Biên tập viên Cường Po: “Hãy trở thành người đồng hành cùng con em mình”

(Sóng trẻ) - Truyện tranh Nhật Bản lâu nay đã không còn là một điều gì đó quá mới mẻ đối với các bạn trẻ Việt Nam. Song không phải bậc phụ huynh nào cũng có tư tưởng cởi mở với nó. Anh Đặng Cao Cường – biên tập viên Cường "Po" của NXB Kim Đồng đã có những chia sẻ rất thật về thị trường truyện tranh ngày nay cũng như cách để các bậc phụ huynh thay đổi nhận thức của mình về ấn phẩm văn hóa này.

PV: Chào anh, là một biên tập viên trẻ tuổi với tư tưởng hiện đại, anh có thường hay cho phép và khuyến khích các cháu nhỏ nhà mình đọc truyện tranh không?

CP: Thực ra không còn là cho phép hay không nữa vì mình để sách truyện ở nhà la liệt, ai vào thấy thích thì đều có thể cầm đọc. Quan điểm của mình là để các em nhỏ tiếp xúc với sách truyện một cách tự nhiên nhất. Miễn là mình kiểm soát được thời gian dành cho sách truyện, cũng như biết được tụi nhỏ đang đọc cái gì. Vì dẫu sao dành thời gian giải trí bên sách truyện cũng tốt hơn rất nhiều so với chơi điện tử hay xem hoạt hình.

PV: Thể loại truyện tranh mà anh khuyến khích đó là gì?

CP: Phiêu lưu. Vì đây là thể loại kích thích trí tưởng tượng tốt nhất. Đồng thời cũng phát đi thông điệp về lòng dũng cảm, tình đồng đội và sự hòa đồng, cởi mở của các nhân vật trong truyện. Nài ra thể loại giả tưởng cũng rất thú vị, vì tác giả sẽ đưa vào đó những kiến thức về khoa học, công nghệ, thậm chí là thiên văn học,...

PV: Được biết, Doraemon là bộ truyện tranh gắn liền với nhiều thế hệ tuổi thơ Việt Nam từ năm 1992 cho đến nay. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện ý kiến cho rằng, bộ truyện này ảnh hưởng xấu tới tư duy của trẻ nhỏ, dạy trẻ nhỏ ỷ lại vào người khác, giống cách Nobita ỷ lại vào bảo bối của Doraemon mà không “tự thân vận động”, anh nghĩ sao về ý kiến này?

CP: Mình nghĩ đó cũng chỉ là một ý kiến thể hiện quan điểm cá nhân của mỗi người. Bởi cách nhìn nhận của người đưa ra ý kiến hơi khác với mọi người, nó đứng ở góc độ hơi hẹp. Tại sao? Bởi bạn chỉ cần để ý một chút ở đoạn kết của mỗi mẩu truyện ngắn về Doraemon mà chúng ta vẫn đọc. Kết thúc thường là Nobita phải nhận "quả đắng" vì tội... sử dụng bảo bối vào những mục đích khá là trẻ con: Trả đũa, ra oai, muốn được mọi người chú ý... Nhưng cũng có lúc cậu ấy làm được rất nhiều việc tốt nhờ bảo bối của Doraemon. Thậm chí còn... vứt hẳn bảo bối đi vì niềm tin của mình (Khi không có Doraemon, Nobita vẫn sẵn sàng đối đầu Jaian, hoặc có lần cậu vứt bỏ chiếc bút giúp lấy được điểm 10 để ngồi vào bàn học). Rõ ràng bảo bối có tốt hay không còn phụ thuộc vào người sử dụng. Có thể Nobita luôn khóc lóc và động một chút là gào toáng lên: "Doraemon ơi cứu tớ!!", nhưng sau cùng cậu ấy sẽ là người tự quyết định câu chuyện của riêng mình, chứ không do bảo bối hay là sự ỷ lại.
 
bf701b831_522848_10206831865904066_7274872588055778795_n.jpg
Biên tập viên Đặng Cao Cường và một góc làm việc của mình - (Ảnh: NVCC)

PV: Theo anh từ đâu những vị phụ huynh lại có tư tưởng không muốn cho con em mình đọc truyện tranh?

CP: Chính là bởi mọi người luôn nghĩ truyện tranh độc hại, truyện tranh chỉ toàn đánh đấm, chém giết, khiêu dâm... hoặc nhẹ nhàng hơn thì làm tụi nhỏ mất tập trung, không học hành được. Tất cả cũng đều nằm ở việc "thiếu sự kiểm soát". Phụ huynh không biết con mình đọc gì, chơi gì, xem gì,... cũng không chịu tìm hiểu cùng với con trẻ, nhưng lại luôn đổi lỗi cho sách truyện mà quên mất rằng mình cũng từng là trẻ nhỏ, cũng từng say mê những cuốn sách, truyện tranh nhàu cũ hiếm hoi của ngày xưa mượn được từ anh hàng xóm hay đi thuê từ một cửa hàng nào đó mà cứ phải canh từng giờ từng phút vì muốn mình là người đọc trước nhất.

PV: Gần đây, các nhà xuất bản có xu hướng “mạnh dạn” hơn khi mua bản quyền những bộ truyện Shounen, Shoujo hay thậm chí là bắt đầu lan sang thể loại Seinen (những ấn phẩm này chứa nhiều hình ảnh bạo lực và nhạy cảm). Tiêu biểu có thể kể đến như Fairy Tail, Samurai Deeper Kyo hay Doubt và Okitenemuru. Anh có nghĩ đây là một nước đi mạo hiểm? Liệu điều này có thể dẫn đến việc các vị phụ huynh ngày càng cảm thấy “ác cảm” hơn với truyện tranh? 

CP: Thực ra đó đúng là một nước đi mạo hiểm. Nhưng là mạo hiểm để mở ra những "địa hạt" mới cho thị trường truyện tranh. Còn việc phụ huynh thấy "ác cảm", vấn đề này cũng không còn là mới và nó cần thời gian để thay đổi. Chỉ có điều các cơ quan có liên quan, từ cấp quản lí cho tới các NXB, công ty sách, các phương tiện truyền thông cần có cái nhìn đúng đắn về truyện tranh hơn nữa, bằng việc cho thấy rằng truyện tranh không phải là một thể loại chỉ dành cho các bạn nhỏ mà cho tất cả mọi người, với rất nhiều độ tuổi được phân loại giống như phim ảnh vậy. Đây cũng là mong mỏi  của tất cả những đơn vị đang xuất bản truyện tranh hiện tại. Tuy nhiên, không phải vì thế mà muốn xuất bản thể loại nào cũng được. Mọi thứ vẫn cần phải có giới hạn và có giới hạn độ tuổi rạch ròi.  

PV: Vậy để có thể đưa những bộ truyện trên vào thị trường nước ta, đội ngũ biên tập viên của các nhà xuất bản đã phải làm thế nào để vừa có thể tôn trọng nguyên gốc tác giả, vừa phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam thưa anh?

CP: Việc đó phải xuất phát ngay từ khâu tuyển lựa "đầu vào". Bộ phận phụ trách bản quyền và người biên tập phải rà soát kĩ những ấn phẩm mình dự định khai thác. Song song với đó là việc lập cho mình 1 "tiêu chí" thế nào là nhạy cảm, thế nào là vi phạm thuần phong mĩ tục, ở mức độ nào thì phù hợp, đủ điều kiện xuất bản... Nếu tất cả đáp ứng được thì mới tiến hành khai thác. Còn việc chỉnh sửa hình ảnh thì đều thông qua tác giả mới được can thiệp, nên khi tác giả đã đồng ý cho xử lí theo phương án của NXB thì các bạn cũng không nên quá chú tâm vào việc tác phẩm bị chỉnh sửa trên nguyên gốc mà làm mất đi hứng thú của mình dành cho tác phẩm. 
 
