Ai đã lấy ao làng mang đi?
(Sóng Trẻ) - Ở mỗi làng quê Việt, nài lũy
tre xanh, mái đình, cây đa…, chiếc ao nhỏ cạnh nhà đã trở thành hình ảnh quá đỗi
quên thuộc. Nhưng càng ngày, cùng với sự phát triển của nông thôn và đời sống của
người nông dân, những chiếc ao làng cũng đang dần mất đi…
Ao làng trong kí ức người thôn quê
Cạnh nhà xưa nay đều có chiếc ao nhỏ, cầu ao để rửa rau, giặt giũ. Vài nhà xung quanh một cái ao, chiều đến lại thấy nô nức: người lớn thì chuẩn bị bữa cơm chiều, trẻ nhỏ thì nô đùa nghịch nước…Tiếng cười vang mãi không dứt, tình làng nghĩa xóm bền chặt từ những câu chuyện bên cầu ao vào mỗi sớm, mỗi chiều như thế.
Ao làng là nơi in dấu kí ức tuổi thơ của
mỗi đứa trẻ thôn quê; là những trưa trốn ngủ, rủ lũ bạn đi câu con cá, con cua;
là những chiều tụ tập nhau kéo vài mẻ vó để có bữa tôm cho cơm tối; là bì bõm
ôm thân chuối, thau nhựa tập bơi… Những đứa trẻ đã lớn lên từ những điều giản dị
ấy.
Các bà, các mẹ mỗi lần ra đồng về lại rủ nhau dừng chân ở ao làng, rửa chân tay, cuốc liềm cho sạch trước khi về nhà. Rau hái lên, cũng mang ra ao rửa trước khi mang ra chợ bán…
Cái ao làng nhỏ bé, gần gũi nhưng lại bao dung, nhận tất cả bùn đất, lam lũ vào mình. Cuộc sống thôn quê bình yên, ấm áp từ chính cầu ao nhỏ quanh nhà. Nó trở thành một phần trong cuộc sống của người nông dân Việt Nam, thành nỗi nhớ của những người con xa quê…
Ai
đã lấy ao làng mang đi?
Nông thôn ngày càng đổi mới, phát triển; cuộc sống của người nông dân được cải thiện. Vui mừng khi điện đã về với từng nhà, đường rải bê tông đến từng ngõ xóm. Nhưng người ta cũng lấp luôn cả ao làng để lấy đất, những con ao cứ nhỏ dần lại, rồi cuối cùng là biến mất.
Cảnh chiều chiều mọi người gặp nhau, xôn xao đôi ba câu chuyện bên cầu ao cũng đã dần biến mất. Trẻ con cũng sẽ xa dần những buổi đi câu với con tôm, con cá. Những đứa trẻ sau này, liệu còn được biết đến con ao làng, còn được đi lối tắt qua vườn để ý ới gọi nhau đi học mỗi sớm.
Cuộc sống hiện đại nhưng sẽ thấy thiếu, thấy xa lạ và trống vắng bởi xung quanh chỉ là nhà, là cổng, là tường cao. Ao làng không chỉ gắn bó với cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân mà nó đã trở thành một nét văn hóa, một nét đẹp trong bức tranh thôn quê Việt Nam. Ao làng không phải là nơi được trao bằng chứng nhận di tích như đền chùa; không được nhắc đến nhiều trong thơ ca như cây đa, bến nước…nhưng nó cũng cần được giữ gìn, được bảo tồn theo đúng nghĩa.
Giữ lấy chiếc ao làng để giữ lại bầu không khí mát mẻ, trong sạch của làng quê. giữ lại nét văn hóa, nét thanh bình và giữ lại kí ức tuổi thơ đẹp cho mỗi đứa trẻ. Dẫu biết phải giữ nhưng rồi biết trách ai, hỏi ai khi thiếu đất thì người dân phải san ao làm nhà. Chỉ còn biết, làng quê Việt giờ đây đã mất dần hình ảnh của những chiếc ao làng…
Nguyễn Thị Minh Phương
Lớp Truyền hình K.31 A2
Học viện Báo chí và Tuyên truyền