Công khai danh tính người mua dâm, nên chăng?
(Sóng trẻ) - Công khai danh tính người mua dâm đang nhận được những ý kiến nhiều chiều từ dư luận, về mức độ nặng nhẹ của hình phạt, về cách thức xử lý cũng như tính hiệu quả hình thức xử phạt mới.
Việc mua bán dâm vẫn còn tồn tại trong xã hội văn minh, và phát triển một cách tinh vi hơn với những đường dây mua bán dâm chuyên nghiệp không thua kém bất cứ dịch vụ nào. Ở nước ta, mua bán dâm là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi lẽ pháp luật của một quốc gia căn cứ không chỉ trên những tiêu chuẩn chung về đạo đức xã hội mà còn lấy nền tảng từ quan niệm văn hóa của quốc gia ấy.
Mua bán dâm ở Việt nam được cho là gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. Bệnh truyền nhiễm cho tới nạn buôn bán người đều tìm thấy nguyên do từ đây. Mua bán dâm còn là một biểu tượng của sự suy đồi đạo đức xã hội, là một cái gì đó ghê tởm trong suy nghĩ của những người Việt đứng đắn.
Ảnh minh họa (Nguồn: Dân trí)
Cấm được chăng? Từ đời xưa các triều đại phong kiến nước ta cũng giám sát rất kỹ chuyện “dâm giao”: “Từ mồng một tháng Giêng, Vua về kinh, cấm các quan không được sai quân cờ chở đĩ đi theo, tình dục bừa bãi" - Những dòng lệnh truyền như vậy thấy nhan nhản trong "Đại Việt Sử Ký Toàn Thư". Cho đến ngày nay, không năm nào không có những đề xuất mới trong các điều luật cấm quản mại dâm.
Ở các nước tư bản, mua bán dâm tuy hợp pháp nhưng được quản lý nghiêm ngặt. Nước ta thì cấm và phạt. Cấm và phạt, suy cho cùng cũng là một cách thức quản lý. Có điều nó hiệu quả đến đâu mà thôi.
Có một thực tế là gái mại dâm và các đường dây bán dâm từ lâu dường như đã “nhờn” công an. Luật pháp của chúng ta vì thế đi nghiêng theo hướng nghiêm trị cả bên cung lẫn bên cầu. Và vừa rồi, Hà Nội mới đề xuất công khai danh tính người mua dâm đến đoàn thể, chính quyền địa phương để kiểm điểm, giáo dục. Đó cũng là một cách tăng nặng hình phạt với mong ước vì sợ tai tiếng mà người ta bớt mua dâm đi... Từ đó gái mại dâm thất nghiệp và nạn mại dâm bị “tiễu trừ”.
Lý là như vậy. Nhưng còn quá nhiều vấn đề phải xem xét. Liệu rằng cái mục tiêu đó có đạt được hay không? Và bằng cách thức triển khai cụ thể như thế nào trong một cơ chế còn cả nể bao cấp?
Công khai danh tính người mua dâm. Nên chăng? Nếu như vì thói trăng hoa mà cánh mày râu bị bêu rếu thì câu chuyện “bóc bánh trả tiền” sẽ đưa tổ ấm gia đình đi đến bờ vực nào? Trong khi trước đây nó vốn phụ thuộc vào sức chịu đựng của người phụ nữ, vợ phát hiện chồng “chơi gái” thì đóng cửa bảo nhau hoặc dắt tay ra tòa nếu không thể bỏ qua...
Giờ đây, với đề xuất này, không chỉ vợ mà hàng xóm anh ta, con cái anh ta, gia tộc anh ta, cơ quan anh ta… biết anh ta mua dâm. Sự công khai hẳn như giọt nước làm tràn ly, phá hủy uy tín của đấng trượng phu và kéo theo hệ lụy "xấu chàng hổ chàng hổ ai?"... Danh dự lại là thứ vốn được ông cha ta từ xưa ví như "con ngươi" của mỗi người. Cần được giữ sạch sẽ nhất!
Những dòng để ngỏ. Mời bạn đọc cùng chúng tôi thảo luận về tính khả thi của đề xuất công khai danh tính người mua dâm. Liệu vấn nạn mua bán dâm nhức nhối tràn lan trong xã hội có giảm? Được gì, mất gì từ biện pháp răn đe mạnh mẽ về mặt ý tưởng này?
Mọi góc nhìn của độc giả về vấn đề thể hiện bằng cách bình luận phía dưới bài viết hoặc gửi ý kiến về hòm thư: [email protected]
Nhóm 2
Báo mạng điện tử K.31
Cùng chuyên mục
Bình luận