Đậm đà tương làng Dục Mỹ
(Sóng trẻ) - Đến với làng Dục Mỹ, xã Cao Xá (Lâm Thao, Phú Thọ) người ta không chỉ ấn tượng về vẻ đẹp của một vùng quê yên bình mà còn bị hấp dẫn bởi hương vị đặc trưng của món tương truyền thống lâu đời. Dọc theo con đường chính vào làng, ghé thăm một vài hộ dân làm nghề, sinh viên lớp Truyền hình K37A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có dịp tìm hiểu về món tương đặc biệt này sau chuyến đi thực tế chính trị nơi đây.
“Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương.”
Tương là món ăn dân dã và quen thuộc trong mỗi bữa cơm gia đình của người dân vùng quê Bắc Bộ, món ăn đậm vị quê hương này làm người ta không nguôi nỗi nhớ hướng về cội nguồn mỗi khi xa quê. Nằm bên con sông Hồng đỏ nặng phù sa, làng Dục Mỹ từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm tương truyền thống, bí quyết làm tương được truyền từ đời này qua đời khác, cùng bao thế hệ lớn lên, đến nay món tương nơi đây vẫn giữ đậm hương vị truyền thống xưa.
Những vại tương Dục Mỹ sánh vàng phơi dưới trời nắng
Để có được một bát tương thơm nn, đậm ngọt, sánh vàng trên mâm cơm, người làm tương phải bỏ ra rất nhiều thời gian và tâm huyết, qua nhiều giai đoạn, bắt đầu từ khâu chọn nguyên liệu đến khi thành phẩm. Nguyên liệu để làm tương Dục Mỹ hoàn toàn từ tự nhiên, chủ yếu do người dân tự sản xuất, bao gồm đỗ tương, gạo nếp cái hoa vàng, muối sạch và đặc biệt là nguồn nước ở làng Dục Mỹ đã tạo nên mùi vị rất riêng cho loại tương này. Anh Đỗ Hoàng Bẩy (làng Dục Mỹ, Cao xá, Lâm Thao, Phú Thọ) cho biết: “Do trời phú cho nguồn nước, chỉ có nước ở đây mới làm được loại tương này. Nước để làm tương là nước giếng khơi nhưng không phải giếng nào cũng làm được tương, chỉ một số giếng mới có thể làm được".
Anh Đỗ Hoàng Bẩy chia sẻ về quá trình làm tương Dục Mỹ
Loại tương này mang lại giá trị dinh dưỡng cao, không chứa chất bảo quản, phụ gia, đảm bảo sức khỏe và được làm hoàn toàn bởi các công đoạn thủ công. Trước tiên gạo được vo kĩ, ngâm rồi nấu thành xôi sao cho chín đều, sau đó rải ra nong cho lên mốc hoa hòe. Mốc này sẽ trộn cùng muối sạch rồi phơi tiếp trên những nong tre cho tới khi đạt độ khô tiêu chuẩn thì cất vào chum để dự trữ và ngả tương quanh năm ăn dần. Đỗ tương chọn hạt nhỏ đều, đãi sạch, cho vào rang vàng thơm, sảy bỏ vỏ rồi cho vào nồi đun sủi, để nguội, đổ vào vại sành, đem phơi nắng và hớt bọt hàng ngày cho đến khi bọt không còn sủi lên, vại lắng nước trong.
Bác Đỗ Hoàng Quân (nghệ nhân làng nghề tương Dục Mỹ) chia sẻ: “Hiện nay, khi mà có nhiều người làng theo nghề, sản lượng tương tăng thêm thì vấn đề chú trọng là phải đảm bảo chất lượng của tương. Làm tương phải thật thận trọng và tỉ mỉ, sạch sẽ trong từng khâu nấu gạo, ủ mốc, định lượng nồng độ mặn và phơi ra sao để tương được thơm ngọt, không bị nhiễm khuẩn mà vẫn giữ được hương vị thì đó là cả vấn đề, không hề đơn giản".
Bác Đỗ Hoàng Quân (nghệ nhân làng nghề làm tương Dục Mỹ)
Tương của làng Dục Mỹ phải được đựng trong vại sủi (vại sành già), mỏng, không có lớp tráng men để nước đỗ trong, sủi đều. Ngả tương là một ngày quan trọng, phải chọn vào lúc trời nắng to, nắng dài ngày và có gió Đông. Để làm nên một vại tương nn thì phải làm theo mùa gió, người dân Dục Mỹ thường chọn thời điểm làm tương từ tháng 4 đến tháng 7 để phơi mốc trong năm. Đậy nắp vại tương ủ khoảng 7 ngày, mỗi sáng lấy muỗng khuấy đều rồi đậy lên trên vại một lớp vải mỏng, phơi nắng ít nhất 3 tháng và được bảo quản hàng năm, tương để càng lâu thì càm đậm vị ngọt, thơm nn.
Tương được đóng chai và bày bán
Đặc sản tương truyền thống Dục Mỹ đang ngày càng khẳng định thương hiệu với chất lượng đảm bảo vệ sinh ATTP, hương vị thơm nn khác biệt đã nhận được sự tin dùng của người mua không chỉ thu hẹp trong phạm vi tỉnh thành mà còn được bày bán tại các tỉnh lân cận.
Thanh Mai
Cùng chuyên mục
Bình luận