Bị quấy rối tình dục: mấy ai sẵn sàng vượt qua định kiến để lên tiếng tự bảo vệ mình?

(Sóng trẻ) - Định kiến giới trở thành “vật ngáng chân” đối với những nạn nhân nữ trước việc lên tiếng về thực trạng quấy rối tình dục. Tự bảo vệ lấy mình trước sự phán xét của người khác vốn chẳng dễ dàng.  

Theo ủy ban CEDAW (United Nations Committee on the Elimination of All Forms of Discrimination against Women): “Quấy rối tình dục bao gồm các hành vi có tính chất tình dục, không mong muốn như tiếp xúc thân thể, nhận xét, bình phẩm mang ý nghĩa tình dục, trưng bày hình ảnh tình dục, vật phẩm khiêu dâm; gạ gẫm tình dục bằng lời nói hoặc hành động. Hành vi đó có thể xúc phạm danh dự và ảnh hưởng đến sức khỏe và đe dọa sự an toàn”.

Trên thực tế, các hành vi quấy rối tình dục diễn ra ngày càng nhiều với những đối tượng khác nhau. Các số liệu được thu thập từ EEOC, ILO từ năm 2007 – 2017 cho biết: Tại Mỹ 31% lao động nữ cho biết họ đã từng bị quấy rối tình dục. Một con số lên đến 40 - 50% nữ giới tại Châu Âu bị quấy rối. Tỷ lệ này cũng đáng chú ý tại Ý khi 55.4% nữ trong độ tuổi 14 - 49 từng đối mặt với vấn đề này. Ở Việt Nam, vấn đề này cũng được hiện diện rõ tại các doanh nghiệp, 17% ứng viên cấp trung phỏng vấn cho biết đã từng “nhận được những đề nghị liên quan đến tình dục từ cấp trên để đổi lấy các lợi ích tại nơi làm việc. Đặc biệt, 30% số quốc gia trên thế giới chưa có luật cấm quấy rối tình dục tại nơi làm việc, khiến gần 235 triệu lao động nữ đã, đang và có nguy cơ trở thành nạn nhân của những kẻ xấu.

Những con số biết nói đã phản ánh phần nào bức tranh tổng quan về tình trạng quấy rối tình dục diễn ra trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Vậy nạn nhân ở đâu trong những câu chuyện trên? Im lặng hay dám lên tiếng tố cáo vẫn là quyết định vô cùng khó khăn. Vào năm 2017, sau gần một thập kỷ xảy ra vụ việc, người mẫu Vũ Thu Phương tiết lộ từng bị Harvey Weinstein - ông trùm Hollywood quấy rối. Khi đến thành phố Hồ Chí Minh chọn diễn viên, nhà sản xuất đã gọi nữ diễn viên lên phòng riêng và gạ tình bằng cách đề nghị cô tập luyện cho việc đóng cảnh nóng kèm theo lời hứa hẹn sẽ giúp cô có được hợp đồng đóng phim ở London (Anh). Sự việc khiến Vũ Thu Phương vô cùng sợ hãi. Điều cản trở nữ diễn viên lên tiếng lúc đó là nỗi lo nhận phải lời nói đặt điều từ khán giả, sợ bị cho là “tạo fame” và sợ bị tẩy chay. 

quay-roi-tinh-duc-la-gi.jpg
Những lời phán xét từ những người xung quanh khiến nạn nhân của quấy rối tình dục chưa sẵn sàng lên tiếng tố cáo (Ảnh: minh họa)

Phụ nữ có thể trở thành “con mồi” của những kẻ xấu ở bất kỳ đâu. Trong môi trường học đường, nhiều bức thư của những nữ sinh trình báo về việc bị quấy rối tình dục đã khiến dư luận dậy sóng. Nhưng để viết ra những điều đó không phải là điều dễ dàng. Họ bị đe dọa bởi chính những người làm hại mình, có trường hợp còn đe dọa đến tính mạng. Có những người phải rất lâu sau mới dám lên tiếng. Thế nhưng, nạn nhân lại nhận về những nhận xét khiếm nhã, mang tính miệt thị từ những người ngoài cuộc. Không chỉ người lạ, chính người thân   trong một số gia đình cũng quay sang chất vấn với những câu nói như “Không có lửa làm sao có khói”, “Ăn mặc như thế thì bảo sao không bị quấy rối”,...  Nhiều người bị dồn vào thế phải chọn im lặng như một cách để mọi việc được lắng xuống, một mình chịu đựng để hạn chế ảnh hưởng đến mọi người. 

