Chân dung pháo thủ trên chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc

(Sóng trẻ) - Trong những năm tháng hoà bình hiện tại, những câu chuyện về chiến tranh, về những người đồng đội cũ và cả những câu chuyện về “vết thương ở lại” như đã được gói ghém một cách cẩn thận trong dòng hồi ức của người chiến sĩ cách mạng ấy. 

Hồi ức chiến tranh của người chiến sĩ cách mạng

Bác Nguyễn Bá Tứ giữ vai trò pháo thủ số hai trên xe tăng 846 (Đại đội 5, Tiểu đoàn 2). Những câu chuyện lịch sử đều chỉ được tái hiện qua giấy và bút, qua khẩu hình và sự “phiên dịch” của vợ bác, nhưng trong đôi mắt của người chiến sĩ ấy là hình ảnh rõ hơn bao giờ hết về màu của khói lửa chiến tranh, máu của đồng đội hy sinh và cả niềm hạnh phúc vô bờ của chiến thắng. 

Người chiến sĩ năm xưa giờ chỉ có thể thều thào trong cổ họng, âm thanh đã chẳng còn thể phát ra bởi 11 năm trước bác đã phẫu thuật u thanh quản và bị mất tiếng đến bây giờ. Câu chuyện được kể đến đâu, bác sẽ diễn tả bằng hành động đến đấy. Bác vừa kể, vừa cố tìm lại những tấm hình cũ, bác chỉ cho chúng tôi xem đâu là bác, đâu là đồng đội của bác. Dù chẳng thể nói thành lời, nhưng những cử chỉ cũng biết bác thương, nhớ và tự hào đến nhường nào. 

“Những ngày hành quân qua Trường Sơn là những ngày tháng khó khăn nhất, đã có rất nhiều đồng đội phải bỏ mạng ở đây. Tôi đi đằng sau mà xe tăng của đồng đội bị bom nổ ngay trước mắt cũng chẳng thể làm gì.” - bác Tứ vừa viết, vừa dùng khẩu hình để kể lại câu chuyện. Hồi ức về những ngày tháng tàn khốc của chiến tranh chưa bao giờ là phai nhòa trong tâm trí của bác, bởi nó đã nhuốm màu máu của biết bao đồng chí, đồng đội.

img_1641.jpg

Bút và giấy làm bạn, Bác Tứ đang viết lại câu chuyện muốn chia sẻ. (Ảnh: Thu Hoài)

Trong bức ảnh được chụp vào ngày 30/4/1975, bác Tứ đang đứng trên tháp pháo, nạp đạn và chiến đấu. “Ngày đấy tôi làm gì biết là mình được chụp. Lúc đấy chỉ biết lao vào chiến đấu, cứ bắn liên tục, nạp rồi lại bắn. Đến lúc chiến thắng, tôi và đồng đội được ăn ít mì tôm trong bếp của Dinh rồi lăn ra ngủ, làm gì biết gì.” - Bác Tứ vừa cười vừa kể lại câu chuyện của ngày 30/4 năm ấy với ánh mắt đầy tự hào. Dù chẳng thể hiểu ngay, chúng tôi cứ vừa nhìn, vừa dịch, có khi phải nhờ đến sự trợ giúp của bác Mùi (Vợ của Bác Tứ) mới có thể hiểu.

Đi chiến đấu, nào đâu ai biết có ngày trở về. Người lính trẻ năm ấy theo tiếng gọi Tổ quốc, để lại gia đình, để lại tình yêu và cả những năm tháng tuổi trẻ lại thủ đô để xông pha vào miền Nam cứu nước. Ngày trở về, khi cả gia đình ngỡ rằng bác đã hi sinh nay lại vỡ oà trong hạnh phúc vì người con đã trở về một cách lành lặn. “Xuống tàu về đến nhà gặp mẹ là người đầu tiên. Cả hai mẹ con đều khóc và con vẫn còn đeo ba lô trên lưng. Mẹ thì ôm con vào lòng mà khóc vì mừng quá.” - những dòng hồi ức ngày trở về với bác Tứ là những kỉ niệm không thể quên. 

Những người động đội ngỡ không có ngày gặp lại

“Bác Tứ và đồng đội hoàn toàn không biết đến sự tồn tại của bức ảnh. Mãi đến 35 năm sau, khi bác có dịp quay trở lại Dinh Độc Lập, khi nhìn thấy bức ảnh, bác đã đứng nhìn rất kĩ, phải đến hơn một phút, rồi bác mới nhận ra, người ngồi trên xe đó chính là mình.”  - bác Mùi, vợ bác Tứ, người đồng hành cùng bác trong chuyến đi trở về Dinh Độc Lập năm ấy chia sẻ thêm. Những người lính trên chiếc xe tăng 846 ấy hoàn toàn không biết đến sự tồn tại của bức ảnh này. Sau chiến dịch, họ lại trở về với cuộc sống bình thường và cũng chẳng có ai còn liên lạc với nhau.

Mãi đến năm 2015, bác Tứ và những người đồng đội mới có cơ hội gặp mặt và hội ngộ đầy đủ, sau 40 năm sau sự kiện lịch sử - chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Khi hỏi về cảm xúc của bác khi được gặp lại những người đồng đội cũ, bác cười, qua khẩu âm, chúng tôi biết bác đang nói: “Vui lắm”.

Rồi bác lại vội lục tìm trong tập hồ sơ cũ những bức ảnh của cuộc hội ngộ năm ấy. Bác chỉ từng thành viên trong đội với ánh mắt đầy tự hào. “Đây là bác Hoà, trưởng xe. Đây là bác Quý, pháo thủ số một. Đây là bác Yên, lái xe. Còn đây là tôi.” Mặc dù vẫn cần đến sự trợ giúp từ bác Mùi, nhưng bác Tứ vẫn muốn chính mình là người được kể, được giới thiệu về những người đồng đội đã vào sinh ra tử, cùng chinh chiến trong những năm tháng “máu lửa” ấy của mình.

img_1639.jpg
Bác Tứ và bác Mùi cùng nhau xem lại kỷ niệm ngày hội ngộ.

Những bức ảnh tưởng như đã xem đến hàng trăm hàng nghìn lần rồi, nhưng khi bác đưa ảnh, vẫn thấy trong đôi mắt của người chiến sĩ ấy là những cảm xúc vẹn nguyên của một thời chiến. Vậy mới thấy tinh thần đồng chí, đồng đội gắn bó với nhau qua thời kì máu lửa ấy thật đáng quý đến nhường nào.“Bây giờ các bác ấy vẫn giữ liên lạc với nhau, nhưng cũng chẳng gặp nhau thường xuyên được. Thỉnh thoảng đến thăm nhau, ở cùng nhau 1-2 ngày rồi lại về.” - bác Mùi, vợ bác Tứ chia sẻ thêm. 

img_1617.jpg

Những bức ảnh ngày hội ngộ được bác lưu giữ như một tài sản vô giá.

Vết thương chiến tranh ở lại

Hòa bình, người lính lại trở về với cuộc sống mưu sinh bằng nghề lái xe rong ruổi khắp nơi mà không hề hay biết rằng bản thân đã vô tình nhiễm chất độc màu da cam từ chiến trường. 

Năm 1978, vợ chồng bác Tứ chào đón người con gái đầu lòng là chị Thùy Hương. “Sinh ra chị vẫn cười nói, khua chân múa tay, ăn uống bình thường nhưng nuôi mãi hơn một năm không thấy chị ấy biết ngồi, biết bò, biết đi thì chỉ nghĩ là chị chậm phát triển và cho đi chữa trị khắp nơi” bác Mùi nghẹn ngào chia sẻ. Vì thời ấy y tế còn thô sơ, chưa phát triển nên mãi đến sau này, khi đưa chị đi xét nghiệm mới phát hiện chị Hương bị ảnh hưởng của chất độc da cam theo di truyền từ người cha. Di chứng của căn bệnh quái ác khiến chị Hương mất đi khả năng lao động nên ngoài 40 tuổi chị vẫn phải sống phụ thuộc vào cha mẹ. Vợ chồng hai bác luôn kiên nhẫn hướng dẫn chị sống tự lập nhất có thể trong khả năng, dù cử động chậm rãi hơn người bình thường gấp hai, ba lần nhưng đến nay chị đã có thể tự vệ sinh cá nhân và phụ giúp bác Mùi trong việc nấu ăn, giặt giũ… 

img_1666.jpg
Chị Hương phụ gia đình trong các công việc nhà.

 

Nỗi đau xuyên thế hệ theo chân người lính chưa vơi thì năm 2011, bác Tứ không may mắc căn bệnh hiểm nghèo u thanh quản, phải phẫu thuật cắt bỏ thanh quản. Từ đó, sức khỏe của bác cũng giảm hẳn, nói không thành lời, trên cổ lúc nào cũng phải đeo một chiếc vòng bạc để che đi chỗ mở khí quản. Bác làm bạn với bút và giấy, muốn nói gì phải viết ra hoặc ít nhất là có bác Mùi ở bên cạnh phiên dịch.

Lúc này, gánh nặng kinh tế đổ dồn lên vai người vợ, người mẹ trong gia đình. Để có thể trang trải cho cuộc sống, kiếm đồng ra đồng vào bác Mùi sắm chiếc xe đẩy nhỏ mở hàng bán xôi, bánh mì ở cuối con ngõ 173 Hoàng Hoa Thám. Trong khó khăn, bác Mùi vẫn luôn lạc quan, vui vẻ: “Cũng chỉ suy nghĩ rằng bác Tứ còn sống trở về là tốt lắm rồi, một người thanh niên, một người công dân có nghĩa vụ đóng góp để giải phóng đất nước, vấn đề không may rơi phải mình thì mình cam chịu. Tôi suy nghĩ đơn giản thế thôi”. Chính tinh thần đó giúp gia đình bác Tứ không đầu hàng trước số phận, luôn cố gắng để ổn định cuộc sống.

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN