“Cách điều khiển cuộc phỏng vấn”: Hơn cả một cuốn sách về nghiệp vụ báo chí
(Sóng trẻ) – “Cách điều khiển cuộc phỏng vấn” do Makxim Kuznhesop và Irop Sưkunop biên soạn chủ yếu trình bày cách làm thế nào để tiến hành phỏng vấn theo ý đồ của bạn đạt kết quả tốt nhất. Nhưng cuốn sách vẫn đề cập một cách toàn diện về kỹ năng giao tiếp nói chung và có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực nài báo chí.
Sách gồm hai phần cơ bản: Cơ cấu và Kỹ thuật. Phần Cơ cấu nói về những nguyên tắc chung của giao tiếp và Phân Kỹ thuật đi chi tiết vào các kỹ năng.
Phần được chú trọng nhất trong sách, “Làm phỏng vấn như thế nào?” miêu tả kỹ lưỡng từng giai đoạn, từng phần của một cuộc phỏng vấn. Có những điều quen thuộc như: xác định mục đích phỏng vấn, lựa chọn và thu thập thông tin về người mình định phỏng vấn, tổ chức cuộc gặp… đến những vấn đề thường ít người để ý tới: cấp đàm thoại, “môi trường sống” của người đối thoại, phản ứng của họ trước lý lẽ của phóng viên… Cuốn sách đề cập tới 13 bước để xây dựng, tiến hành và kết thúc một cuộc phỏng vấn thành công.
Những người viết sách chú trọng tới ngôn ngữ cử chỉ để nhận biết cảm xúc và phát hiện những lời nói dối. Hành động cơ thể cũng là một trong những phương pháp hữu hiệu để xây dựng lòng tin ở người đối thoại. Trong bảng giải mã ý nghĩa ngôn ngữ cơ thể, các nhà viết sách cung cấp 63 biểu hiện và ý nghĩa của chúng. Bạn có biết búng nắp bút biểu lộ sự băn khoăn lo lắng hay khi mân mê tai là lúc người ta cố kiềm chế sự cáu kỉnh?
Sách "Cách điều khiển cuộc phỏng vấn"
“Cách điều khiển cuộc phỏng vấn” quan tâm tới những điều tưởng nhỏ nhất. Cuốn sách dành hẳn một chương để nói về vấn đề nói chuyện qua điện thoại. Thực chất, kỹ năng gọi điện là vô cùng quan trọng, nó là bước đầu tiên để liên lạc với nguồn tin và thuyết phục họ cho ta một buổi hẹn gặp phỏng vấn. Sau khi xây dựng được cái nền tốt cho một cuộc đàm thoại thành công, các kỹ năng thuyết phục, phát hiện nói dối, phá “bẫy”… được đi vào một cách chi tiết.
Các nhà biên soạn sách đưa ra rất nhiều kỹ năng trong giao tiếp. Các kỹ năng được phân tích khá kỹ lưỡng và có ví dụ kèm theo. Nhưng kể cả thế, để thực hiện được các kỹ thuật, nhất định phải trải qua thời gian dài luyện tập và cọ xát trong thực tế. Nó là kết hợp của sự phân tích nhanh nhạy, trực giác, sự nhạy bén, khả năng phán đoán và đọc tâm lý con người… Tất cả những điều này được thực hiện ngay trong cuộc phỏng vấn. Nếu như không phải một chuyên gia giao tiếp, rất có thể phóng viên sẽ không thể làm chủ cuộc đàm thoại và phải ra về khi chưa đạt được đúng mục đích của mình.
Đi từ nền tảng lý thuyết tới các kỹ năng thực tế, từ những bước chuẩn bị tới tiến hành phỏng vấn, thuyết phục và tránh rủi ro, thậm chí đề cập tới cả kỹ năng phát biểu ở nơi công cộng; “Cách điều khiển cuộc phỏng vấn" không chỉ dừng lại là một cuốn sách về nghiệp vụ báo chí. Giao tiếp là kỹ năng không thể thiếu trong bất kỳ lĩnh vực nào, và thông qua cuốn sách này, người đọc có thể ứng dụng cho mục đích cá nhân hay nghề nghiệp bản thân. Nhưng theo lời kết của các tác giả: “Cuốn sách này là một trợ tá hơn là một cuốn sách tra cứu”, mỗi người không nên vận dụng quá máy móc từng chi tiết được bàn tới mà quan trọng nhất vẫn là sự chủ động, tự tìm tòi và đúc rút kinh nghiệm.
Tên sách: Cách điều khiển cuộc phỏng vấn Tác giả: Makxim Kuznhesop và Irop Sưkunop Người dịch: Lê Tâm Hằng, Ngữ Phan Số trang: 220 trang (khổ 13x19cm) Giá bìa: 22.000 đồng Nhà xuất bản Thông Tấn Năm xuất bản: 2006
|
Hạnh Dung
Báo mạng điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận