Cố đô Hoa Lư: Nét cổ kính còn mãi với thời gia
(Sóng trẻ) - Một cố đô hoàn toàn được bao trọn trong lòng núi hiểm trở, non sông tráng lệ, cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình là quần thể di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đặc biệt quan trọng của đất nước. Nơi đây cũng là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam với các dấu ấn lịch sử không thể nào quên.
Cổng vào cố đô Hoa Lư. Ảnh: PV.
Theo sử sách ghi lại, cố đô Hoa Lư được chọn làm kinh đô của nước Đại Cồ Việt trong suốt 42 năm. Trong khoảng thời gian đóng đô không dài nhưng mảnh đất nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện liên quan đến vận mệnh của đất nước, dân tộc. Đây cũng là thành trì của quân sự vững chắc của ba triều đại liên tiếp trong lịch sử: Nhà Đinh, Tiền Lê và nhà Lý, tính từ đời vua Đinh Tiên Hoàng đến vua Lý Thái Tông.
Trải qua gần 10 thế kỷ, cố đô Hoa Lư vẫn giữ được nét uy nghi, trầm mặc với hơn 30 di tích. Trong đó, có hai di tích quan trọng đó là đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và đền thờ vua Lê Đại Hành. Xung quanh khu vực tham quan còn có một số đình, chùa cổ có niên đại hàng nghìn năm tuổi, có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các du khách trong và nài nước.
Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng được xây dựng theo kiểu “Nội công nại quốc”, cách chân núi Mã Yên khoảng vài trăm mét. Trải qua hơn bốn thế kỷ, ngôi đền vẫn giữ được nét uy nghiêm, cổ kính với các hạng mục công trình tinh xảo: Ngọ môn quan, nghi môn nội, nghi môn nại... Trước cửa đền chính có đặt Long Sàng làm bằng đá xanh nguyên khối, chạm trổ hoa văn rất tinh xảo.
Cổng vào đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng rợp bóng cây xanh mát.
Đền thờ vua Đinh được xây dựng từ thế kỷ 17 cổ kính, trầm mặc mang đậm dấu ấn thời gian.
Trước đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng trưng bày sập đá Long Sàng, được công nhận là bảo vật quốc gia.
Cách đền vua Đinh không xa là đền thờ vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn). Lê Hoàn là một tướng lĩnh giỏi dưới triều đại nhà Đinh, người có công dẹp loạn, thống nhất đất nước nên được vua Đinh phong là “Thập đạo tướng quân”. Ông lên ngôi vua sau khi vua Đinh băng hà, mở đầu vương triều nhà Tiền Lê. Trong cung điện vua Lê cổ kính, có ba pho tượng thờ hoàng đế Lê Đại Hành ở gian giữa ngồi trên ngai, hoàng hậu Dương Vân Nga gian bên trái và vua Lê Long Đĩnh ở gian bên phải.
Đền thờ vua Lê Đại Hành được xây dựng trên nền cung điện chính xưa.
Đền thờ vua Lê hiện còn lưu giữ được nhiều dấu ấn kiến trúc cổ công phu, điêu luyện. Tại đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều di tích nền cung điện cũ cùng nhiều hiện vật gốm sứ có niên đại gần chục thế kỷ. Những hiện vật này hiện đang được lưu giữ và bảo tồn trong bảo tàng ở khu đền.
Kiến trúc độc đáo, tinh xảo ở đền thờ vua Lê.
Nền móng cũ của cố đô được các nhà khảo cổ tìm thấy trong quá trình khai quật.
Về cố đô Hoa Lư, du khách không chỉ được đắm mình trong cảnh sắc bốn mặt núi đá bao quanh mà còn được chiêm ngưỡng những di tích mang đậm dấu ấn lịch sử của vùng đất cố đô xưa. Từ đó, được mở mang tầm hiểu hiểu biết, đồng thời bày tỏ lòng trân quý của bản thân đối với các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.
Cố đô Hoa Lư không chỉ là quần thể di tích quốc gia đặc biệt quan trọng mà nó còn là một trong ba khu vực hợp thành quần thể danh thắng Tràng An, địa danh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa - thiên nhiên thế giới, “di sản kép” đầu tiên ở Việt Nam.
Lan Nhi
Cùng chuyên mục
Bình luận