văn Miếu lại gắn liền với việc học cho nên những người thực hiện dự án không thể áp dụng máy móc cách làm của các đơn vị khác. Mỗi đơn vị cần có một cách làm riêng, trong đó điểm khác của Văn Miếu không phải là sân khấu hóa mà là sử dụng công nghệ. Đó là công nghệ 3D Mapping. Trong không gian với tính chất của Văn Miếu, việc sử dụng công nghệ 3D Mapping là hợp lý để truyền tải những câu chuyện về Đại học, về Văn Miếu - Quốc Tử Giám. 

Như ông đã chia sẻ, Tour đêm Văn Miếu sử dụng công nghệ 3D Mapping trong show trình chiếu theo chủ đề “Tinh hoa đạo học”, vậy để tái tạo lại những tinh túy trong đạo học của người Việt, ông và ekip đã có những chuẩn bị về nội dung, hình ảnh như thế nào nhằm đem đến cho khán giả những trải nghiệm “ngược dòng lịch sử” chân thực nhất? 

Bàn về đạo học Việt Nam, chúng ta sẽ nhấn mạnh đến ba giá trị cốt lõi, là tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo và coi trọng hiền tài. Để có được những nội dung đó cần có sự nghiên cứu rất kỹ lưỡng vì những cái đó đa dạng nhưng cần được chọn lọc để từ đó thiết kế ra những hình ảnh gắn trực tiếp với di tích Văn Miếu - Quốc Tử giám. Cho nên khi xem 3D Mapping trong chương trình đêm thì chúng ta thấy hình tượng đôi chim phượng, hình tượng con rùa đội bia, hình tượng cá chép vượt vũ môn, hình tượng sao khuê...  

Đi từ cổng chính vào, du khách sẽ thấy rất rõ sự kết nối của tất cả các điểm đó trong bộ phim Mapping được chiếu trên mái nhà Thái học. Đó là sự lựa chọn rất kỹ lưỡng và công phu thể hiện chiều sâu cũng như sự tinh tế. Phim Mapping trong chương trình là sự kết hợp giữa yếu tố khoa học, nghệ thuật và có một phần mang tính giải trí, nhưng không nặng. Việc đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách tham quan là một câu chuyện rất khó. Có thể người này hợp nhưng người kia thấy không bùng nổ bằng những chương trình giải trí khác. 

Dưới góc độ của Văn Miếu - Quốc Tử Giám phải giữ được những giá trị cốt lõi của Văn Miếu, những bộ phim đó phải tôn vinh giá trị của lịch sử, không thể đi theo hướng thuần túy giải trí. Chính vì vậy, các sản phẩm nghệ thuật phải thể hiện rõ các thông điệp của chương trình chính là tôn vinh trí tuệ Việt Nam, cho thấy những ánh sáng biểu trưng cho trí tuệ, soi rọi từng con người đã dẫn dắt các nho sinh ngày xưa đi trên con đường học vấn và thành công. Với sự thành công trong học vấn, họ lại tiếp tục một con đường mới là phụng sự cho đất nước và Tổ quốc, là nguồn cảm hứng rất quan trọng đối với những người trẻ.

397335427_722915553207483_5890553999115774610_n.jpg
Biểu tượng Khuê Văn Các khoác lên mình vẻ đẹp lấp lánh nhưng vẫn không đánh mất những nét giá trị lịch sử vốn có. (Ảnh: Fanpage Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám)

Ánh sáng là một trong những yếu tố góp phần phác họa khung cảnh Văn Miếu khi về đêm. Vậy với diện tích rộng lớn như vậy, ekip xây dựng hệ thống ánh sáng đã phải thực hiện như thế nào để đem đến vẻ đẹp mới lạ cho ngôi trường Đại học đầu tiên của Việt Nam? 

Để chuẩn bị cho ánh sáng, ekip đã phải trải qua rất nhiều các cuộc thử nghiệm. Ánh sáng sử dụng trong không gian phải tôn vinh di sản nhưng không được làm cho di sản bị biến dạng. Vậy nên chúng ta thấy màu sắc từng khu vực đều phải có sự tính toán rất kỹ lưỡng và làm nổi bật lên vẻ đẹp của cảnh quan di tích như cây cổ thụ, mặt nước... tất cả đều liên quan đến sự chuẩn bị về mặt ánh sáng. 

Ánh sáng chủ đạo là ánh sáng vàng ấm, không có những ánh sáng màu sắc sặc sỡ vì nó không phù hợp với không gian di tích. Khi sử dụng ánh sáng, chúng tôi không muốn làm cho khu di tích trở nên rực rỡ mà vẫn phải giữ được  vẻ thâm trầm và tinh tế của nó. Những ánh sáng đấy còn phải phù hợp với nội dung và âm thanh, làm nên sự tổng hòa, tạo nên ý thức, cảm xúc của du khách, đặc biệt là những vị khách muốn tìm hiểu giá trị chiều sâu của Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

396718710_724736786358693_5965260387844738080_n.jpg
Ánh sáng được ekip tính toán chuẩn xác đến từng chi tiết để đảm bảo bộ phim Mapping được trình chiếu trọn vẹn trên nhà Thái học và làm nổi bật nét kiến trúc đặc trưng. (Ảnh: Fanpage Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám) 

Bên cạnh ánh sáng, âm thanh cũng là một yếu tố quan trọng làm nên sự đặc biệt cho Tour đêm Văn Miếu. Vậy quá trình chuẩn bị cho phần âm thanh đã được ekip thực hiện như thế nào? 

Âm thanh đã được đặt hàng riêng cho chương trình chứ không phải ghép, nhặt từ các chương trình khác. Chủ đạo trong âm thanh là nhạc cụ dân tộc và nhạc sĩ sáng tác âm thanh này đã phải có sự thẩm thấu những nội dung của kịch bản rất sâu sắc để hiểu được. Nếu để ý đến âm thanh, ta sẽ thấy từng khu vực âm thanh có sự thay đổi, không hề giống nhau. Tại khu Thái học, âm thanh trong phim Mapping cũng diễn biến theo từng cung bậc cảm xúc trong bộ phim. Đặc biệt, khi kết hợp với phần âm thanh trực tiếp mà các nhạc công biểu diễn trước khi xem phim, du khách sẽ có những trải nghiệm hết sức sống động.

Những bản nhạc đó cũng được sáng tác riêng cho chương trình. Âm thanh cũng tạo nên những cảm xúc đặc biệt khi khách ghé thăm di tích vào buổi tối. Khi đi qua từng khu vực, những câu chuyện về đạo học Việt Nam được tái hiện không chỉ qua ánh sáng mà còn từ những âm thanh chân thực. Giai đoạn người mới đi học sẽ khác với giai đoạn vinh quy bái tổ, tiết tấu thể hiện những cung bậc cảm xúc khác nhau tạo nên một câu chuyện sống động bằng âm thanh. Mặc dù phải mất đến nửa năm (6 tháng) và rất nhiều lần điều chỉnh, thay đổi nhưng đó là sự lao động nghệ thuật rất nghiêm túc.

Sáng tạo từ những di sản mà cha ông để lại cũng là một cách để chúng ta gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc. Vậy theo ông, Văn Miếu - Quốc Tử Giám có những thuận lợi và khó khăn nào khi thực hiện các dự án bảo tồn văn hóa truyền thống những giá trị lịch sử của địa điểm không bị mất đi?

Thuận lợi nhất đó chính là những giá trị của Văn Miếu, là điều mà không phải di tích nào cũng có được. Văn Miếu có bề dày gần 1000 năm lịch sử và gắn với đạo học Việt Nam, cũng là một trong những di tích cho đến bây giờ được bảo tồn và phát huy tương đối tốt. Điểm thuận lợi thứ hai là lượng khách đến Văn Miếu - Quốc Tử giám rất đông, khách trong nước và quốc tế hàng năm lên tới hàng triệu người. Có thể nói, đây là một địa danh thu hút sự quan tâm của rất nhiều đối tượng. 

Cái khó khăn ở đây cũng chính từ sự đa dạng của giá trị. Phải làm thế nào để thể hiện giá trị văn hóa đó bằng những sản phẩm, hoạt động hấp dẫn khách. Nếu chúng ta không làm tốt thì nhiều khi sẽ làm cho giá trị của nó giảm đi. Cho nên chúng tôi phải đảm bảo tính khoa học, nội dung của những giá trị trong di sản, di tích nhưng vẫn tạo được sự hấp dẫn khách tham quan thông qua các hình thức về mặt nghệ thuật và  yếu tố công nghệ. Đó là câu chuyện đòi hỏi nỗ lực của những người nghiên cứu, thiết kế, tổ chức chương trình, cần có sự liên kết, kết nối của rất nhiều các chủ thể để làm việc đó. 

Vấn đề thứ hai, đó là làm sao cân bằng được mối quan hệ giữa bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, di sản với phát triển dịch vụ. Tức là khi tổ chức chương trình cần có một nguồn lực đầu tư lớn nhưng nếu chúng ta lại sốt ruột mong muốn thu hồi nguồn lực ngay lập tức để bù lại cho nguồn lực đầu tư thì sẽ làm hạ thấp giá trị chương trình. Đó là bài toán rất khó, làm thế nào để giữ được chất lượng chương trình nhưng từ đó vẫn có nguồn lực để đầu tư. Nếu không giải quyết tốt quan hệ đó thì chương trình sẽ không thể bền vững được. 

Cái khó khăn thứ hai phải đặt ra chính là cách phục vụ của đơn vị di tích vốn chỉ là nơi làm chuyên môn. Bây giờ phải tổ chức hoạt động mang tính dịch vụ cao và nhu cầu khách đa dạng. Có những khách sẽ đòi hỏi cao, khó tính hơn thì mình phải giải quyết nó như nào cũng là câu chuyện, thách thức, nhất là trong điều kiện mạng xã hội phát triển, bất cứ ai cũng có thể đưa ra ý kiến và những ý kiến đó lại dễ gây tranh luận. 

396693390_724736559692049_4915112466019769399_n.jpg
Bên cạnh các điểm chạm cảm xúc qua các phần trình diễn ánh sáng, du khách còn được tham gia các trải nghiệm văn hóa học viết thư pháp Quốc ngữ trong không gian lớp học xưa. (Ảnh: Fanpage Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám)  

Thông qua Tour đêm Văn Miếu nói riêng và những dự án quảng bá tại các di tích lịch sử nói chung, theo anh các dự án đã thay đổi tư duy của những người quản lý về phát triển văn hóa du lịch kết hợp với văn hóa lịch sử như thế nào?  

Chương trình Tour đêm ở các di tích nói chung và ở Văn Miếu nói riêng đánh dấu một sự chuyển đổi nhận thức hết sức mạnh mẽ. Nhận thức ở đây là di tích không chỉ mở cửa hoạt động ban ngày mà có thể hoạt động vào buổi tối. Thứ hai là các dự án đã thay đổi tư duy phát triển di tích một cách bền vững, giá trị văn hóa lịch sử tiếp cận công chúng theo một cách dễ dàng, mới lạ nhưng vẫn đảm bảo nét truyền thống của di tích.

Trước kia có thể các di tích chúng ta chỉ mở cửa đón khách và đóng cửa khi khách về, nhưng rõ ràng bây giờ chúng ta phải làm như thế nào để có những hoạt động quảng bá, kể những câu chuyện của di sản. Thay đổi ở đây là không phải là sự tách biệt giữa văn hóa và du lịch mà cần có sự gắn chặt hai yếu tố với nhau, trong đó văn hóa ở đây là những giá trị di sản, là tài nguyên cho hoạt động du lịch. 

Mặt khác, tại các địa điểm du lịch, di tích phải vận hành như thế nào để phục vụ du khách tốt hơn, không phải văn hóa là thuần văn hóa mà cần phải hướng tới du lịch, hướng tới sự phát triển bền vững. Không phải chúng ta làm bất cứ giá nào để khách đến đây thật nhiều mà phải làm như thế nào để du khách được trải nghiệm, biết được những giá trị văn hóa - lịch sử và sau đó họ có thể quay trở lại. Từ chính những điều đó thôi thúc họ quay trở lại muốn biết kỹ hơn hoặc trải nghiệm những hoạt động mới liên tục được tổ chức ở đây thì đó là sự thay đổi trong cách làm việc, nhận thức ở các di tích lịch sử tại Hà Nội nói chung và Văn Miếu nói riêng. 

Xin cảm ơn ông đã tham gia trả lời phỏng vấn. 

 

 

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN