Hiệu ứng FOMO: Khi giới trẻ đánh mất chính mình trong cơn lốc mạng xã hội

(Sóng trẻ) - Từ một thuật ngữ chỉ mang tính mô tả tâm lý, FOMO ngày nay đã trở thành một hiện tượng xã hội đáng lưu tâm, kéo theo hàng loạt hệ lụy khó lường.

Khi mạng xã hội trở thành "chiếc gương méo mó"

Trong thời đại công nghệ phát triển không ngừng, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người trẻ. Nhờ đó, việc tiếp cận thông tin trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Thế nhưng, đi kèm với sự tiện lợi ấy là một trạng thái tâm lý ngày càng phổ biến: FOMO – nỗi sợ bị bỏ lỡ.

1.png
FOMO – nỗi sợ bị bỏ lỡ đang len lỏi trong đời sống giới trẻ thời đại số. (Ảnh: Prudential)

FOMO - viết tắt của cụm từ Fear Of Missing Out, chỉ cảm giác lo lắng hoặc bất an khi nghĩ rằng người khác đang có những trải nghiệm thú vị, thành công hơn hoặc đang tận hưởng những cơ hội mà bản thân không có được. Thuật ngữ này mới được từ điển Oxford chính thức công nhận vào năm 2013 nhưng thực tế đã hiện diện trong xã hội từ lâu.

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm lý học Ấn Độ vào năm 2024, Gen Z (thế hệ được sinh ra vào khoảng năm 1997 và 2012) có mức độ FOMO cao hơn đáng kể so với thế hệ Millennials (thế hệ được sinh ra vào khoảng từ năm 1981 đến 1996). Ngoài ra, nghiên cứu cũng phát hiện mối tương quan tích cực giữa mức độ FOMO với cảm giác căng thẳng và cô đơn. Điều này cho thấy FOMO không chỉ là một hiện tượng xã hội mà còn liên quan chặt chẽ đến sức khỏe tâm lý của giới trẻ hiện nay.

2.png
Gen Z là thế hệ chịu ảnh hưởng FOMO rõ rệt hơn so với các thế hệ trước (Ảnh: VOV)

 

Chỉ cần mở điện thoại và truy cập vào những nền tảng phổ biến như Facebook, Instagram hay TikTok, người dùng có thể ngay lập tức nhìn thấy những khoảnh khắc lung linh của người khác: từ những chuyến du lịch trong mơ, các bữa tiệc xa hoa cho tới những cột mốc sự nghiệp đáng ngưỡng mộ... Tất cả đều được chọn lọc kỹ lưỡng để chia sẻ. Đối diện với những hình ảnh ấy, không ít người trẻ rơi vào vòng xoáy so sánh – một cách vô thức hoặc thậm chí không kiểm soát được. Và rồi, họ bắt đầu nghi ngờ giá trị của chính bản thân mình, cảm thấy cuộc sống hiện tại chưa đủ thú vị, chưa đủ thành tựu.

3.jpg
Những hình ảnh được chọn lọc kỹ lưỡng trên mạng xã hội có thể khiến người xem cảm thấy mình “chưa đủ tốt”. (Ảnh chụp màn hình)

 

Tác động của FOMO không chỉ dừng lại ở khía cạnh cảm xúc. Nó đang ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi và thói quen sinh hoạt của nhiều người trẻ. Một trong những biểu hiện phổ biến là việc liên tục kiểm tra điện thoại. Theo khảo sát của Deloitte năm 2023, trung bình một người trẻ kiểm tra điện thoại khoảng 80 lần mỗi ngày – phần lớn trong số đó là để cập nhật mạng xã hội. Ngay cả khi đang học tập, làm việc hay trong các cuộc gặp gỡ ngoài đời thực, không ít người vẫn bị cuốn hút bởi nhu cầu cập nhật thông tin, như thể nếu bỏ lỡ một điều gì đó trong vài phút, họ sẽ bị "rớt nhịp" so với phần còn lại của thế giới.

Không chỉ khiến khả năng tập trung suy giảm, FOMO còn ảnh hưởng đến cách giới trẻ sử dụng tiền bạc. Một món đồ thời trang mới, một chiếc điện thoại đang “hot”, hay một suất ăn tại nhà hàng nổi tiếng trên Instagram – tất cả đều có thể trở thành mục tiêu mua sắm vì... sợ không theo kịp bạn bè. Việc chi tiêu dựa trên cảm giác thiếu sót, thay vì nhu cầu thực sự, khiến nhiều người trẻ rơi vào tình trạng "cháy túi" hoặc sống trong áp lực tài chính dai dẳng. Thậm chí, theo một báo cáo từ ứng dụng quản lý chi tiêu Money Lover, hơn 60% người từ 18–25 tuổi từng mua sắm những món không cần thiết chỉ vì thấy người khác đang sở hữu chúng.

FOMO không ngừng len lỏi vào đời sống cá nhân, làm lu mờ đi giá trị của những kết nối thật sự. Có không ít người dù đang ngồi trong một buổi hẹn hò, một bữa cơm gia đình hay một buổi café thân mật vẫn liên tục mở điện thoại, kiểm tra story của người khác. Sự hiện diện bị phân mảnh này dần làm yếu đi chất lượng của các mối quan hệ và khiến mỗi người cảm thấy cô đơn nhiều hơn dù đang ở giữa đám đông.

6.png
Nỗi sợ bị bỏ lỡ khiến nhiều người trẻ đánh mất sự kết nối thật sự ngoài đời. (Ảnh: Prudential)

 

FOMO cũng có thể dẫn đến những quyết định vội vàng và sai lệch, đặc biệt trong các vấn đề lớn như sự nghiệp và tình yêu. Không hiếm gặp những trường hợp người trẻ quyết định đổi việc chỉ vì thấy bạn bè cùng tuổi đã làm ở một công ty “xịn” hơn, hoặc bước vào một mối quan hệ mới chỉ vì... sợ cô đơn giữa mùa Valentine. Nhưng đằng sau những lựa chọn thiếu cân nhắc đó, nhiều khi là sự đánh mất bản thân – một cái giá không nhỏ để chạy theo hình ảnh mà người khác đang trình diễn trên mạng.

Tìm lại chính mình giữa thế giới ảo

Trong bối cảnh đó, điều đáng nói là không phải ai cũng nhận ra mình đang mắc kẹt trong vòng xoáy FOMO. Vì vậy, việc chủ động nhận diện và kiểm soát nó là điều cần thiết, nếu không muốn đánh mất sự bình an trong cuộc sống thường ngày. Một trong những cách hiệu quả là giảm bớt thời gian dành cho mạng xã hội. Việc cài đặt thời gian sử dụng ứng dụng, tắt bớt thông báo hoặc đơn giản là có những khoảng thời gian “digital detox” – tạm rời xa thế giới ảo – có thể giúp mỗi người tỉnh táo hơn, giảm đi sự phụ thuộc và áp lực vô hình.

7.png
Tạm rời xa thế giới ảo giúp phục hồi tinh thần và giảm áp lực vô hình từ mạng xã hội (Ảnh: Tiki)

 

Bên cạnh đó, việc học cách trân trọng hiện tại cũng vô cùng quan trọng. Thay vì so sánh với những gì người khác đang có, mỗi người nên tự đặt ra câu hỏi: điều gì thực sự mang lại niềm vui và ý nghĩa cho bản thân? Những bữa cơm cùng gia đình, một giấc ngủ ngon không bị gián đoạn bởi tiếng chuông thông báo hay một buổi chiều không mạng xã hội để thư giãn đọc sách – đôi khi chính là liều thuốc chữa lành tinh thần hữu hiệu nhất.

Cuối cùng, một trong những cách hữu ích để không bị FOMO dẫn dắt là xác định mục tiêu cá nhân rõ ràng và bền vững. Khi hiểu rõ điều mình muốn, những hào nhoáng tạm thời trên mạng xã hội sẽ không còn đủ sức chi phối cảm xúc hay hành động. Thay vào đó, người trẻ sẽ có xu hướng chọn lựa cuộc sống phù hợp với giá trị và mong muốn thật sự – điều mà bất kỳ xu hướng nào cũng không thể thay thế.

Trong một thế giới mà mọi người đều có thể dễ dàng chia sẻ những khoảnh khắc đẹp nhất của mình, việc không bị cuốn theo là một thử thách – nhưng không phải là bất khả thi. Bằng việc học cách kết nối với bản thân và lựa chọn sống chậm lại, mỗi người có thể tìm thấy sự tự do thật sự giữa muôn vàn áp lực “phải theo kịp”. Bởi lẽ, không phải cứ nhìn thấy tất cả mọi thứ là đang sống trọn vẹn – và không phải điều gì người khác đang có cũng phù hợp với hành trình riêng của bản thân. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sóng Trẻ News Awards 2024: Lời hứa tiếp nối của những người làm báo trẻ

Sóng Trẻ News Awards 2024: Lời hứa tiếp nối của những người làm báo trẻ

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Sự kiện thường niên Sóng Trẻ News Awards của Trang tin điện tử Sóng trẻ trở lại với chủ đề "Evangeline - Lời hứa của hoa hồng", đánh dấu chặng đường 17 năm hoạt động của CLB.

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN