Diễn giả Tạ Duy Anh: “Khuyết tật lớn nhất không phải trên cơ thể mà là trong tâm hồn”
(Sóng trẻ) – Tạ Duy Anh là con trai độc nhất trong gia đình có người bố đã nhiều năm chiến đấu ở đất lửa Quảng Trị. Bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam, lúc mới sinh phải được chăm sóc trong tủ kính, anh tưởng như không thể sống nổi quá ba ngày. Nhưng đứa trẻ dị tật ngày ấy không những chiến thắng được số phận mà còn từng bước vươn lên, trở thành một diễn giả chuyên nghiệp, khao khát truyền nghị lực sống cho hàng ngàn người trẻ.
Gặp gỡ diễn giả Tạ Duy Anh, chúng tôi được lắng nghe anh chia sẻ thẳng thắn về những điều tưởng như rất khó nói thành lời.
Diễn giả Tạ Duy Anh
Không biết anh quan niệm như thế nào về giá trị cuộc sống?
- Nói về giá trị cuộc sống, tôi nghĩ quan trọng là sống có động lực. Động lực của cuộc sống lại là kết hợp từ ba điều: hành động, năng lực và cách sống. Ghép ba chữ thứ hai ở ba cặp từ trên sẽ ra “động lực sống”.
Về hành động: Bạn muốn thành công, muốn giàu sang, muốn vinh quang… - dù là điều gì thì cũng không thể dừng lại ở mong muốn mà phải biết biến nó thành hiện thực thông qua hành động. Bởi vì chỉ có hành động mới được thành công, chỉ có hành động mới được trả công.
Về năng lực: Chúng ta luôn muốn làm rất nhiều việc, đặc biệt là các bạn trẻ. Vậy nên phải có năng lực. Đó là cái còn thiếu khi ta có tất cả và là cái còn lại khi ta mất hết. Có năng lực thì ở đâu ta cũng sống được, ở đâu ta cũng trưởng thành được.
Trong những lần đi diễn giảng, kỷ niệm nào làm anh khó quên nhất?
- Có lẽ là lần tôi đi diễn giảng ở nhà thi đấu Rạch Miễu (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) do trường THPT Nguyễn Tất Thành tổ chức. Sau khi tôi kết thúc phần diễn giảng và nhận được những tiếng vỗ tay của các bạn sinh viên, có một bạn nữ chạy lên nhét một tờ giấy vào túi áo và ôm tôi khóc. Sau khi về tôi bỏ tờ giấy đó ra đọc, trong tờ giấy đó cô gái viết: “Cảm ơn anh. Nhờ bài giảng về động lực sống của anh mà em đã từ bỏ ý định tự tử vào ngày mai. Cảm ơn anh, cảm ơn chương trình đã giúp em thay đổi suy nghĩ ngu dốt đó”.
Trong mỗi buổi diễn giảng anh đều dành thời gian tổ chức các trò chơi. Mục đích của anh khi đưa các trò chơi vào bài giảng là gì?
- Các trò chơi đưa vào mang tính đồng đội cao để giúp các bạn học viên gắn kết với nhau, tương tác, kết nổi tinh thần đồng đội. Sự gắn kết giữa người với người đang dần mất đi vì trong xã hội phát triển người ta có xu hướng chỉ chăm chú lên mạng, nghịch smartphone mà thiếu đi sự kết nối.
Anh có nhận xét gì về một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay thiếu định hướng, mất niềm tin vào cuộc sống, dễ bị kích động?
- Giới trẻ Việt Nam bây giờ thừa mong muốn nhưng lại thiếu hành động. Các bạn bị trì hoãn, sống cuộc sống để mai tính và thiếu định hướng. Nhiều khi do áp lực quá cao trong cuộc sống nên dễ bị kích động.
Tạ Duy Anh: “Khuyết tật lớn nhất không phải trên cơ thể mà là trong tâm hồn”
Anh nghĩ thế nào về việc giới trẻ bây giờ lười lao động mà lại thích hưởng thụ?
- Đây được gọi là tính ì. Giới trẻ có rất nhiều người lười lao động, thích ăn sẵn, có thói quen há miệng chờ sung, làm ít mà lại đòi hỏi lương cao. Tình trạng này rất nhiều trong xã hội.
Vậy anh có thấy giới trẻ mắc “bệnh” này nhiều không?
- Hầu như tất cả người trẻ đều mắc.
Đâu là cách anh thực hiện để tạo được cảm hứng cho giới trẻ, giúp họ vươn lên trong cuộc sống?
- Tôi lấy chính những bài học và trải nghiệm cuộc đời mình để chia sẻ lại cho các bạn. Nghĩa là tác động vào tâm lý của mọi người, rút ra điều tích cực từ những vấp ngã của họ để thúc đẩy họ có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Ví dụ đối với một người khuyết tật mất tay, tôi sẽ nói em không có tay nhưng em vẫn có chân để đi, vẫn có thể viết, vẫn có thể làm việc bằng chính đôi chân của mình.
Khuyết tật lớn nhất không phải trên cơ thể mà là trong tâm hồn. Tuy tôi không có sức khỏe tốt nhưng tôi có điểm tựa gia đình vừng chắc và bạn bè. Đó cũng là nguồn động viên về sự tự tin để tôi luôn phấn đấu hoàn thiện bản thân, thay đổi cuộc sống, hướng tới một tương lai tốt đẹp.
Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện ý nghĩa!
Tạ Duy Anh (sinh năm 1990, Hà Nội) còn được gọi là Nick Vujicic của Việt Nam. Do ảnh hưởng của chất độc màu da cam từ người bố đã nhiều năm chiến đấu ở đất lửa Quảng Trị nên anh có khiếm khuyết về hình thể từ lúc mới sinh. Vì sinh non nên anh chỉ nặng 1,1 kg, phải nuôi trong tủ kính. Các bác sĩ nói anh không sống nổi quá ba ngày. Xót con, ông bà Dũng tìm mọi cách để duy trì sự sống cho Duy Anh. Vượt xa tưởng tượng của mọi người, cậu bé dị tật Tạ Duy Anh đã từng bước vượt qua nguy hiểm để vươn lên từng ngày. Suốt những tháng ngày thơ ấu Duy Anh luôn phải chịu những ánh mắt kỳ thị của bạn bè cùng trang lứa, bị trêu chọc là “măng cụt”, bàn tay phải của anh bị gọi là “bạch tuộc”… Khi đi học, anh luôn phải ngồi bàn cuối, không có một người bạn thực sự nào. Anh hay lên căn gác xép của gia đình để khóc, không có bạn bè, không biết chia sẻ cùng ai và đã ba lần anh nghĩ tới cái chết. Thế nhưng, khi nghĩ tới bố mẹ đã phải vất vả đi làm để nuôi nấng, chăm sóc mình từng ngày thì ý định tự tử không còn nữa. Năm học lớp 9 do áp lực từ sự kỳ thị của bạn bè, anh đã quyết định xin phép gia đình nghỉ học để có thể tự đi làm nuôi sống bản thân, đỡ đần bố mẹ. Nghị lực của Duy Anh đã được đền đáp sau một khóa học kỹ năng sống ở trung tâm Tâm Việt. Anh được trung tâm mời ở lại làm trợ giảng. Trong thời gian bốn năm ở Tâm Việt, Tạ Duy Anh đã chăm chỉ học tập và trở thành giảng viên chính, luôn mong muốn truyền nghị lực sống mạnh mẽ của mình cho thật nhiều người trẻ. Ngày 27/3/2011, Duy Anh cùng một số người bạn đã quyết định thành lập trung tâm Bồ Công Anh Group (Hà Nội) để tiếp tục công việc tâm huyết của mình - giảng dạy kỹ năng sống và tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các học viên. |
Nguyễn Phương, Hồng Thành (thực hiện)
Ảnh: NVCC
Cùng chuyên mục
Bình luận