Đứng trên góc độ xã hội học, thực trạng quấy rối tình dục ở Việt Nam không thể hiểu đơn giản đến từ sự tha hóa cá nhân, mà còn là biểu hiện của những định kiến giới khắc nghiệt. Định kiến giới trong trường hợp này giống như “vật ngáng chân” đối với nạn nhân nhưng lại là thứ để những kẻ xấu không ngại dựa vào để đe dọa nhằm bịt miệng nạn nhân. 

Theo giảng viên khoa Giới và Phát triển - Học viện Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Lan: “Các chuẩn mực giới và thái độ bảo thủ truyền thống cũng là nhân tố khiến chủ đề quấy rối tình dục bị lờ đi trong không gian công sở hoặc nơi công cộng. Nỗi lo sợ bị miệt thị còn là nhân tố ngăn chặn thảo luận rộng rãi và thẳng thắn về chủ đề này”.  

Cũng theo cô, nhiều sự việc về quấy rối tình dục khi xảy ra nạn nhân nữ thường bị những người xung quanh thúc giục giữ im lặng chỉ vì họ mong muốn câu chuyện nào cũng đi đến thái độ “dĩ hòa vi quý”. Đây là thái độ chung của người phương Đông khi xảy ra điều gì đó không may mắn. Nhưng trong trường hợp này, thái độ ấy chỉ làm cho câu chuyện lắng xuống chứ không được giải quyết triệt để. Nạn nhân giữ im lặng nhằm bảo vệ thể diện của gia đình nhưng không ai lên tiếng bảo vệ họ. 

12.jpg
Định kiến đối với nữ giới vô tình khiến nạn nhân rơi vào yếu thế, bị động (Ảnh: minh họa)

Quan niệm phổ biến trong xã hội Việt Nam về vấn đề “trinh tiết” cũng góp phần tạo nên định kiến rằng người phụ nữ phải tự biết bảo vệ lấy mình, một khi mất đi trinh tiết, họ xem như bị mất “giá trị”. Chính vì lối quan niệm “gái ngoan, vợ hiền” một cách độc hại ấy mà nhiều nạn nhân nữ không sẵn sàng lên tiếng tố cáo. 

“Sợ nói ra sự thật” trở thành nỗi lòng của nhiều nạn nhân, không phải họ không muốn nói mà đôi khi vì họ không dám. Trong một xã hội còn tồn đọng nhiều định kiến, nhiều người vẫn cho rằng nguyên do dẫn đến những hành vi xấu của đàn ông phần lớn xuất phát từ phụ nữ. Cách phụ nữ ăn mặc ra sao không được tôn trọng như quyền cá nhân mà vô tình trở thành chủ đề chung để nhiều người đem ra bàn tán. Hay quan niệm “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu” cũng khiến phụ nữ vô tình rơi vào thế yếu, bị động. 

Không những thế, nạn nhân nữ dù đã phải chịu nhiều tổn thương về mặt tinh thần, thể xác nhưng lại tiếp tục vấp phải những ý kiến trái chiều, sự dè bỉu từ xã hội dẫu rằng họ không có lỗi. Sợ cộng đồng xa lánh, sợ lời ra tiếng vào, sợ ánh nhìn soi mói, sợ những câu hỏi chất vấn là muôn vàn nỗi lo sợ hình thành trong tâm trí của nạn nhân khi bị quấy rối tình dục. 

Thực trạng quấy rối tình dục gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội về hành vi sai trái của những kẻ dâm ô, đồi trụy. Một vấn đề lớn hơn được đặt ra đó là nhận thức của mỗi người về nạn quấy rối tình dục, thái độ đối với nạn nhân và cách cư xử khi không may rơi vào những tình cảnh đó. Chừng nào định kiến giới vẫn còn thì câu chuyện quấy rối tình dục đối với nữ giới vẫn chưa thực sự được giải quyết và việc dám lên tiếng tố cáo vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN