BTV Hoàng Trang: Nghề báo cần nhiều dũng cảm và đam mê

(Sóng trẻ) - Là biên tập viên, người dẫn "đinh" của một số chương trình của VTV như "Cuộc sống thường ngày", "Giai điệu tự hào", Hoàng Trang thực sự "đa - zi - năng" khi vừa dẫn chính luận vừa đảm nhiệm vai trò MC trong chương trình nghệ thuật.

Nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, PV Sóng trẻ đã có cuộc trao đổi với cựu sinh viên Hoàng Trang về những kỷ niệm hồi còn trên ghế giảng đường và nghề báo.

Cán bộ lớp gương mẫu từng bị...bắt phao

PV: Nhớ lại thời còn đi học, cơ duyên nào dẫn chị đến trường Báo?

Việc trở thành sinh viên báo chí là lựa chọn- một sự lựa chọn chủ động và mình quyết tâm để trở thành một nhà báo hẳn hoi.

Còn nhớ khi bắt đầu vào trường PTTH Chu Văn An (Hà Nội), mình học chuyên Văn với hy vọng sau này sẽ trở thành một BTV dẫn chương trình vì từ bé đã ao ước được lên ti vi. Ước mơ lớn dần theo năm tháng và đến khi đủ 15 tuổi, mình nghĩ ấy là thời điểm mình thực hiện ước mơ theo lộ trình, nghĩa là không chỉ dừng lại ở một vài bài báo nhỏ cộng tác với báo Thiếu niên tiền phong, mình xác định chắc chắn là sẽ thi vào trường Báo.

Quyết tâm đó lớn tới mức, trong khi bạn bè đăng ký 7- 8 hồ sơ thi đại học, mình chỉ nộp một hồ sơ duy nhất vào Học viện Báo chí & Tuyên truyền. Sau rồi "thương" bố mẹ lo lỡ trượt, mình mới nộp hồ sơ thứ hai vào Đại học Văn hoá Hà Nội, nhưng cũng là khối N (Văn- Sử- Năng Khiếu). May mà đỗ cả hai, và lựa chọn học Báo là đương nhiên!

36cc4e4f5_24852567_390512654715674_1598165182940352829_n.jpg

BTV Hoàng Trang (Ảnh: NVCC)

PV: Hồi còn là sinh viên, có những kỷ niệm nào đến giờ chị không quên, có thể là gặp lại thầy cô, bạn cũ, chị thường nhắc lại?

Đẹp và sôi động: Đấy là thời sinh viên của mình. Mình cứ đùa với các bạn rằng, nếu học Đại học mà để bốn năm trôi qua vô ích, chỉ học không thì chán lắm! Thế là mình vừa học, vừa làm thêm, vừa hoạt động Đoàn, cho nên kỷ niệm thì nhiều vô số kể, bây giờ không biết phải kể kỷ niệm nào...

Nhưng xin được kể 1 kỷ niệm "đau thương" giữa vô số những kỷ niệm vui, bởi với mình, đó là bài học xương máu nhớ đời để sau này dạy con.

Đó là môn Triết học Mác Lê Nin- môn học mà sinh viên nào cũng sợ không qua trong năm đại cương đầu tiên. Mình vốn học không hề kém, thế nhưng chỉ vì nghe hội bạn cùng lớp" xui dại", mình thì cả đời chưa bao giờ quay cóp.  Rõ ràng chuẩn cán bộ lớp gương mẫu.

Thế là cũng đi mua bộ tài liệu cho vào túi quần, mang vào phòng thi. Kết quả là vừa đọc đề bài xong, thấy đề dễ quá, liền toát mồ hôi hột vì cái đống phao thi trong người. Thế là sợ, rút hết phao trong túi quần vứt vào ngăn bàn. Ôi chao là dốt. Đang làm bài thì thầy giám thị khét tiếng năm ấy vào phòng thi kiểm tra đột xuất. Con bé vã hết mồ hôi, chưa quay cóp chữ nào mà trên mặt hiện lên dòng chữ: Thầy ơi em có phao trong ngăn bàn nè!

Kết quả là, mình bị bắt được đống phao thi trong ngăn bàn dù chưa quay cóp câu nào. Bị huỷ bài thi, không công nhận kết quả. Thi lại đã đành, nhưng cái "án treo" đó khiến mình sau này dù học tốt bao nhiêu vẫn có một "vết nhơ" trong bảng điểm và không được làm luận văn mà phải thi tốt nghiệp.

Sau này khi trưởng thành, ra nghề và trải đời hơn, mình lại cảm ơn kỷ niệm đau thương đó, bởi vì nhờ có lần ngã ấy mà mình học nỗ lực gấp nhiều lần. Bài học rút ra là gì: Cần phải là mình trong mọi trường hợp, và chỉ làm những việc là sở trường, đừng vì các yếu tố bên nài mà đánh mất bản lĩnh. Cái gì không biết thì đừng làm. Vì hậu quả sẽ khôn lường!

Bây giờ gặp lại, hội bạn cùng khoá thi thoảng vẫn cười mình thối mũi như ngày đi học, bảo giá hồi ấy mình biết quay cóp lành nghề thì đâu nên nỗi (cười).

Sinh viên trường Báo, nhất định phải năng động và chủ động tìm kiếm cơ hội tác nghiệp và va chạm với môi trường làm báo dưới bất kỳ hình thức nào càng sớm càng tốt. Mình luôn tin, chẳng có cơ hội nào tự đến đâu, nó là hệ quả của sự phấn đấu và chủ động tìm kiếm cơ hội, nếu bạn thực sự muốn làm nghề. Mình biết ơn 4 năm học báo vô cùng!

Muốn dẫn truyền hình hay, phải thực sự sống cùng chương trình

PV: Ở thì hiện tại, một ngày của chị diễn ra như thế nào?

Mình dậy sớm đi chợ, đưa con đi học, đi làm, tuỳ lịch làm việc. Phóng viên có 1 lợi thế là không phải tuân thủ giờ hành chính. Nhưng ngược lại, phải làm việc bất cứ lúc nào, không có khái niệm thứ bảy, chủ nhật, chỉ có hạn chót công việc mà thôi. Nài đặc thù của nghề báo thì mình hoàn toàn là một bà mẹ vừa thoát bỉm sữa chính hiệu: Thích nấu ăn, có thời gian thì đi du lịch. Rảnh rỗi mình thích cắm hoa và còn tranh thủ bán hàng online để kiếm thêm tiền học cho con.

Nói chung mình không có lúc nào rảnh rỗi, mà cũng không chịu nổi sự rảnh rỗi. Không có việc gì làm thì chán lắm! Và mình quan niệm là, nếu có thể, hãy làm việc hết sức để có kinh tế vững vàng phục vụ việc tạp điều kiện học tập tốt nhất cho con cái.

PV: Từ một BTV của ban Thời sự - Đài truyền hình Việt Nam, giờ là MC của chương trình nghệ thuật Giai điệu tự hào, có sự khác nhau nào trong 2 vai trò đó không, thưa chị?

Chỉ có đặc thù chương trình khác nhau. Mình đảm nhiệm nhiều công việc trong các những ekip chứ mình thì vẫn là mình (cười). Khán giả có thể nghĩ: À, cô Trang của Cuộc sống thường ngày Thời sự bây giờ là cô Trang Giai điệu tự hào. Họ cũng sẽ bất ngờ vì thấy khi dẫn một chương trình chính luận nghệ thuật, mình mềm mại hơn, bay bổng hơn vẻ nghiêm nghị đến mức đôi khi có cảm giác hơi" cứng" lúc ngồi dẫn bản tin.

Nhưng đó là do tính chất chương trình quyết định thôi. Và mình có nhiệm vụ phải phù hợp với hình ảnh tiêu chí mà mình đại diện.

Còn về vai trò, mình vẫn luôn vừa là BTV, vừa là người dẫn. Chưa bao giờ mình chỉ dẫn mà không tham gia vào việc biên tập. Chỉ là mức độ biên tập nhiều hay ít. Ví dụ ở Thời sự, mình vừa là người dẫn, vừa là phóng viên tác nghiệp. Khi không dẫn mình vẫn đi quay tin, làm phóng sự, biên tập bản tin. Giai điệu tự hào cũng vậy, mình là một trong những BTV chính làm nội dung của chương trình.

Khi tác nghiệp như vậy, người dẫn sẽ chủ động về nội dung và tự tin hơn để truyền tải nội dung tới khán giả. Mình tin sẽ không thể là 1 ngưỡi dẫn giỏi nếu không là 1 BTV giỏi. Vì dẫn chương trình muốn hay thì phải hiểu, phải sống cùng chương trình, chứ không phải là cái máy nói những điều người khác viết ra.

Nghề báo: Cần nhiều năng lượng và đam mê

PV: Nghề báo thực sự gian nan và vất vả, nhất là với phụ nữ. Cái nghề nhiều người yêu ấy đã cho và lấy đi của chị những gì?

Cũng có lúc trong cuộc đời làm nghề, một người phụ nữ làm báo phải đứng trước những sự lựa chọn khó khăn. May mắn mình chưa bao giờ phải lựa chọn theo kiểu một mất một còn, mà thường chỉ là trong thời điểm nào thì mình ưu tiên vế nào, công việc hay gia đình mà thôi. Mình thấy những thứ nghề báo" lấy đi" của mình vẫn ít hơn những gì nghề báo "cho" mình. Thế nên đến bây giờ mới vẫn có thể lăn lộn với nghề chứ. Cho thì rất nhiều: sự trải nghiệm phong phú, những chuyến đi để đời mà bao nhiêu tiền cũng không thể mua được, những cuộc gặp gỡ khiến người ta lớn bổng lên có khi bằng cả mấy năm cuộc đời, và những cơ hội để sống một cuộc sống luôn thú vị, không nhàm chán. Nghề cũng cho mình sự tự hào và khiến gia đình mình- nhất là bố mẹ và các con tự hào về mình.

Còn lấy đi: Đó là thời gian, nhan sắc và quỹ yêu thương dành cho bản thân. Bạn sẽ ngạc nhiên khi nghĩ là: Ô ,một người dẫn thì sẽ luôn phải xinh đẹp trẻ trung, quần là áo lượt rạng rỡ xuất hiện chứ. Thực ra, đó chính là khi bạn phải đối diện với những lịch làm đêm hôm, trường quay sáng rực đèn, những lớp phấn son dày cộp khiến da bạn mệt mỏi, lão hoá nhanh hơn. Tóc mình bạc nhiều sau những đêm thức rất khuya làm kịch bản. Mình rất ít có cơ hội tụ tập bạn bè, hoặc đi spa hay tám chuyện với nhóm bạn yêu thích.

Và các con thì thường không có mẹ bên cạnh những dịp lễ, tết, giao thừa hay kỳ nghỉ. Đó là sự hy sinh của gia đình, người thân của bạn khi bạn theo đuổi nghề báo. Họ hy sinh nhiều hơn bạn!

PV: Thưa chị, làm thế nào để chị cân bằng giữa công việc và cuộc sống bên gia đình, người thân, bạn bè?

Mình luôn cố gắng nhưng chưa bao giờ cân bằng được, mà chỉ là: lúc nào thì đặt bên nào nặng, bên nào nhẹ thôi.

Tuy nhiên,mình luôn cố gắng ưu tiên gia đình, vì mình cảm thấy gia đình có người phụ nữ làm báo thì phải hy sinh nhiều hơn cho niềm đam mê của mình, so với khi người phụ nữ trong nhà làm công việc đơn thuần hơn. Mình cố gắng tận dụng mọi thời gian trống để chơi và gắn bó với các con, mang cả nhà đi du lịch tranh thủ mọi lúc có thể, thậm chí cả khi mẹ đi làm thì con cũng có thể theo cùng nếu điều kiện cho phép. Rất may là đến giờ, mình vẫn cảm thấy mình không đến nỗi mất thăng bằng.

PV: Điều cuối cùng, chị có lời nhắn nhủ, lời khuyên hay động viên đến các em sinh viên - những người chập chững bước vào nghề báo nói chung, và truyền hình nói riêng?

Mình nghĩ nghề báo cần một người dũng cảm và đam mê. Không có 2 yếu tố ấy, không làm được báo. Nếu không đủ yêu, bạn sẽ không theo đuổi được nghề. Nhưng báo cũng là cái nghề khi đã làm thì rất khó bỏ, vì nó quá hấp dẫn.

Còn với các bạn sinh viên có ý định theo truyền hình, mình chỉ xin nhắc lại một câu mà TS Trần Bảo Khánh, thầy giáo mình nói vào cuối năm thứ 2 đại cương, khi khoá 20 của mình chuẩn bị chia các lớp chuyên ngành. Rằng truyền hình không hề dễ chơi như hình dung của các bạn trẻ. 1 lớp 20 người, chỉ 5 người làm được nghề thật sự thầy đã mừng rồi...vì nghề này quá khắc nghiệt.

Thời điểm này, làm truyền hình càng thử thách hơn khi buộc phải cạnh tranh thị phần với báo điện tử và truyền thông đa phương tiện. Các bạn khó khăn gấp bội. Nhưng, nếu đã yêu, thì đừng từ bỏ,vì nghề này là thứ gây" nghiện", nơi cho bạn những cơ hội để bạn có thể sống 1 cuộc sống sôi động, không nhàm chán và cực kỳ ý nghĩa nếu bạn hết mình với nó.

Nguyễn Hằng 
Báo chí Đa phương tiện K35

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN