Cụ bà 82 tuổi đọc báo bằng một mắt


(Sóng Trẻ)
-  Giữa trung tâm nuôi dưỡng người già, người tàn tật và trẻ em mồ côi Thụy An, lạc trong những khuôn mặt ngơ ngác đến ngây dại, những con người mà chẳng thể đoán được tuổi vì những căn bệnh thần kinh hay thiểu năng trí tuệ, một cụ bà dáng người nhỏ bé, mái tóc bạc đã trọc gần hết, đang chăm chú đọc tờ báo Công An nhân dân khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên.


Được sống là niềm vui

 

Chân lý giản dị mà đúng đắn ấy được nhận thức chỉ từ việc đọc báo hàng ngày của cụ bà 82 tuổi, Đào Thị Nhạn. Cụ đã có 16 năm gắn bó với trung tâm Thụy An (Ba Vì, Hà Nội). Năm 45 tuổi, căn bệnh bong võng mạc và đục thủy tinh thể đã làm cho một bên mắt của cụ không thể nhìn thấy ánh sáng được nữa. Cụ là một trong những người hiếm hoi có nhận thức bình thường ở giữa một nơi mà từ người già cho đến trẻ em đều có vấn đề về thần kinh và trí tuệ.

Nét cười tươi rói, để lộ ra hàm răng đen nhánh của cụ khi được tiếp xúc với nhóm phóng viên, toát ra được điều gì đó gần gũi, phúc hậu đến lạ kỳ, giống như một cuộc hội ngộ với người thân sau nhiều năm xa cách. Cụ phấn khởi kể cho chúng tôi nghe về một tuổi thơ có lẽ là may mắn nhất so với những người khác khi bước chân vào trung tâm này: “Hồi nhỏ, tôi cũng được bố mẹ cho theo học một ông giáo dân, học văn thơ, được học cả chữ Tàu và chữ Tây. Những ngày đi chăn trâu, tôi vừa tranh thủ xem sách, giờ may mắn là biết được cái chữ nên đọc được báo”.

 

Với mắt giả bên trái không bao giờ chớp và mắt bên phải bình thường, cụ cầm tờ báo lên đọc say sưa, rõ ràng từng tiếng một mà không cần phải dùng đến kính để hỗ trợ. Điều đó khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Chị Nguyễn Thu Hà, cán bộ chăm sóc người già và trẻ em ở trung tâm Thụy An cho biết: “Nhiều hộ lý biết được cụ Nhạn rất thích đọc báo, nên hàng ngày thường mang vài tờ báo hay sách tới cho cụ đọc. Lần nào cụ cũng rất vui và cảm ơn rối rít. Các cụ tầm tuổi như cụ Nhạn ở trung tâm, đều không nhận thức được minh mẫn nữa rồi vì nhiều bệnh về thần kinh, chưa nói gì đến việc có thể đọc báo”.

Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, cụ Nhạn đưa chúng tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Không chỉ đọc rồi thuộc thơ văn từ cổ chí kim như: Nhị độ mai, Truyện Kiều, Phạm tải Ngọc Hoa, thơ Tản Đà,... mà cụ còn biết được rất nhiều thông tin về xã hội như: ăn cắp, lừa đảo, trộm cướp, giết người, các vụ bạo hành, ngược đãi trẻ em,…


Cụ Nhạn nói cho chúng tôi nghe chính xác đến từng con số: “Trong hai ngày 30/4 và 1/5, cả nước có 114 người chết và 88 người bị thương vì tai nạn giao thông”. Ngay cả việc Quốc hội thông qua luật thi hành án hình sự, thay vì xử bắn thì sẽ tử hình bằng thuốc độc cũng được cụ bà 82 tuổi này biết đến tường tận.

 

“Muốn xem xã hội phức tạp đến đâu, nhiều tệ nạn đến đâu phải đọc các báo An ninh, báo Công an. Còn để biết được nhiều về giới trẻ bây giờ hay để tìm việc làm thì đọc báo Tuổi trẻ, báo Phụ nữ…”. Đó là những lời nhận xét đúng đắn làm chúng tôi càng thấy ngưỡng mộ trí nhớ siêu phàm và nhận thức còn khá tinh tường của cụ. Thế giới bên nài với nhiều biến động và phức tạp, tưởng chừng như là một cái gì đó xa xỉ đối với những con người sống tại trung tâm Thụy An. Nhưng với những hiểu biết mà bà Nhạn đã thể hiện thì nhiều người sẽ phải thay đổi nhận xét đó.

“Xã hội bây giờ toàn cầu đổi mới, nông thôn đổi mới. Tôi thấy chết sớm bây giờ thì thiệt lắm”. Có ai ngờ được rằng đó là câu nói của một cụ bà đã ở tuổi “thất thập cổ lai hi” nơi trung tâm Thụy An. Câu nói ấy nhen lên một niềm vui sống, niềm lạc quan vô cùng đáng quý ở một nơi mà sự sống  với nhiều con người chỉ được tính từng ngày, từng giờ.

 

Khát khao làm mẹ

Ở tuổi 82, cái thú theo dõi về “thế sự” của cụ Nhạn khiến cho nhiều người, ngay cả các cán bộ quản lý trung tâm Thụy An cũng phải ngưỡng mộ và cảm phục. Nhưng ít ai biết được rằng, đằng sau niềm vui ấy lại là nỗi lòng đầy trăn trở với khát khao làm mẹ của một cụ bà đã ở cái tuổi “gần đất xa trời”. Khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình, đôi mắt chỉ còn một bên tinh nhanh của cụ bỗng nhòe đi, cụ nhìn về xa xăm như muốn lảng tránh quá khứ bất hạnh của riêng mình.

 Lấy chồng từ năm 11 tuổi, nhưng cả đời cụ Nhạn chưa từng được làm mẹ theo đúng nghĩa. “Tôi có một đứa con nuôi, thằng bé thương tôi lắm”. Cụ bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về anh con nuôi mà cụ và người chồng đã cưu mang từ tấm bé.

 

Ông trời tước đi thiên chức làm mẹ của cụ, nhưng không xóa được tình mẫu tử chan chứa trong cụ. Bao nhiêu tình thương yêu cụ dành hết cho người con nuôi. Lớn lên, anh lại sang nước nài làm việc. Người chồng mà cụ gắn bó bao năm, vì bệnh tật cũng bỏ cụ lại một mình mà ra đi. Nhiều lần, anh con nuôi ngỏ ý đón cụ sang nơi anh làm việc để sống cùng và phụng dưỡng cụ lúc tuổi già. Nhưng cụ nhất định không chịu bỏ quê mà đi: “Đi đâu thì đi chứ bảo tôi rời bỏ quê hương này mà đi thì sao đành. Nơi chôn rau cắt rốn của mình, dù có chết thì cũng phải bám lấy nó. Ở làng, ở xã có bà con láng giềng quen rồi. Sang đấy đất lạ, người lạ bí bách, khó sống lắm” – lời tâm sự chân thành của cụ Nhạn vừa khiến chúng tôi xúc động, vừa cảm thương cho cảnh gối chiếc mà cụ đã phải trải qua suốt mấy chục năm.

 

Lòng người mẹ đáng thương ấy luôn nghĩ về con, thương con, không để con phải lo lắng, cụ nhờ chính quyền xã Thụy Lâm (huyện Đông Anh, Hà Nội), quê hương của cụ, làm mọi thủ tục, giấy tờ xét duyệt để cụ được vào trung tâm bảo trợ Người già, người tần tật và trẻ em mồ côi Thụy An này. “Cũng có họ hàng ở quê, nhưng tôi không muốn làm phiền vì chẳng phải ruột thịt của mình” – Cụ tâm sự trong ánh mắt còn ươn ướt.

 

“Không vì anh con nuôi, chưa chắc cụ đã chịu đi trung tâm đâu. Ở quê còn bà con chòm xóm, không ai nỡ để cụ bơ vơ cả. Nhưng cụ cũng không muốn phiền lụy ai…”- cô Nguyễn Thị Sen, người sống cùng phòng với cụ, cũng là người gần gũi với cụ nhất ở Trung tâm Thụy An, chia sẻ thêm với chúng tôi. “Nhiều đêm đang ngủ, lại thấy cụ ngồi dậy lau nước mắt. Chắc lại thương con, nhớ cháu…”.

 

Được biết, anh con nuôi ở nước nài của cụ Nhạn cũng là người sống có tình nghĩa. Một, hai năm anh lại thu xếp về thăm cụ một lần. Cho nên cụ Nhạn luôn tự hào với mọi người trong Trung tâm về đứa con mình đã vất vả nuôi nấng.

 

Sự già nua của tuổi tác càng làm cho cụ không thể tránh khỏi những căn bệnh của tuổi già, đặc biệt là bệnh thần kinh, khiến cụ hay lên cơn co giật. Nhưng những lúc bình thường thì cụ vẫn tỉnh táo, vẫn đọc báo hàng ngày và kể một cách trơn tru cho mọi người nghe về những tin tức, câu chuyện mà cụ đọc được, thậm chí nhớ chính xác đến từng con số.

 

Giữa một trung tâm mà đa phần là những con người không bình thường về trí tuệ, thì niềm vui sống, nhận thức còn khá nhanh nhạy cùng tình mẫu tử lớn lao luôn thường trực trong tâm hồn cụ Nhạn, thực sự làm những người đến thăm thấy ấm lòng. Chúng tôi tin rằng sự sống, hạnh phúc luôn có cơ hội được hiện hữu với những con người không đoán được tuổi ở nơi đây.

Vân Anh – Quỳnh Anh

Báo mạng điện tử K27

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN