Chàng trai đi phượt vì "nghiện" săn cột mốc
(Sóng trẻ) - Mọi người đi phượt để tìm cảnh đẹp, tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán còn Nguyễn Khắc Nam khoác balo lên đường, đi dọc đường biên của Cao Bằng “săn tìm” cột mốc.
Dọc đường biên “săn tìm” cột mốc
Với hành trình gần 4 ngày, Nam cùng các bạn đã đặt chân đến 30 cột mốc khác nhau, trong đó có rất nhiều cái tên nổi tiếng như: Tà Lùng, Trà Lĩnh và dọc sông Quây Sơn từ Hạ Lang đến thác Bản Giốc. Khắc Nam chia sẻ: “Nhìn bên nài, cột mốc chỉ đơn giản là những khối đá hoa cương. Nhưng đến tận nơi, đọc thông tin về lịch sử đàm phán để đặt cột mốc mới thấy hết ý nghĩa và sự thiêng liêng của chúng”. Ở mỗi nơi đi qua, trong chiếc áo cờ đỏ sao vàng, Nam cùng các bạn lại chụp những bức hình lưu niệm và ghi nhớ lịch sử của mỗi cột mốc.
Mỗi chuyến đi là một cuộc săn tìm cột mốc
Trong 30 cột mốc tìm được, khi hỏi về nơi ấn tượng nhất, Nam tâm sự: “Đó là cột mốc số 0 ở A Pa Chải. Mình đã vượt quãng đường gần 700km để đến được đây, nơi mà mọi người vẫn bảo: một tiếng gà gáy – 3 nước đều nghe thấy (Việt Nam, Trung Quốc, Lào)”.
Mỗi cột mốc có một câu chuyện riêng, một “cuộc đời” riêng nhưng đều vững chãi nơi biên cương để đánh dấu chủ quyền quốc gia. Thiêng liêng và tự hào là những gì Khắc Nam và các bạn trong đoàn phượt cảm nhận được sau chuyến đi.
Hành trình theo dấu chân đoàn quân Tây Tiến
Nam Nguyen vừa hoàn thành chuyến đi của mình, chuyến hành trình theo dấu chân đoàn quân Tây Tiến. Tìm đến với những địa danh đã đi vào thơ Quang Dũng: Sài Khao, Mường Lát để cảm nhận về một thời lịch sử của dân tộc.
Nam tâm sự: “Dù không đi hết được con đường, nhưng đi rồi mới thấy nó đúng như những gì trong thơ ngày xưa được học: Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm. Và bọn mình gọi vui đó là con đường mang thương hiệu Sài Khao”.
Cảm giác chênh vênh, được hòa mình vào thiên nhiên vùng cao là những trải nghiệm thú vị mà bất kì phượt thủ nào cũng muốn được trải qua. Không chỉ là hành trình theo dấu chân đoàn quân Tây Tiến, chuyến đi của Nam và bạn bè còn là một chuyến Phượt tình nguyện đúng nghĩa.
Trên đường đi, Nam cùng đoàn đã ghé vào điểm trường của học sinh vùng cao, tặng quà cho các em. Những món quà nhỏ, không lớn về vật chất nhưng là sự góp sức, san sẻ một phần khó khăn trên con đường đến với cái chữ của trẻ em nơi đây.
Ghé thăm trường tiểu học Tây Tiến
Trở về sau chuyến đi, nài cảm giác tuyệt vời từ cung đường mang lại, Nam Nguyen vẫn còn nhớ như in: “Hình ảnh các em học sinh với đôi mắt hồn nhiên, trong veo và những khuôn mặt lấm lem…”.
“Ý nghĩa”, đó là từ mà Nam dùng để nói về chuyến đi của mình. Chuyến đi tìm về với lịch sử và về với những mảnh đời khó khăn để san sẻ.
Sắp tới, Nam có dự định thực hiện chuyến đi đến Y Tý – vùng đất có sức hút đặc biệt với dân phượt. Vùng đất với nhịp sống rất chậm và dễ khiến người ta “nghiện” nếu đã đặt chân đến đó một lần.
Mỗi người có một thú vui, đam mê riêng, và phượt chính là đam mê của Nam Nguyen. Mỗi chuyến đi không chỉ đơn giản là ngắm cảnh đẹp, thay đổi không khí mà còn là hành trình với những ý nghĩa và dấu ấn riêng.
Phượt đúng cách, đúng thời điểm chính là cách để tăng thêm vốn sống, kết giao bạn bè và trân trọng cuộc sống mình đang có. Nam Nguyen đã dùng phượt để làm đẹp thêm cuộc sống của chính mình. Chúc cho chàng trai mê phượt sẽ có thêm nhiều chuyến đi ý nghĩa.
Minh Phương
Lớp Truyền hình K31A2
Ảnh: NVCC