Bếp cải tiến ở Hà Nội: Tốt nhưng chưa phù hợp?

(Sóng trẻ) - Việc thay thế hoàn toàn thói quen sử dụng bếp than tổ ong truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay vẫn tồn tại nhiều bất cập, kể cả khi người dân đã được phổ biến về nhiều loại vật dụng khác không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Theo khảo sát của Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thủ đô có hơn 55.000 bếp than tổ ong được sử dụng hàng ngày với lượng than tiêu thụ khoảng 528.2 tấn. Lượng than này khi đốt phát thải 1.870 tấn CO2 vào bầu không khí thủ đô.

Chẳng cần nói cũng biết chúng gây hại cho cuộc sống con người ra sao. Đó cũng chính là lý do lãnh đạo các cơ quan chức năng đặt mục tiêu đến năm 2020, 55.000 bếp than tổ ong sẽ hoàn toàn biến mất trên địa bàn Hà Nội. Cách đây không lâu, bếp cải tiến ra đời với nhiệm vụ thay thế loại vật dụng vốn đã gắn bó với người dân Việt Nam từ nhiều đời nay đó.

Bếp cải tiến có tính năng ưu việt

Bảo vệ môi trường vốn là nhiệm vụ chung của toàn nhân loại, song cũng chính vì lẽ đó, không phải ai cũng nhận thức và cố gắng thực hiện điều này. Câu chuyện về tác hại của bếp than tổ ong đã được nói quá nhiều cách đây rất lâu. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, những con số thống kê vẫn đang ở mức đáng báo động.

Bếp cải tiến ra đời trong bối cảnh bếp than tổ ong đã trở thành một nét “văn hóa” quá đỗi thân quen đối với người dân Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Bà Nguyễn Thị Minh (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Nhà tôi hầu như ngày nào cũng sự dụng bếp than tổ ong. Kể ra thiếu nó thì rất phiền. Vì nhà bán hàng nước nên nhu cầu sử dụng nhiều, dùng bếp ga không biết bao nhiêu tiền cho đủ. Hơn nữa, cứ nhóm than để bếp ở đó, hàng xóm cần thì sang đun nhờ cũng tiện hơn”.

Do đó, bếp cải tiến buộc phải mang trong mình những tính năng thực sự ưu việt nếu muốn tạo dựng chỗ đứng riêng và được khách hàng yêu thích sử dụng trong thời đại ngày nay. Thật vậy, nếu so sánh với bếp than tổ ong truyền thống và một số loại bếp khác, bếp cải tiến có nhiều yếu tố nổi trội hơn, đặc biệt ở việc tiết kiệm và bảo vệ môi trường.
 
14958a545_line_33327488_1.png

Lộ trình thay thế 55.000 bếp than tổ ong

Ngày 6/2, Lễ ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) đã diễn ra với mục đích thống nhất tham gia thực hiện nhiệm vụ thay thế bếp than tổ ong bằng bếp cải tiến, thân thiện với môi trường trên địa bàn thủ đô đến năm 2020.

Với mục đích cải thiện chất lượng không khí và nâng cao cuộc sống cho người dân, hướng đến mục tiêu giảm 70% số lượng bếp than tổ ong cuối năm 2019, thay thế cơ bản toàn bộ vào năm 2020, mọi sản phẩm bếp cải tiến được sản xuất đều dựa trên những quy chuẩn và có sự kiểm định chặt chẽ của Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) theo 3 tiêu chí: Khí thải, an toàn và hiệu quả nhiên liệu.

Chị Nga, nhân viên phụ trách dự án và bán hàng của Công ty Cổ phần Thế hệ xanh cho biết: “Bếp cải tiến có chất liệu bằng tôn và inox nên bền và đẹp hơn. Đây là loại bếp sử dụng củi vì môi trường nên rất ít khói so với bếp đun truyền thống. Bếp than tổ ong rất rẻ, chỉ cần vài nghìn đồng một viên là đủ đun nấu rất nhiều. Tuy nhiên, khí than lại vô cùng độc hại trong khi bếp cải tiến tiết kiệm củi và cũng ít khói nữa”.
 
