“BÚP TRÊN CÀNH”: NÂNG CAO NHẬN THỨC CHO TRẺ EM VỀ ẤU DÂM
(Sóng Trẻ)- Với mục đích nâng cao nhận thức cho trẻ em về nạn xâm hại tình dục trẻ em (ấu dâm), dự án “Búp trên cành” của nhóm sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền đang nhận được nhiều sự chú ý từ phía công chúng. PV đã có cuộc trò chuyện với bạn Trần Thị Hải Linh – trưởng dự án để có thêm nhiều thông tin chi tiết hơn về dự án nhân văn này.
Trần Thị Hải Linh – Trưởng dự án “Búp trên cành”
PV: Chào bạn, tôi có đôi chút thắc mắc về tên của dự án, có ý nghĩa gì đặc biệt mà nhóm muốn truyền tải qua cái tên “Búp trên cành” không?
Về tên của dự án, chúng tôi mượn ý thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Trẻ em như búp trên cành – Biết ăn biết ngủ biết học hành là nan”. Búp non là phần dễ bị tổn thương nhất nhưng cũng là phần sáng đẹp nhất, giàu sức sống nhất. Trẻ em cũng vậy, các em cần được bảo vệ, chở che, nụ cười tươi sáng của các em khiến cuộc sống trở lên tốt đẹp hơn. Cây có xanh tươi là nhờ búp, tương lai của đất nước có hưng thịnh hay không cũng là nhờ các em. Tôi nghĩ có lẽ chính vì vậy mà nhiệm vụ của chúng ta là dành cho trẻ thơ mọi sự ưu tiên, bảo vệ cao nhất. Đó là lý do “Búp trên cành” được lấy làm tên dự án của chúng tôi. Một dự án hướng về trẻ em, vì trẻ em, nâng cao nhận thức cho trẻ em về một trong những vấn nạn nhức nhối nhất hiện nay – vấn nạn ấu dâm .
PV: Như vậy, “Nâng cao nhận thức về ấu dâm cho trẻ em” có phải là một trong những mục tiêu và nhiệm vụ mà dự án muốn hướng tới? Bạn có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này được không?
Đúng vậy. Tôi cho rằng hẳn không ai là không biết tới những vụ ấu dâm rúng động dư luận trong thời gian gần đây. Ở cái tuổi mà các em vẫn còn được gọi là “Búp trên cành”, đáng lẽ ra phải có một cuộc sống không lo toan, ngày ngày vui vẻ bên bạn bè và gia đình. Vậy mà có những con người vấy bẩn lên cuộc sống của các em bằng những vết nhơ, những hành động sai trái, làm tổn hại cả cả thể chất và tinh thần của các em.
Tôi nghĩ một trong những nguyên nhân khách quan dẫn tới sự việc đáng buồn này là do các em chưa trang bị đủ nhận thức rõ ràng về ấu dâm, chưa biết đâu là những hành vi có thể làm tổn hại đến bản thân, cũng chưa biết cách phòng tránh, tự bảo vệ mình trước tội phạm ấu dâm. Đó cũng là lý do mà chúng tôi bắt tay vào thực hiện dự án này với mục tiêu trên – mục tiêu nâng cao nhận thức cho trẻ em về ấu dâm, hướng dẫn các em cách để phòng tránh tội phạm ấu dâm. Khẩu hiệu vui của dự án là “Búp thông minh, Búp tự bảo vệ mình”.
PV: Được biết có khá nhiều ý kiến cho rằng, những dự án có nội dung tương tự như trên phần lớn chỉ mang tính chất hình thức, hoạt động một cách hời hợt mà chưa mang lại lợi ích thực sự cho đối tượng cần tác động và cho xã hội. Bạn nghĩ sao?
Theo tôi thì việc một dự án được đánh giá bằng những phản hồi không được khả quan như trên phần lớn đều mang nguyên do từ cách mà dự án đó truyền tải tới công chúng. Nếu bạn đem dự án của mình đi tuyên truyền với nội dung sáo rỗng, “nói” rồi để đấy thì hoàn toàn là do bạn sai và dự án của bạn cũng đi sai hướng so với mục đích ban đầu đã đặt ra. Trở lại với “Búp trên cành”, dự án này hiện tại mới chỉ là giai đoạn khởi đầu, tuy không có bất cứ điều gì đảm bảo, nhưng bằng tâm huyết của cả nhóm, chúng tôi hi vọng sẽ đạt được những thành quả nhất định, để ít nhất có được sự khẳng định của công chúng và xóa đi những định kiến không hay về dự án.
PV: Trong khuôn khổ dự án “Búp trên cành”, nhóm đã, đang và sẽ triển khai những hoạt động gì? Quá trình tổ chức thực hiện có gặp khó khăn gì không, và nếu có thì lý do gì để các bạn tiếp tục theo đuổi?
Dự án “Búp trên cành” của chúng tôi vừa đi mới đi vào thực hiện trong thời gian ngắn nhưng nhóm đã cho xuất bản cuốn sổ tay với nội dung dạy trẻ nhận biết các hành vi và biện pháp để phòng tránh tội phạm ấu dâm. Đây có thể được coi như một món quà nho nhỏ gửi tới các em nhân tháng thiếu nhi đặc biệt này. Đồng thời, nhóm cũng cho “ra đời” bộ sản phẩm gồm cặp tài liệu, vở ghi, móc khóa… Tất cả các đồ vật trên đều mang mục đích nâng cao nhận thức cho trẻ em về hành vi ấu dâm. Bên cạnh đó, nhóm đã tiến hành tổ chức buổi truyền thông thực tế cho các em nhỏ ở tổ dân phố số 2, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội và đón nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các em cũng như phụ huynh.
Trong quá trình thực hiện, nhóm gặp khá nhiều khó khăn. Trước hết, chúng tôi đều là “dân nghiệp dư”, từ việc xây dựng nội dung đến khâu hình ảnh đều không có bất cứ ai hỗ trợ, các thành viên phải tự tìm tòi, trau dồi kỹ năng, vì vậy các sản phẩm truyền thông tạo ra đều là “cây nhà lá vườn”. Bên cạnh đó, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn về tài chính. “Búp trên cành” hoàn toàn là dự án phi lợi nhuận, chính vì thế, chi phí cho toàn bộ dự án đều do các thành viên chi trả.
Nếu cần một lý do để chúng tôi tiếp tục theo đuổi dự án sau khi vấp phải khá nhiều khó khăn thì chính là vì trẻ em, vì nụ cười của các em nhỏ thôi.
PV: Vậy theo bạn, điều gì làm nên sự khác biệt giữa “Búp trên cành” so với các dự án “Vì trẻ em” khác?
“Búp trên cành” chưa có đủ khả năng để được đem ra so sánh với bất kỳ một dự án “Vì trẻ em” nào khác. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định, bất kể một dự án nào, ngay từ khi chỉ là một bản kế hoạch, tự nó đã tạo nên sự khác biệt. “Búp trên cành” cũng vậy, điều làm nên sự khác biệt cơ bản nhất đó là dự án của chúng tôi nhằm mục đích tác động vào nhận thức của trẻ em, cụ thể là nhận thức về “hành vi ấu dâm”. Tôi nghĩ đây là điều khác biệt cơ bản nhất.
PV: Bạn hi vọng gì vào thành công của dự án? Nếu kết quả khả thi, nhóm vẫn sẽ tiếp tục triển khai mảng đề tài này hay tìm một lối đi mới để mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn cho xã hội?
Tôi nghĩ rằng thành công của dự án chính là khi đã đạt được mục tiêu đề ra. Tôi hi vọng, dù là đóng góp rất nhỏ thôi nhưng dự án có thể phần nào giúp một bộ phận trẻ em có nhận thức đúng đắn hơn về ấu dâm và tự bảo vệ mình trước cạm bẫy này. Còn về tương lai thì chưa nói trước được điều gì cả, nếu có thể, tôi mong muốn có thể tiếp tục nhân rộng dự án này, cụ thể là mang nó đến với trẻ em vùng cao.
Cảm ơn bạn về buổi phỏng vấn!
Hà Khánh
Cùng chuyên mục
Bình luận