NSƯT Kim Tiến: “Tôi làm việc với tinh thần phục vụ”
(Sóng trẻ) - NSƯT Kim Tiến được mệnh danh là người phụ nữ có “giọng đọc huyền thoại” đi vào lòng biết bao thế hệ khán thính giả. Dù đã nghỉ hưu 13 năm nhưng bà vẫn tất bật cống hiến cho đời không biết đến mệt mỏi.
Là phát thanh viên gạo cội của Đài truyền hình Việt Nam từ những ngày đầu lên sóng, NSƯT Kim Tiến được mọi người khâm phục không chỉ bởi tài năng mà còn bởi bản lĩnh của một “bông hồng thép”. Nài vai trò là người dẫn các chương trình thời sự, bà còn là phát thanh viên với câu nói huyền thoại: “Thuê bao quý khách vừa gọi tạm thời không liên lạc được. Xin quý khách vui lòng gọi lại sau”.
Làm việc hết sức, phục vụ hết mình
Dù đã ở tuổi 67 nhưng trông bà không khác cô phát thanh viên của 40 năm trước. Bà tâm sự: “ Tôi vô cùng ngạc nhiên vì được mọi người khen có “giọng đọc huyền thoại”. Khán giả ưu ái cho tôi quá! Tôi may mắn được trời phú cho chất giọng tốt. Nhưng tôi nghĩ đó chỉ là cú hích nhẹ, quan trọng là quá trình nỗ lực của bản thân. Và tôi luôn có ý thức phấn đấu qua từng chương trình, chứ không phải phấn đấu theo tuần, theo tháng”.
NSƯT Kim Tiến được mọi người khâm phục bởi tài năng và bản lĩnh của một “bông hồng thép”
Với phương châm: Làm việc bằng thái độ phục vụ, NSƯT Kim Tiến luôn đề cao cái ‘tâm” và trách nhiệm trong nghề, đặc biệt là công việc làm cho người khác thích thú. Là người thuyết minh cho bộ phim Tây Du Ký (bản năm 1986), nhưng không ai biết rằng, tiền cát-xê ngày ấy được trả theo phút. Mỗi tập phim dài 45 phút, mỗi phút bà chỉ được trả khoảng 1.500đ. Bà tâm sự: “Nếu vì tham vọng làm giàu thì không ai đạp xe cả quãng đường dài để lấy vài chục nghìn. Không có tình yêu nghề vô bờ bến thì tôi không thể làm được đâu”. Chính niềm đam mê, tâm huyết với nghề mà cho đến tận bây giờ, NSƯT Kim Tiến luôn nhận được sự yêu mến của khán giả nhiều thế hệ.
Người nghệ sĩ nặng duyên với nghề
Để thành công như ngày hôm này, người phát thanh viên ấy đã phải trải qua rất nhiều thăng trầm. Công việc Phát thanh viên hay Biên tập viên truyền hình vô cùng vất vả và áp lực. Trong suốt 30 năm làm nghề, không ít lần bà muốn buông xuôi. “Thời bao cấp ăn uống không đầy đủ, cuộc sống lại thiếu thốn. Giai đoạn này với tôi cực kì mệt mỏi. Hồi đó tôi có 42 kg thôi. Ít cân quá thì cột hơi không mạnh. Mọi người đều rời khỏi cơ quan Nhà nước, về mở cửa hàng để có thể tồn tại. Tôi cũng nghỉ một thời gian. Nhưng lòng yêu nghề lại thôi thúc tôi trở lại. Đến năm 1992, tôi tham gia lớp Đào tạo đạo diễn điện ảnh, truyền hình. Học xong mê đi làm phim lắm! Nhưng rồi vẫn không dứt được khỏi nghề”.
Dù về nghỉ hưu, NSƯT Kim Tiến luôn gắn bó với nghề. Bà nhận lời mời tham gia một số chương trình, chuyên đề truyền hình. Nài ra, bà còn truyền lửa cho những bạn trẻ có đam mê với nghề phát thanh viên qua các khóa học do bà trực tiếp giảng dạy. Với NSƯT Kim Tiến, được lên lớp truyền đạt kiến thức cho thế hệ sau là sự ấm áp, hạnh phúc: “Tôi cảm thấy vui khi người ta nhớ đến mình để đọc phim hay dạy dỗ, tức là nghề của mình không bị bỏ đi”.
Thúy Nga
Cùng chuyên mục
Bình luận