bf701b831_361461_10206707167626687_6516256434200131172_o.jpg
Sử dụng tính năng Livestream để truyền thông cho một bộ truyện mới ra mắt – (Ảnh: NVCC)

PV: Những năm trước, vấn nạn tiêu cực nổi bật nhất của truyện tranh có thể nói đến là nạn in lậu, in không bản quyền. Tuy nhiên, thời gian gần đây, truyện lậu gần như không còn tồn tại trên thị trường truyện tranh nữa. Theo anh, nhờ đâu lại có sự thay đổi tích cực rất lớn này?

CP: Chính là nhờ chất lượng của các ấn phẩm bản quyền, cũng như uy tín của các đơn vị làm truyện bản quyền đã giúp đẩy lùi những ấn phẩm truyện không bản quyền kém chất lượng từ nội dung tới hình thức, mà không rõ có phát hành tới khi tác phẩm kết thúc hay không. Đồng thời cũng chỉ có những đơn vị bản quyền mới có thể tổ chức các hoạt động tặng quà, các chiến dịch truyền thông hấp dẫn tạo sự sôi động và mới mẻ cho thị trường truyện tranh. Chưa kể giá thành của truyện bản quyền chỉ hơn truyện lậu một chút, nên độc giả cũng thừa sáng suốt để biết mình nên "đầu tư" vào đâu.  
 
bf701b831_14859809_1009831915806406_692485636304180845_o.jpg
Anh Cường trong một sự kiện về truyện tranh – (Ảnh: NVCC)

PV: Một câu hỏi cuối cùng dành cho anh. Truyện tranh ngày nay đa phần thường hướng tới đối tượng là thiếu nhi. Khi đi tới những nhà sách, hay phố sách, rất dễ để có thể nhận thấy trẻ em ngồi rất đông xung quanh những gian hàng truyện tranh đọc những cuốn truyện như Doraemon hay Conan. Nhiều người cho rằng truyện tranh kích thích văn hóa đọc của người Việt trong thời đại bùng nổ công nghệ với Smartphone hay máy tính bảng. Tuy nhiên, điều này cũng có thể gây mất cân bằng văn hóa đọc. Cụ thể, trẻ em đang đánh đồng việc đọc sách với đọc truyện tranh. Theo anh, cần phải có những biện pháp như thế nào để trẻ em nhận thức được và cân bằng việc đọc, bởi sách chữ là một nguồn tri thức rất bổ ích, đặc biệt trong bối cảnh vẫn còn nhiều bậc phụ huynh có “thành kiến” nói truyện tranh ảnh hưởng tới học tập của con em mình?

CP: Có một câu nói rất hay rằng: "Người không đọc truyện tranh thì không biết tác dụng của truyện tranh, còn người cuồng truyện tranh thì khó mà thấy được những tác hại của nó”. Như đã nói, mình vẫn rất mong muốn và kêu gọi các vị phụ huynh, đặc biệt là các "phụ huynh trẻ" - thế hệ của anh chị mình, bạn bè mình và các phụ huynh tương lai sau này: Các bạn hãy trở thành người bạn, người đồng hành cùng con em mình trong việc "chọn gì để đọc". Hãy hướng cho con em của các bạn được đến với những tác phẩm tốt đẹp, bất kể là truyện hay sách thì "cái gì nhiều quá cũng không tốt". Mọi thứ đều cần có sự cân bằng. Nếu các bạn biết cách đưa những tác phẩm phù hợp với các em nhỏ ở từng độ tuổi, giai đoạn thì chắc chắn các em sẽ tiếp thu, cảm thụ tác phẩm được một cách tốt nhất. Vì đã là sách, thì bất cứ ấn phẩm nào cũng hàm chứa một giá trị tốt đẹp ở bên trong.

PV: Cảm ơn anh về cuộc phỏng vấn và chúc anh thành công với những dự án sắp tới của mình.
THẾ ANH

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN