Tọa đàm: "Vai trò của phụ nữ trong công tác giáo dục và tham gia lãnh đạo"
(Sóng trẻ) - Tối ngày 30/8, khoa Quốc tế học, trường Đại học Hà Nội tổ chức tọa đàm: "Vai trò của phụ nữ trong công tác giáo dục và tham gia lãnh đạo".
Buổi tọa đàm có sự góp mặt của chị Trần Thanh Thúy - Tư vấn cho tổ chức Batik International tại Việt Nam, đồng thời là chuyên viên xây dựng năng lực USAID tại Việt Nam; anh Tôn Thức Trung Điềm, nhà hoạt động vì sự bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử giới cùng các giảng viên và sinh viên trường Đại học Hà Nội.

Phát biểu khai mạc toạ đàm, cô Tạ Thị Oanh - Giảng viên phụ trách dự án bình đẳng giới của trường Đại học Hà Nội chia sẻ: "Dự án thanh niên tham gia giải quyết định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam đã được khoa Quốc tế học trường Đại học Hà Nội kết hợp với viện CISDOMA triển khai thực hiện từ năm 2020. Trong suốt hai năm hoạt động, dự án đã tổ chức được rất nhiều hội thảo, tọa đàm cũng như là các hoạt động nhằm góp phần giải quyết những vấn đề về định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới. Buổi tọa đàm chính là cơ hội để các giảng viên, sinh viên sinh viên trường Đại học Hà Nội cùng nhau đóng góp những sáng kiến những vấn đề về định kiến giới".

Ở Việt Nam, bình đẳng giới vẫn được coi là một vấn đề còn nhiều thách thức với rất nhiều định kiến giới còn tồn tại trong cộng đồng và xã hội. Đặc biệt là sự áp chế của chủ nghĩa định nguyên nam nữ, sự phân tầng về giới và vấn đề vị giới trong xã hội. Mặc dù, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã và đang có nhiều bước tiến quan trọng góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, song vấn đề này vẩn còn tồn tại nhiều thách thức, bất cập khi phụ nữ vẫn còn gặp phải những rào cản nhất định trên con đường phát triển sự nghiệp của mình và còn tồn tại những chính sách ảnh hưởng trực tiếp tới sự tham gia và công tác lãnh đạo của phụ nữ.
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã cùng nhau thảo luận và làm rõ nguyên nhân về bất bình đẳng giới, nhất là về vai trò của phụ nữ trong thời kỳ hội nhập. Từ đó, đưa ra những giải pháp nhằm triển khai thực hiện hiệu quả các vấn đề về giới, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của phụ nữ trong công tác giáo dục và lãnh đạo.

Phát biểu tại buổi tọa đàm chị Trần Thanh Thúy cho biết: “Cốt lõi của bình đẳng giới đó là sự phát triển đồng đều giữa các giới. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế về bất bình đẳng giới bắt nguồn từ việc một số lãnh đạo, do chưa ý thức đúng tầm quan trọng của việc bảo đảm bình đẳng giới nên chưa thực sự có trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và công tác phụ nữ".
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng nhận định tư tưởng xem nhẹ nữ giới vẫn tồn tại trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo đã tạo ra những rào cản hạn chế phụ nữ khẳng định bản thân trong công việc và cuộc sống. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới còn hạn chế. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận phụ nữ tự ti, an phận, ngại học tập, chưa chủ động phấn đấu vươn lên.

Cùng quan điểm với chị Thúy, anh Điềm nhấn mạnh: "Bất bình đẳng giới là vấn đề xảy ra thường xuyên ở mỗi lứa tuổi, đặc biệt là các bạn sinh viên. Nếu nói về bình đẳng giới về độ tuổi ở THPT các bạn sẽ không nhớ nhiều. Nhưng từ độ tuổi đại học, các bạn sẽ có những nhận thức và thay đổi khác hơn về bình đẳng giới giữa nam và nữ trong công tác giáo dục và lãnh đạo, bởi chính các bạn là những cô giáo và nữ giám đốc trong tương lai của đất nước".

Tọa đàm diễn ra trong không khí sôi nổi với những chia sẻ của các diễn giả cùng những câu hỏi thảo luận nhằm nâng cao nhận thức về xóa bỏ định kiến giới và bất bình đẳng giới tại Việt Nam đến từ các bạn sinh viên.