14958a545_mynewposter5_33312579_2.png

Những tính năng ưu việt của bếp cải tiến

Nài ra, loại bếp này còn có thể sử dụng một số nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên như mùn cưa, vỏ trấu, lõi ngô,… làm chất đốt, đồng thời không có phụ phẩm hóa học khi cháy. Ưu điểm của loại bếp này là ít mùi, ít khói và chỉ mất chưa đầy một phút để nhóm lửa. Đặc biệt, chi phí chỉ vào khoảng vài nghìn đồng cho một kg nhiên liệu, tương đương với bếp lò nhưng đun nhanh hơn bếp ga.

Cách thức hoạt động của bếp cải tiến rất đơn giản theo cơ chế “từ trên xuống dưới”. Cụ thể, người dùng xếp củi vào trong thông qua phần miệng bếp trước khi châm lửa từ trên bề mặt. Nhiên liệu bén và cháy nhanh hay chậm phụ thuộc vào việc người sử dụng mở cửa gió phía dưới ra sao, đơn giản hơn nhiều so với việc cầm quạt hoặc bổ sung một số chất xúc tác hóa học. Bên cạnh đó, trong quá trình thiết kế, bếp cũng được lắp đặt phần tiếp củi ở mạn sườn và miệng bếp. Điều này giúp người sử dụng không bị ngắt quãng quá trình đun nấu do hết nhiên liệu.

Không hiệu quả khi đưa vào thực tế

Kể từ khi ký kết thỏa thuận hợp tác với với tổ chức nước nài, Hà Nội đã tiến hành thí điểm mô hình thay thế bếp than tổ ong bằng bếp cải tiến ở 2 phường Phúc Tân và Trúc Bạch. Tuy nhiên, thông qua quá trình khảo sát thực tế, đến nay người dân nơi đây đã hoàn toàn quay trở lại sử dụng bếp than tổ ong truyền thống.

Tính năng ưu việt kết hợp cùng những hoạt động tuyên truyền, vận động của các cơ quan chức năngcũng không đủ để người dân chuyển sang sử dụng loại bếp mới này. Cụ thể, tại các tại các khu vực lựa chọn để triển khai thí điểm mô hình, người dân sẽ được dùng thử loại bếp cải tiến dùng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường trong vòng một tháng đầu. Sau đó, ai mua bếp và nhiên liệu sẽ được hưởng mức giá ưu đãi (thấp hơn giá thị trường từ 30 - 40%) trong thời gian diễn ra mô hình (từ tháng 2-4/2018).

Theo phản ánh của các hộ gia đình sinh sống tại phường Trúc Bạch, loại bếp cải tiến này đúng là có những tác động tích cực tới môi trường, song đó chỉ là trên lý thuyết. Ông Nam (Trúc Bạch, Hà Nội) cho biết: “Trước đây họ đã từng phổ biến về loại bếp cải tiến này nhưng sau đó ai mượn thì mượn thôi. Có người mượn một thời gian về dùng rồi cũng bỏ. Ở đây người ta không hưởng ứng, mượn về vậy thôi chứ sau đều trả lại hết”.

“Lý do đơn giản bởi nó không tiện. Nói chung để sử dụng cần nhiều thao tác phức tạp. Hơn nữa, kiếm nhiên liệu để đun cũng khó chứ đâu có dễ. Nhóm bếp cũng mất nhiều thời gian chứ không phải chỉ 30 giây như lời đồn. Hồi đó, họ cũng tổ chức họp hành rồi phổ biến cho ai có nhu cầu. Bà xã nhà này đi nghe xong về bảo cái bếp cải tiến này phức tạp lắm, không dùng được nên thôi”, ông nói thêm.

Sau một thời gian tiếp xúc với bếp cải tiến, nhận thấy tình hình không khả quan, các hộ gia đình đã quay lại với bếp than tổ ong truyền thống, bất chấp việc nó gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người. Người dân ở 2 phường Phúc Tân và Trúc Bạch cho rằng bếp than tổ ong tiện lợi hơn rất nhiều. Thay vì cứ khoảng 15 phút phải nhóm bếp một lần, họ có thể ủ than để duy trì ngọn lửa liên tục. Bên cạnh sự tiện lợi, bếp than tổ ong rẻ hơn cả về giá thành cũng như nhiên liệu.

“Tôi thấy người ta dùng bếp than bao nhiêu năm nay có bệnh tật gì đâu, cũng sống đến nhiều tuổi, có khi cao là đằng khác. Chẳng hiểu các ông nghiên cứu kiểu gì. Bếp nào mà chẳng có khói, khói nào mà chẳng độc. Đang dùng quen bếp than, chẳng có ai giờ tự nhiên đi đun bếp củi cả”, ông Nam chia sẻ.

14958a545_bep.png
 
Số liệu đáng báo động về việc sử dụng bếp than tổ ong ở Hà Nội

Quan điểm này phần lớn giống với bà Phương (Phúc Tân, Hà Nội). Kinh doanh dịch vụ ăn uống, bà cho rằng chỉ bếp than mới cung cấp đủ nhiệt cho xoong, nồi to hàng ngày. Chưa kể đến việc nếu có hỏng, người dùng đắp đất lên vẫn sử dụng tiếp được. Trong khi đó, nhiều người không biết xử lý ra sao nếu bếp cải tiến gặp trục trặc.
 
Bà Phương cho biết: “Bếp than tổ ong dùng rất tiện lợi. Mua than cũng dễ, mua bếp cũng dễ. Than gọi người bán đến là có ngay mà giờ nhiều hàng rong cũng bán cả bếp nên muốn mua cũng chẳng cần đi xa. Cũng biết là hít nhiều khí than thì không tốt những biết sao giờ. Dùng thì vẫn phải dùng, mua loại tốt hơn thì sợ đắt tiền. Mình bán hàng mà, cũng phải nghĩ đến kinh tế chứ không lấy đâu ra lãi”.

Trao đổi với cán bộ phụ trách dự án của Công ty Cổ phần Thế hệ xanh, chị cũng cho biết sau quãng thời gian thí điểm tại một số phường trên địa bàn thành phố Hà Nội, đúng là bếp cải tiến vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thể thay thế vai trò của bếp than tổ ong. Chủ yếu bếp chỉ phổ biến với những hộ gia đình ở nông thôn do có thể tận dụng nguồn rơm, rạ, vỏ trấu, rác thải nông nghiệp,… Trong khi đó, người dùng ở Hà Nội sẽ rất khó để tìm nhiên liệu, đồng thời cách nhóm bếp tương đối phức tạp, dễ gây nguy hiểm cho người không thành thạo.

Bếp cải tiến còn chưa phổ biến

Một trong những lý do bếp cải tiến còn chưa phổ biến tới đông đảo người dân là bởi công tác tuyên truyền, vận động vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Dù thông tin về loại bếp này đã được nhiều phương tiện truyền thông đại chúng đăng tải, song không phải ai cũng biết và hiểu về những tác dụng mà nó đem lại.

Khảo sát tại phường Yên Phụ, nơi chỉ cách Phúc Tân chưa đầy 1 km, phần lớn người dân nơi đây cho rằng họ không hề có thông tin gì về loại bếp cải tiến mới. Chị Trần Bích Ngọc (Yên Phụ, Tây Hồ) chia sẻ: “Đây là lần đầu tôi nghe nói đến loại bếp này. Hàng xóm xung quanh cũng không có ai sử dụng nó, tất cả đều là bếp than tổ ong”. Khi được hỏi về việc cơ quan chức năng ở phường sở tại có phổ biến và khuyến khích người dân sử dụng bếp cải tiến vì môi trường hay không, chị cho biết đến nay vẫn chưa nhận được thông tin gì.

14958a545_i_7835.jpg

Bếp Thế hệ xanh còn chưa thật sự phổ biến tới đông đảo người dân

Có thể nói, công tác tuyên truyền, vận động tới các địa phương vẫn chưa được tiến hành trên diện rộng và còn mang tính chất thời vụ. Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ thay thế hoàn toàn 55.000 bếp than tổ ong, song đã gần một năm kể từ khi bắt đầu triển khai, dường như dự án đang đi chậm so với tiến độ đề ra.

Không chỉ vậy, đối với những người có nhu cầu sử dụng loại bếp này, việc tìm mua cũng tương đối khó khăn. Đa phần người dân đều tiếp xúc với bếp cải tiến thông qua những buổi tuyên truyền, vận động hoặc các chương trình đổi bếp do một vài tổ chức phi phính phủ vì môi trường phát động.
 
Bằng chứng là rất hiếm cửa hàng bán đồ gia dụng nhập bếp cải tiến về kinh doanh do đây không phải mặt hàng quá phổ biến. Trong khi đó, để tìm đường tới Công ty Cổ phần Thế hệ xanh không hề đơn giản. Nhóm phóng viên đã tiến hành tìm đến địa chỉ được đăng tải trên trang chủ để trao đổi với nhân viên công ty nhằm có được cái nhìn khách quan nhất về vấn đề này.

Văn phòng công ty nằm tại tầng 6 tòa nhà D14/D6 khu đô thị mới Cầu Giấy. Phía bên nài tòa nhà không cho thấy bất cứ một dấu hiệu nhận biết gì về công ty. Địa chỉ được đánh dấu trên bản đồ cũng không dễ tìm khiến nhóm phóng viên buộc phải gọi điện vào đường dây nóng để nhận sự trợ giúp. Phía trên văn phòng cũng chỉ là một căn hộ nhỏ có diện tích khoảng 20 m vuông, chủ yếu làm công việc liên quan đến giấy tờ thay vì trở thành nơi trưng bày sản phẩm.

Chị Nga, cán bộ của công ty cho biết chủ yếu nhân viên làm việc ở xưởng sản xuất tại Hòa Lạc và đây là văn phòng đại diện duy nhất trên toàn thành phố Hà Nội. Bộ phận văn phòng không có nhiều nhân sự trong khi nhân viên kinh doanh chủ yếu đi bán hàng trực tiếp tại các tỉnh.

14958a545_i_7855.jpg

Văn phòng đại diện của công ty chủ yếu giải quyết những công việc liên quan đến giấy tờ, không có nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm riêng.

Khi được hỏi tại sao sau đợt thí điểm tại 2 phường Trúc Bạch và Phúc Tân, người dân lại không tiếp tục sử dụng bếp cải tiến, chị Nga cho biết: “Thật ra, sử dụng bếp cải tiến ở Hà Nội không được tiện cho lắm. Tại đây, mọi người biết rằng bếp than rất hại nhưng vẫn tiện hơn vì họ mua than được, chứ củi thì khó”.

Tuy nhiên, chị cũng chia sẻ công ty nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng. Nài việc tiết kiệm củi và ít khỏi, lửa cháy của bếp cũng rất tốt và ổn định. “Có nhiều đơn vị muốn đặt số lượng lớn để trở thành đại lý. Thế nhưng công ty chủ yếu làm về dự án nên bán lẻ khá nhiều. Bởi lẽ mình phải xin lại thông tin của khách hàng để trong quá trình sử dụng, mình gọi điện hỏi thăm hoặc giải đáp thắc mắc nếu có vấn đề. Khách hàng không đến đây nhiều, phần lớn là những người Hà Nội muốn mua để mang về quê”, chị nói thêm.

Hướng đi nào cho bếp cải tiến?

Trao đổi với chị Hà Ngân Hà, trưởng dự án đổi bếp than tổ ong lấy bếp cải tiến của tổ chức phi chính phủ GreenHub, chị cho biết: “Ban đầu, chúng tôi chọn cách tiếp cận chưa phù hợp khi phổ biến cho người dân về bếp cải tiến. Các đặc tính ưu việt của bếp cải tiến lại hoàn toàn đối lập so với bếp than tổ ong”. 

Cụ thể, bếp than tổ ong có đặc điểm là đun lâu trong khi bếp cải tiến thì ngược lại. Nước có thể sôi, thức ăn có thể chín trong thời gian ngắn, song đòi hỏi người sử dụng phải trông lửa liên tục. Thêm vào đó, muốn sử dụng bếp cải tiến cần có hệ thống quạt, nếu không các viên nhiên liệu nén sẽ bốc khói đen và ảnh hưởng tới đồ gia dụng cũng như môi trường xung quanh.

“Câu chuyện đổi từ bếp than tổ ong sang bếp cải tiến không đơn giản là thay thế hai loại bếp khác nhau. Vấn đề ở đây là thói quen của người sử dụng. Khi đun bếp than tổ ong, người dân có nhiều thời gian để làm việc khác mà không vướng bận trong khi bếp cải tiến làm điều đó trong thời gian ngắn. Đang ‘chậm’ bất ngờ chuyển sang ‘nhanh’, nhiều người không thích điều đó”, chị Hà chia sẻ.

Sau khi thực hiện một số chương trình thí điểm trên địa bàn Hà Nội và thấy không hiệu quả, GreenHub quyết định chuyển hướng tiếp cận. Theo đó, công tác tuyên truyền sẽ tập trung vào tác hại của bếp than tổ ong, vận động người dân chuyển sang sử dụng những loại bếp khác. Một số chương trình đổi bếp đã được tổ chức trong thời gian gần đây và nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Tổ chức phi chính phủ này đã liên hệ với một số đại lý để họ đồng ý bán bếp ga với giá gốc. Cùng với đó, GreenHub sẽ hỗ trợ mỗi người 300.000 đồng nếu đổi từ bếp than tổ ong sang bếp ga.

Cũng theo chị Hà, để có thể hoàn thành mục tiêu làm biến mất 55.000 bếp than tổ ong trên địa bàn Hà Nội, quan trọng nhất là cần tăng cường, đẩy mạnh sự quan tâm của các Nhà nước cùng với các cơ quan chức năng. Đến một thời điểm cần thiết nào đó, những chế tài xử lý sẽ được đưa ra. Bởi lẽ, bản thân những người dân đang sử dụng bếp than tổ ong cũng chia sẻ họ sẵn sàng từ bỏ thói quen của mình nếu Nhà nước cấm sử dụng. 


Thực trạng sử dụng bếp cải tiến tại Hà Nội

Trước những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu mà một trong những nguyên nhân đầu tiên là ô nhiễm môi trường, việc thay đổi thói quen sử dụng bếp than tổ ong truyền thống là cần thiết. Không chỉ vậy, nó còn giúp mỗi người có ý thức hơn với sức khỏe của chính mình và những người xung quanh.

55.000 bếp than tổ ong là con số lớn, nếu không muốn nói là khổng lồ. Hiện thực hóa mục tiêu này sẽ là một thử thách khó khăn, song không phải không thể làm được. Bếp cải tiến ra đời để trở thành phương tiện cho người dân thay đổi thói quen sinh hoạt đã có từ lâu của mình. Tuy nhiên hiện nay, việc khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng loại bếp mới này vẫn còn tồn tại nhiều bất cập đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng cũng như ý thức mỗi người. Không chỉ bếp cải tiến mà đề án phát triển sẽ còn phải “cải tiến” rất nhiều nếu không muốn biến nó trở thành những con số trên giấy tờ. 
Nhóm PV

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN