Cùng chuyên gia và những người trẻ bàn luận về bình đẳng giới trong truyền thông
(Sóng trẻ) - Trong những năm gần đây, ở Việt Nam, người ta nói rất nhiều về vấn đề bình đẳng giới. Vậy, bình đẳng giới là gì? Ở Việt Nam có bình đẳng giới không? Làm thế nào để truyền thông trở thành công cụ định hướng dư luận tiến tới bình đẳng giới thực thụ. Tất cả những thắc mắc nếu trên đã được nêu ra và giải đáp trong buổi tọa đàm “Công tác giáo dục đối với vấn đề bình đẳng giới, nhạy cảm giới – Tầm quan trọng của việc tăng cường nhạy cảm giới trong sản phẩm truyền thông” diễn ra ngày 22/3 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Buổi tọa đàm do khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (Csaga) tổ chức.
Tới tham dự buổi tọa đàm có: T.S Lưu Hồng Minh, Trưởng khoa Xã hội học, T.S Nguyễn Thị Tố Quyên, Phó trưởng khoa Xã hội học, Th.S Nguyễn Thị Tuyết Minh, giảng viên khoa Xã hội học, T.S Phạm Thị Thanh Tịnh, giảng viên khoa Phát thanh – Truyền hình, Lê Xuân Đồng, cán bộ dự án Csaga… cùng thành viên các câu lạc bộ hoạt động truyền thông do Học viện Báo chí và Tuyên truyền thành lập như: Câu lạc bộ phát thanh, truyền hình, báo mạng…
Quang cảnh buổi tọa đàm
Hướng tới vấn đề bình đẳng giới trong xã hội, buổi tọa đàm chủ yếu đề cập đến việc nâng cáo nhận thức về bình đẳng giới, nhạy cảm giới trong truyền thông. Mục đích của buổi tọa đàm là nhằm thay đổi nhận thức về giới của bản thân những người làm truyền thông, từ đó sẽ lan tỏa những nhận thức mới tới cộng đồng.
Xưa nay, chúng ta đã nghe nhiều, nói nhiều về giới và bình đẳng giới, nhưng không phải ai cũng thực sự hiểu vấn đề này một cách cặn kẽ. Phát biểu tại buổi tọa đàm, Th.S Nguyễn Thị Tuyết Minh khẳng định: “Bình đẳng giới không phải là vấn đề san đều, cào bằng những công việc và cơ hội cho cả hai phái nam nữ mà thực chất là việc tạo cơ hội cho phụ nữ và nam giới có khả năng phát huy hết những khả năng vốn có của bạn thân mà không bị kìm hãm, áp đặt bởi những quan niệm về giới tính thông thường”.
Th.S Nguyễn Thị Tuyết Minh cũng cho biết: “Việt Nam tuy có nhiều cơ chế bảo vệ quyền bình đẳng giới nhưng chúng ta lại không phát huy tốt những cơ chế này. Vì sao lại như vậy? Chính là vì chúng ta thiếu đi sự nhạy cảm về giới. Nhạy cảm giới nghĩa là phải chú ý tới vấn đề tâm, sinh lý giới tính, tạo mọi điều kiện cho nữ giới, nam giới phát triển hết mức có thể”.
Sự thiên lệch về giới trong cách đưa tin của một số tờ báo tại Việt Nam
Nói về nguyên nhân gây ra bất bình đẳng giới, Th.S Nguyễn Thị Tuyết Minh cho rằng: “Trong mỗi chúng ta đều luôn tồn tại những định kiến về giới, đó chính là nguyên nhân gây bất bình đẳng. Ví dụ, chúng ta luôn quan niệm phụ nữ là phải làm việc nhà, phụ nữ là phải đẹp, đàn ông là phải kiếm ra tiền, phải mạnh mẽ… Tất cả những cái đó đều được coi là định kiến và rào cản giới tính".
"Nói cách khác, định kiến về giới tức là những kỳ vọng, mong đợi của con người về vai trò của nam và nữ trong xã hội. Những mong ước này gắn với số đông và ấp đặt máy móc mà không tính đến khả năng thực có của mỗi cá nhân. Chẳng hạn quan niệm đàn ông là phải kiếm ra tiền, phải làm việc lớn là quá áp đặt cho nam giới bởi nhiều người đàn ông lại thích được làm nội trợ, chăm con và sống một cuộc sống bình thường, nhẹ nhàng” - Th.S Nguyễn Thị Tuyết Minh nhấn mạnh.
T.S Lưu Hồng Minh, T.S Nguyễn Thị Tố Quyên - Trưởng, Phó khoa Xã hội học
Buổi tọa đàm cũng có nhiều chia sẻ khá thú vị về một thực tế đáng buồn là: Truyền thông Việt Nam chưa thực sự có bình đẳng giới. Cụ thể, trên các tờ báo mạng, số lần phụ nữ xuất hiện ít hơn hẳn so với nam giới, trong các quảng cáo, phụ nữ luôn gắn với công việc bếp núc, nội trợ, thậm chí 62% hình ảnh nữ giới trên truyền hình găn liền với trang phục váy áo hở hang, gợi dục…
Ví dụ minh họa về sự bất bình đẳng giới trên các phương tiện truyền thông tại Việt Nam
Giải thích về nguyên nhân gây bất bình đẳng giới trong truyền thông, T.S Nguyễn Thị Tố Quyên quan điểm: “Truyền thông đang tạo ra những khuôn mẫu định kiến về giới, làm sai lệch những quan niệm giới tính mà nguyên nhân sâu xa là do những quan niệm này tồn tại quá lâu, ăn sâu vào tư duy của người làm truyền thông”.
Để hướng đến sự bình đẳng giới thực thụ, các vị đại biểu tham dự tọa đàm đều cho rằng: Cần nâng cao nhận thức về giới tính và giới. Trong đó, những người làm công tác giáo dục, truyền thông phải đi đầu trong lĩnh vực này.
Đối với thành viên các câu lạc bộ truyền thông thuộc học viện Báo chí và Tuyên truyền, buổi tọa đàm thực sự là cơ hội giao lưu, học hỏi thêm về vấn đề bình đẳng giới trong xã hội. Các thành viên đều cam kết sẽ cố gắng nâng cao việc nhạy cảm giới trong công tác truyền thông ngay trong bản thân các câu lạc bộ của mình.
Buổi tọa đàm sẽ tiếp tục ngày 24/03 tại 158 Trần Bình, Cầu Giấy, Hà Nội với chủ đề kinh nghiệm viết tin bài về bạo lực giới do nhà báo Phạm Trung Tuyến trình bày.
Trương Thu Hường
Cùng chuyên mục
Bình luận