Đăng thành tích của trẻ lên mạng xã hội: Nên hay không?

(Sóng Trẻ)- Những ngày cuối năm học, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh bảng điểm của học sinh được cha mẹ đăng tải. Nhưng bắt đầu từ ngày 1/6/2017, Luật Trẻ em có hiệu lực, việc phụ huynh đăng tải bảng điểm, giấy khen,… của con mình lên mạng xã hội có thể bị xử phạt. Quy định này góp phần tích cực bảo vệ trẻ em, tuy nhiên, nó vẫn gây ra không ít băn khoăn cho các bậc phụ huynh.

Cha mẹ đang chạy theo “thành tích”?

Có thể thấy, việc cha mẹ cung cấp hình ảnh cụ thể về kết quả học tập của con mà không được con đồng ý không phải là hiếm gặp, nhất là mỗi khi kết thúc học kỳ hay năm học. 

Từ 1/6, Luật Trẻ em có hiệu lực, theo đó, nếu trẻ từ 7 tuổi trở lên, cha mẹ cần hỏi ý kiến trẻ trước khi tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ; nếu trẻ chưa đủ 7 tuổi thì cha mẹ có quyền quyết định, nhưng phải xem xét dựa trên mục tiêu vì sự phát triển tốt nhất của trẻ.

Với không ít phụ huynh, bảng điểm đẹp của con là thành quả khiến bố mẹ vui mừng, muốn đăng lên mạng đơn giản để bộc lộ niềm tự hào cùng nhiều người. Nhưng đôi khi, điều này không những không khích lệ, động viên con cái mà còn tác động xấu đến đời sống tâm tư của trẻ. Những đứa trẻ khác sẽ cảm thấy bị áp lực và nhận áp lực từ bố mẹ khi không có thành tích như thế. Còn bản thân những đứa trẻ được khoe thì rất dễ bị bạn bè xa lánh hoặc cảm thấy áp lực trong những lần sau.

Cô Nguyễn Thị Hà (giáo viên ở Phú Thọ) cho biết cô không hài lòng khi thấy phụ huynh chia sẻ bảng điểm của học trò mình lên mạng xã hội:“Tôi không hài lòng khi phụ huynh cứ khoe hết giấy khen đến bảng điểm của học sinh lên mạng. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn tự tạo cho con một bảng điểm đẹp rồi đưa lên mạng”.

Những ngày gần đây, trên facebook, người ta chia sẻ cho nhau bức ảnh về một tấm giấy khen tự chế với dòng chú thích: “Năm thứ 2 liên tiếp thằng con không được nhà trường công nhận bé khoẻ, bé nan. Bố lại phải làm nhiệm vụ cao cả hơn nhà trường". Bức ảnh thú vị này ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của cộng đồng. Theo chia sẻ của chủ tài khoản, gia đình này hiện sinh sống ở Bắc Giang. Do thấy cậu bé tủi thân khi đi học mẫu giáo mà 2 năm liền không được giấy khen, gia đình đã làm như vậy để mang đến niềm vui cho bé. 

89f0d8653_anh_1.jpg
 
Bức ảnh ông bố tự làm giấy khen cho con gây nhiều tranh cãi.

Bên cạnh nhiều lời khen ông bố thật đáng yêu và sáng tạo, cũng có rất nhiều người cho rằng việc làm này là thiếu trung thực, không tốt cho sự phát triển của trẻ thậm chí có thể khiến đứa trẻ mắc "bệnh thành tích".

Trả lời phỏng vấn báo chí, PGS.TS.Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh Hà Nội cũng tán thành với Luật này. Theo ông, thực tế, nhiều phụ huynh không cần biết con học được thực sự những gì, chỉ thích chúng có thành tích để “khoe”. Cha mẹ không biết rằng, sau khi đăng có thể thông tin đó sẽ tác động tới đời sống sinh hoạt, tâm tư của trẻ.

Không chỉ ảnh hưởng đến tâm lí, việc đưa thông tin của con lên mạng xã hội cũng có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Mạng xã hội có sức lan tỏa rất lớn, chính vì vậy nó sẽ không an toàn khi cha mẹ đăng tải thông tin cá nhân: tên, tuổi, trường, lớp,… của con mình. Kẻ xấu có thể nhân cơ hội này đánh cắp thông tin, sử dụng vào mục đích xấu, mưu đồ bắt cóc, hãm hại trẻ.

Quy định còn nhiều điểm chưa thuyết phục

Trên thực tế, muốn xem xét hành vi này là đúng hay phạm luật cần căn cứ vào ba điều kiện cụ thể: Hành vi đó có được sự đồng ý của trẻ hay không? Thông tin đó có vi phạm đời tư của trẻ hay không? Và cuối cùng là hành vi đó có phải vì lợi ích tốt nhất của trẻ hay không?

Một số phụ huynh không hài lòng với Luật này vì cho rằng họ chia sẻ ảnh bảng điểm của con lên mạng xã hội không phải vì muốn “khoe” hay chạy theo thành tích. “Với tôi việc chia sẻ bảng điểm của con chỉ mang tính chất cho vui, chứ không phải tự hào hay vì gì cả. Tôi cũng chỉ chia sẻ một vài cột mốc mang tính thời điểm như hết cấp học, năm đầu tiên, hoặc có điều gì đó đặc biệt. Vì vậy, tôi không khó chịu với phụ huynh khác nếu khoe bảng điểm của con, thậm chí với những bảng điểm tốt tôi còn vào gửi lời chúc mừng tới họ” – Chị Nguyễn Thị Nhung (Vĩnh Phúc) bày tỏ.

Đặc biệt, trong thời gian này, nếu phát hiện những hành vi bị nghiêm cấm theo Luật thì cũng chưa thể xử lý ngay được mà mới đề nghị xử lý vi phạm hành chính theo hướng quy định phạt bao nhiêu, gỡ thông tin như thế nào. Chính vì vậy, quy định vẫn gây ra một số thắc mắc, băn khoăn đối với các phụ huynh. 

89f0d8653_anh_2.jpg
 
Hầu hết các chuyên gia tâm lí đều cho rằng không nên đăng những thông tin cá nhân của con như bảng điểm, giấy khen,… lên mạng xã hội.

Chị Ngô Thị Thu Hằng, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Mấy ngày nay tôi thấy các đồng nghiệp bàn tán về Luật cấm công khai thông tin cá nhân của các con. Tôi chưa có thời gian tìm hiểu sâu, tuy nhiên theo những gì tôi đọc trên báo chí thì không biết việc này nếu vi phạm sẽ xử lí như thế nào? Ai xử lí? Và ai theo dõi để xử lí? Liệu có trường hợp người này bị phạt nhưng người khác thì không không bởi vì mạng xã hội có đến hàng trăm nghìn người dùng!”.

Nhiều phụ huynh cũng cho rằng thực thi việc cấm đưa thông tin, hình ảnh cá nhân của trẻ em lên mạng xã hội là khó khả thi. Bởi lẽ, đây là quyền cá nhân của mỗi người, mỗi gia đình. Chị Thu Trang, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Tôi nghĩ việc đăng ảnh cá nhân của con cũng có mặt tích cực của nó. Ví dụ có những khoảnh khắc vui, hạnh phúc của gia đình hoặc những kỷ niệm thời thơ ấu của các cháu nhờ đăng hình ảnh, clip lên mạng xã hội, chúng tôi mới lưu giữ lại được để sau này có thể xem lại. Có những gia đình có người thân đi công tác xa hoặc ở nước nài rất mong muốn được nhìn thấy hình ảnh của con, cháu mình từng ngày lớn lên thế nào. Luật cấm này vẫn có những điểm chưa khả thi”.

Như vậy, Luật Trẻ em vẫn cần có những chỉnh sửa, bổ sung hợp lí hơn để có thể vừa bảo vệ trẻ, vừa khiến các phụ huynh không bị hoang mang. Bên cạnh đó, bản thân các bậc cha mẹ cũng nên có trách nhiệm khi đăng bất cứ hình ảnh nào liên quan tới đời tư của con. Bố mẹ cần phải cân nhắc liệu hành vi này có phải vì lợi ích tốt nhất của con hay không để tự bảo vệ con cái mình khỏi những mối hại khôn lường của mạng xã hội.

Hà Linh

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN