Đà Nẵng tan hoang sau cơn bão Nari
(Sóng Trẻ) - 7 năm trôi qua kể từ cơn bão lịch sử Xangsane, Đà Nẵng mới lại hứng chịu một cơn bão hung dữ và có sức tàn phá khủng khiếp đến như thế.
Mặc dù đã chuẩn bị kỹ càng trước khi cơn bão đổ bộ, nhưng nhiều người dân Đà Nẵng vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước sự tàn phá của cơn bão Nari. “Chỉ sau một đêm thôi, vậy mà tất cả mọi thứ đều tan hoang hết cả” - một người dân tại Đà Nẵng chia sẻ.
Cây bật gốc trên đường Hàm Nghi
Hàng cây đổ ngã trên đường Thái Phiên
Ông Nguyễn Ngọc Sơn (phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) chia sẻ: “Nhớ lại cách đây 7 năm, Đà Nẵng cũng đã từng “tan hoang” như ri do ảnh hưởng của cơn bão Xangsane lịch sử. Tuy nhiên, lần này bão Nari có phần mạnh hơn, sức công phá cũng lớn hơn vì thời gian bão càn quét nhiều hơn so với bão Xangsen”.
Bờ biển Sơn Trà tan hoang sau cơn bão
Cùng ý kiến với ông Sơn, rất nhiều người dân ở Đà Nẵng cũng nhận định rằng đây là cơn bão mạnh và có sức tàn phá vô cùng dữ dội. Bạn Đoàn Xuân Sơn (Sinh viên năm 3 trường Đại học sư phạm Đà Nẵng) chia sẻ: “Đài khí tượng báo bảo sẽ vào lúc nửa đêm, thế nhưng ngay từ lúc 5h chiều ngày 13/10 thì đã bắt đầu mưa to và gió rất mạnh, sau đó thì toàn thành phố mất điện nên việc theo dõi hướng đi cơn bão sau đó gặp khó khăn. Thế nhưng, sức gió ngày một mạnh lên vào lúc nửa đêm và kéo dài cho đến tận 10h sáng hôm sau, lúc đó gió và mưa mới ngớt đi một chút…”
Một ngôi trường trên địa bàn quận Sơn Trà đổ nát sau cơn bão
Hiện nay, mặc dù cơn bão đã đi qua nhưng người dân Đà Nẵng lại phải tiếp tục đối mặt với nhiều nỗi lo khác sau bão, đó là việc thiếu lương thực và khả năng bùng phát dịch bệnh sau khi bão. Toàn thành phố Đà Nẵng vẫn đang trong tình trạng mất điện, một số vùng còn ở trong tình trạng cúp nước. Trên nhiều tuyến phố, giao thông vẫn trong tình trạng tê liệt. Nhiều công trình công cộng và cây xanh đã bị bão “càn quét”, nhiều nơi trong thành phố giờ chỉ còn là một đống hoang tàn. Các trụ điện, hệ thống thông tin liên lạc đều bị tàn phá. Cuộc sống sinh hoạt của người dân đang gặp rất nhiều khó khăn.
Một cửa hàng Viettronimex trên đường Nguyễn Hữu Thọ
Theo thông tin từ trung tâm khí tượng thủy văn thì cho đến thời điểm này, bão đã đổ bộ vào đất liền và vẫn đang di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 13 giờ ngày 16/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 103,1 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ). Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, kết hợp với không khí lạnh, ở Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to. Gió mạnh trên vịnh Bắc Bộ còn duy trì; diễn biến mưa sau bão còn phức tạp, cần chú ý theo dõi các bản tin dự báo thời tiết và thời tiết nguy hiểm trên biển. |
Nguyễn Việt Nam
Lớp Truyền hình K31A1
Ảnh : Mỹ Linh – Văn Minh
Cùng chuyên mục
Bình luận