4 điều quan trọng không thể bỏ qua khi làm phóng sự truyền hình ngắ
(Sóng trẻ) - Phóng sự là một thể loại không thể thiếu trong quá trình tác nghiệp của nhà báo. Nhưng nhiều phóng viên mới bước vào nghề lại không khỏi bỡ ngỡ và chưa biết nên bắt đầu từ đâu. Những yếu tố nào tạo nên một phóng sự ngắn tốt vẫn là câu hỏi của không ít nhà báo tương lai
Phóng sự là một thể loại của ký, là trung gian giữa văn học và báo chí. Phóng sự không chỉ đưa tin mà còn có nhiệm vụ dựng lại hiện trường cho mọi người quan sát, phán xét. Để làm được phóng sự đòi hỏi nhiều thời gian và công sức để điều tra, thâm nhập thực tế và phỏng vấn nhiều người.
Nài phóng sự viết, phóng sự ảnh, phóng sự nói còn nổi bật lên là phóng sự truyền hình. Theo PGS.TS Dương Xuân Sơn thì "phóng sự truyền hình là một thể loại báo chí truyền hình thuộc nhóm chính luận nghệ thuật, phản ánh các sự kiện, con người, tình huống, hoàn cảnh điển hình trong quá trình phát sinh, phát triển. Đồng thời thẩm định hiện thực đó qua cái tôi trần thuật vừa tỉnh táo, lý trí vừa cảm xúc với bút pháp giàu chất văn học bằng phương tiện kỹ thuật truyền hình".
Để làm được một phóng sự truyền hình ngắn thật tốt không phải là điều dễ. Nó đòi hỏi người làm phóng sự cần phải nắm bắt không chỉ những kỹ năng chuyên môn mà còn phải thật khéo léo trong việc thể hiện cái nhìn, cảm xúc về đối tượng được phản ánh. Trong đó có những yếu tố mà bất cứ người làm phóng sự nào cũng không thể bỏ qua và xem nhẹ.
Cách chọn và xử lý đề tài
Nhiều người khi mới bắt đầu làm thường dễ nản và bỏ cuộc ngay từ khâu chọn đề tài. Chọn được một đề tài đã khó, chọn được đề tài hay và lạ lại càng khó hơn. Làm thế nào để tìm được đề tài? Đó là câu hỏi luôn thường trực không chỉ đối với người làm phóng sự mà còn đối với người làm báo nói chung. Đề tài luôn xuất hiện và không bao giờ cạn kiệt đối với người chịu quan sát và theo dõi, nắm bắt dòng chảy của cuộc sống. Đề tài có thể ở ngay quanh ta chứ không nhất thiết phải lặn lội đi tìm ở đâu xa. Có những thứ tưởng như đơn giản nhưng lại không hề giản đơn. Bản thân cái đơn giản lại chất chứa cả những câu hỏi không có hồi kết.
Chúng ta có thể tìm đề tài qua nhiều nguồn khác nhau. Đó có thể là do chính những va vấp, trải nghiệm của bản thân người làm phóng sự. Đó cũng có thể là qua bạn bè, người thân, qua các phương tiện thông tin đại chúng. Thậm chí đề tài mới và độc không hẳn là thông tin mới. Nó có thể là những thông tin đã qua nhưng được tái hiện và phân tích sâu hơn ở các khía cạnh khác nhau. Không có thông tin cũ mà chỉ có những cách nhìn cũ. Người làm phóng sự phải hết sức nhạy bén và tinh tế khi nhìn nhận mọi vấn đề.
Khi đã tìm được đề tài thì việc phân tích, xử lý đề tài là điều vô cùng cần thiết để quyết định xem đề tài có phù hợp và mang lại hiệu quả cao không. Bản thân một đề tài hay là một đề tài chứa đựng tính mâu thuẫn. Trong một bài viết của nhà báo Văn Đồng có viết: "Tính mâu thuẫn là yếu tố đầu tiên để có một đề tài tốt, một phóng sự tốt". Chính vì mâu thuẫn nên việc đi tìm câu trả lời để giải đáp tính mâu thuẫn ấy mới thực sự cần thiết. Nài ra "độc" và "lạ" cũng là những yếu tố mà các nhà báo tương lai nên xem xét trong quá trình chọn và xử lý đề tài. Cách đặt và triển khai vấn đề như thế nào cũng là điều không thể thiếu để có một phóng sự truyền hình ngắn tốt.
Cách đặt tên phóng sự
Báo chí nói chung và phóng sự truyền hình nói riêng chỉ thực sự được chú ý khi có một cái tên gây hứng thú và nhận được sự quan tâm của độc giả. Một cái tên hay quyết định đến việc người xem có thể xem hoặc bỏ qua phóng sự của bạn. Tất nhiên tên của phóng sự không thể quyết định hoàn toàn sự thành công của sản phẩm. Tuy nhiên nó lại là tiền đề để tạo nên thành công của phóng sự đó. Có nhiều cách để đặt tên một phóng sự truyền hình gây được sự chú ý, quan tâm của mọi người. Tác giả bài phóng sự có thể đặt dưới dạng câu nghi vấn, câu khẳng định, dạng đối lập hay láy từ. Điều này sẽ gây được sự chú ý của độc giả xem truyền hình. Tên phóng sự cũng cần phải là ngôn từ dễ hiểu và gần gũi đối với người tiếp nhận. Tuyệt đối tránh dùng những ngôn từ khó hiểu, phức tạp gây sự khó chịu đối với người xem.
Thời lượng và kết cấu của một phóng sự ngắn
Ở các nước phát triển, một phóng sự ngắn thường chỉ dài khoảng 1 phút 30 giây. Thế nhưng ở Việt Nam, thông thường một phóng sự ngắn sẽ có thời lượng là 3 phút. Trong khoảng thời gian đó người làm phóng sự có nhiệm vụ truyền tải, đưa thông tin đến với người xem một cách khách quan nhất.
Kết cấu của một phóng sự ngắn tương ứng với lượng thời gian của phóng sự. Thời lượng giữa các phần được phân bổ hợp lý và cân đối. Mở đầu phóng sự truyền hình ngắn sẽ là phần nêu lên thực trạng của vấn đề mà phóng sự đó đề cập đến. Thực trạng đó đó là gì? Thực trạng đó diễn ra như thế nào? Người làm phóng sự có nhiệm vụ đưa đến cho người đọc một cái nhìn chân thực nhất về vấn đề đang xảy ra để họ hiểu nội dung mà phóng sự đó đang đề cập đến.
Phần thứ hai của phóng sự sẽ nêu lên nguyên nhân dẫn tới hiện trạng đó. Nguyên nhân đó nằm ở đâu? Lỗi ở chính quyền các cấp hay là ở bản thân người dân? Tất cả sẽ được giải đáp thỏa đáng ở phần này.
Phần ba cũng là phần kết thúc phóng sự và quan trọng không kém những phần trước của. Phần này có lẽ cũng là phần gây sự tò mò và được đón đợi nhiều nhất. Câu hỏi ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm trước tình trạng trên sẽ được phóng sự đề cập. Đây được coi như là nút thắt được mở và một cuộc sống mới tốt đẹp hơn được mở ra.
Điều chỉnh cảm xúc khi dẫn hiện trường
Người dẫn hiện trường góp phần không nhỏ trong việc tạo nên một phóng sự hấp dẫn và để lại dư âm trong lòng người xem. Việc điều chỉnh cảm xúc sao cho phù hợp với vấn đề được nêu, việc chọn trang phục, đi, đứng, ngồi sao cho hợp với bối cảnh của hiện trường cũng không nên bị xem nhẹ. Sự đối lập giữa thực trạng vấn đề và không gian hiện trường với hình thức của phóng viên cũng sẽ làm giảm hoặc tăng độ thành công cho phóng sự. Việc tăng và giảm âm lượng, điều chỉnh giọng, biểu cảm trạng thái khuôn mặt tuy rất nhỏ nhưng cũng quyết định đến sự chuyên nghiệp và ấn tượng của người xem.
Một điều cần lưu ý khi làm phóng sự truyền hình ngắn nữa cũng là việc chọn trình tự quay sao cho hợp lý. Thường thì trình tự Cận- Trung- Toàn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với trình tự Toàn- Trung- Cận. Điều này giúp cho người xem có được một cái nhìn cụ thể về vấn đề và tạo hiệu ứng cảm xúc mạnh hơn.
Để làm tốt được một phóng sự truyền hình tốt cần có nhiều yếu tố chứ không phải một vài yếu tố là có thể thành công được. Nó cũng đòi hỏi người làm phóng sự, đặc biệt là những bạn trẻ mới vào nghề có một sự kiên trì và chịu được áp lực cao. Phóng sự truyền hình sẽ vẫn là thể loại không bao giờ cũ, nó cũng đòi hỏi những thế hệ trẻ đam mê thể loại này tiến xa hơn nữa trong chuyên môn nghề nghiệp để có thể đem đến cho độc giả những sản phẩm hoàn thiện nhất.
Nguyễn Mơ
Báo mạng điện tử K34
Cùng chuyên mục
Bình luận