Đồng Mô - Một vùng đất 54 sắc màu dân tộc
(Sóng trẻ) - Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam tọa lạc trên một vùng đất có diện tích 1.544 ha tại Đồng Mô (Ngải Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Khởi công xây dựng vào năm 2003 nhằm mục đích chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, nơi đây không chỉ hội tụ sắc màu đa dạng của 54 dân tộc anh em mà còn lưu giữ, bảo tồn những tinh hoa văn hóa mang nét đẹp truyền thống đầy đặc sắc của Việt Nam.
Làng bao gồm 6 khu chức năng tái hiện không gian và cảnh quan đặc sắc của các làng dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ dựng nước, giữ nước. Đồng thời nơi đây cũng tái hiện lại một số di sản văn hóa thế giới nổi tiếng thuộc các thời đại và là trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, khu dịch vụ du lịch…
Chùa Khmer – Làng Văn hóa các Dân tộc
Chùa Khmer – Mang kiến trúc đặc trưng nhất của các ngôi chùa Khmer Nam Bộ như: mái lợp ngói vẩy cá, hô trang trên mái, các ngọn tháp, hay mái vòm, tượng, họa tiết trang trí hoa lá, các vị thần có ảnh hưởng đến đời sống con người. Điểm nhấn của chùa là các bức phù điêu mang theo những câu chuyện của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Nhà dài của đồng báo Ê-đê – Làng Văn hóa các Dân tộc
Nhà dài của đồng báo Ê-đê – nhà sàn dài, mái dốc làm bằng tranh; sớn mái làm bằng tre, nứa; nơi sinh sống của một hoặc nhiều hộ gia đình thuộc nhiều thế hệ trong dòng họ. Nhà dài Ê-đê luôn luôn có hai cầu thang ở hai khu hồi, cầu thang chính dành chon nam, cầu thang phụ dành cho nữ.
Nhà của người Lự - Làng Văn hóa các Dân tộc
Làng của người Lự nằm bên sườn đồi. Các nhà đều nhìn xuống cánh đồng, quay lưng vào núi, mỗi bản đều có đất trồng trọt, chăn nuôi và khu rừng để nuôi thả gia súc, lấy gỗ làm nhà. Với diện tích 81.29m2, nhà người Lự tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có hai mái lợp bằng gianh, mái phía sau, phía trước kéo dài xuống che kín hàng hiên sàn, đồng thời che cầu thang lên xuống. Nhà người Lự chỉ có một cửa, luôn hướng về phía Tây Bắc, mái hai đầu hồi khá dốc.
Nhà của người Hmong – Làng Văn hóa các Dân tộc
Người Hmong sống ở rẻo cao, tùy vào điều kiện canh tác, thế đất sẽ xây nhà đất máu ngói hay mái hình mai rùa. Đây là nhà đất mái ngói của người Hmong là nhà 3 gian, được làm vững chắc vì dùng mộng, lợp ngói âm dương hoặc ván gỗ xẻ. Trong nhà ở, gian hồi bên phải có cửa phụ ở đầu hồi để thông ra bên nài.
Nhà Rông của dân tộc Gia Rai – Làng Văn hóa các Dân tộc
Nhà Rông của dân tộc Gia Rai, đây là không gian sinh hoạt cộng đồng của đồng bào, nơi diễn ra các lễ hội lớn, nơi đón tiếp khách quý, nơi phân xử các vụ kiện tụng… Chạy dọc mái nhà là một dải trang trí các hình tam giác với ba màu xanh, đỏ, đen. Hình tượng mặt trời đựơc đặt ở chính giữa mái nhà thể hiện sự trù phú của núi rừng và tình yêu thiên nhiên vũ trụ của đồng bào Gia Rai. Mái nhà Rông giống như một lưỡi rìu khổng lồ vươn lên bầu trời, thể hiện tinh thần thượng võ của đồng bào Tây Nguyên nói chung, đồng bào Gia Rai nói riêng.
Nhà của dân tộc Phù Lác – Làng Văn hóa các Dân tộc
Nhà của dân tộc Phù Lác có hai loại: nhà đất (bên trái), nhà sàn (bên phải) được xây trên cao, với thiết kế đơn giản. Cửa mở của nhà đất thường ở phía trước chính gian giữa. Tường trình vẫn là chủ yếu và tường chịu lực là chính, nếu có thêm cột chỉ là cột phụ ở bên nài tường. Đối với nhà sàn: trong nhà, hai gian bên phải và bên trái để trống. Ở gian giữa, về phía trước giáp vách là chạn bát, giữa nhà là bếp. Trên sàn nài nhà bên trái đặt cối giã gạo chày tay. Bàn thờ giáp vách hậu của gian thứ ba về bên trái.
Nhà sàn của dân tộc Nùng – Làng Văn hóa các Dân tộc
Nhà ở của dân tộc Nùng là nhà sàn. Đây là loại kiến trúc cổ truyền của đồng bào Nùng, xung quanh nhà bưng bằng ván mỏng, mặt trước nhà có hiên rộng và lan can, đầu hồi bên trái có hiên. Nhà không có cửa sổ, nhưng có bốn cửa ra vào, ba cửa ở mặt trước nhà và một cửa ở đầu hồi bên phải.
Mô hình tháp Chăm – Làng Văn hóa các Dân tộc
Mô hình tháp Chăm được khởi công từ ngày 19/3/2008 đến 23/11/2012, toàn bộ vật liệu được vận chuyển từ Ninh Thuận, Bình Thuận ra. Tháp của người Chăm mỗi năm được mở cửa đúng một lần vào ngày lễ hội KaTê - tết của người Chăm.
Nhà ở của dân tộc Sán Chay – Làng Văn hóa các Dân tộc
Ngôi nhà ở đặc trưng của dân tộc Sán Chay khá lạ về tổ chức không gian cũng như hình thức mặt bằng. Được coi là nhà điển hình của dân tộc Sán Chay, ngôi nhà sàn của người Sán Chay có mái lợp gianh hoặc lá tre, tường chắn xung quanh bằng tre, luồng đan với nhau. Người Sán Chay cho rằng ngôi nhà sàn nơi họ ở mang biểu tượng "Trâu thần". Theo sự phân loại của người Cao Lan (một trong những nhóm Sán Chay) có hai kiểu nhà sàn là “nhà trâu đực” và “nhà trâu cái”. Tiêu chí để phân biệt hai kiểu nhà này chủ yếu dựa vào kết cấu của vì kèo.
Nhà Rông của người Ba Na – Làng Văn hóa các Dân tộc
Nhà Rông Ba Na là nhà 3 gian. Hai cạnh dài của nhà hình vòng cung, mái hình lưỡi rìu, sống mái hơi khum, có 4 mái khép lại. Độ dốc mái rất lớn, đỉnh mái được trang trí sừng trâu, cùng các hoa văn họa tiết hình mặt trời, lá cây...
Để bảo đảm được không gian sống cho Làng Văn hóa, Ban quản lý cùng với các ban ngành, đơn vị liên quan đã nghiên cứu, tham khảo, chọn lọc mô hình Làng Văn hóa các dân tộc của một số nước, đồng thời kết hợp với các chuyến đi thực tế các buôn làng, ghi chép lại kiến trúc và văn hóa truyền thống, lập dự án mang đến từng địa phương. Làng tái hiện một cách ước lệ đời sống văn hóa các dân tộc, gắn kết chặt chẽ với hoạt động du lịch bằng việc xây dựng quần thể các khu phục vụ khách du lịch. Đồng thời qua hoạt động của Làng Văn hóa sẽ góp phần bảo tồn, quảng bá văn hóa 54 dân tộc Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Đặng Tâm – Triệu Tá – Nguyễn Tuyết – Lương Hương – Báo Mạng Điện Tử K34
Cùng chuyên mục
Bình luận