“Dòng sông chết Bắc Hưng Hải” ở Hưng Yên và sự thờ ơ của chính quyền địa phương
(Sóng trẻ)- Dòng sông Bắc Hưng Hải là một dòng sông xưa kia đã đi vào biết bao câu hát, câu thơ của những người con phố Hiến đất Nhãn. Thế nhưng, đã nhiều năm nay, dòng sông đã không còn là chính nó. Nước sông đen ngầu, nổi váng, bốc mùi hôi thối đã gần 7 năm nay khiến cho người dân xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang đã bao lần kêu cứu, nhưng nhận lại chỉ là sự thờ ơ của chính quyền địa phương.
Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải là dòng sông có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 135.000 ha và tiêu úng cho 185.000ha đất canh tác thuộc các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và một phần của Hà Nôi. Tuy nhiên, vì sự thiếu trách nhiệm và sự giám sát hời hợt của cơ quan, chính quyền địa phương nên con sông bị rất nhiều nguồn nước thải chưa qua xử lí thải xuống khiến ô nhiễm nặng nề.
Đó là một dòng sông đã chết
Người dân xã Nghĩa Trụ lần nào hỏi về con sông Bắc Hưng Hải cũng nhăn mặt, lắc đầu. Và không ai hết họ chính là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự ô nhiễm của con sông. Được biết, 7 năm trở lại đây, con sông vẫn khá là trong sạch, người dân vẫn có thể bắt cá, sinh hoạt bên con sông. Tuy nhiên, cho đến ngày nay thì nó đã quá ô nhiễm, bốc mùi hôi thối khó chịu, váng nổi lềnh bềnh và không ai có thể đi qua con sông mà không phải thốt lên rằng : “Thật kinh khủng”.
Cận cạnh con sông ô nhiễm nặng nề
Anh Hồ Văn Đức, người dân xã Nghĩa Trụ chia sẻ: “ Nhà mình cách sông mấy trăm mét,.. hồi lớp 4,5 toàn ra sông tắm, hồi ấy nước sạch chứ không đến nỗi như bây giờ, bây giờ cho tiền cũng chả giám rửa chân chứ đừng nói là tắm.”
Và trong khi đó, người dân hai xã Nghĩa Trụ ( huyện Văn Giang) và Trưng Trắc ( huyện Văn Lâm) sống dọc hai ven bờ sông Bắc Hưng Hải cho biết họ không dám mở của vì mùi hôi thối bốc lên từ dòng sông. Dòng sông đen ngòm, không một loại cá tôm nào có thể sống được, dòng nước sông dẫn đến các kênh mương cung cấp nước cho trồng lúa nước cũng bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí còn chết cả ruộng lúa.
Hệ thống kênh mương từ con sông cũng đen ngòm, hôi thối
Người dân khổ sở “kêu cứu”
Người dân sống chung con sông cũng lo sợ trước tình hình nước sông càng ngày càng ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt đời thường. Cũng mấy năm trở lại đây, tình trạng viêm đường hô hấp và ung thư cũng tăng lên khá nhiều ở hai xã Nghĩa Trụ và Trưng Trắc, trẻ nhỏ là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng sức khỏe nhất.
Chị Đặng Thị Hồng - người dân sống cạnh con sông cũng nhăn mặt: “ Nước sông thế này thì khổ dân lắm, đen ngòm, hôi thôi. Mùa này còn đỡ, đến mùa hè không thể chịu đựng nổi, quá kinh khủng.”
Anh Nguyễn Đức Hào, 35 tuổi sống tại xã Vĩnh Khúc cạnh con sông chia sẻ: “ Nhà mình ngay cạnh con sông Bắc Hưng Hải thật sự là nó ô nhiễm quá mức rồi mà không thấy cơ quan chức năng nào vào cuộc xử lý. Quá thất vọng về chính quyền.
Con sông đen ngòm, hôi thối
Người dân không dám lấy nước tưới rau, hoa màu, sống cạnh sông không dám mở cửa vì mùi quá hôi thối. Đã hơn 3 năm nay người dân kêu cứu chính quyền, phẫn nộ trước những hành vi xả thải của những xí nghiệp xung quanh nhưng tất cả đều là vô nghĩa.
Người dân kêu la về sông trên mạng xã hội
Chị Nguyễn Thị Chi lắc đầu về con sông: “ Người dân kêu mấy năm trời rồi, có tín hiệu gì đâu, thỉnh thoảng có mấy người về lấy mẫu sông để khảo sát gì đấy, hỏi thì ậm ậm ừ ừ, thế mà hơn 1 năm cũng chả có gì, chúng tôi rất bất lực”.
Trạm bơm thủy lợi xã Vĩnh Khúc khi nước bơm lên máng cung cấp nước cho ruộng thì sủi bọt trắng xóa
Khi được hỏi về nguyên nhân gây ra tình trạng trên, người dân sống quanh con sông cũng đưa ra được khá nhiều lý do. Anh Văn Như Cương cho rằng : “Nguyên nhân là do sông Cầu Bây (bắt đầu từ khu vực Long Biên) có nhiều khu dân cư/nhà máy công nghiệp xả thải trực tiếp nước của nó ra sông Bắc Hưng Hải( cống Xuân Thụy) nên sông Bắc Hưng Hải mới bị ô nhiễm”. Người khác lại cho rằng chủ yếu từ mấy Công ty bên Hà Nội gần đó xả thải trái phép, rồi cả Khu công nghiệp Tân Quang cũng góp phần.
Theo ông Nguyễn Tiến Thiệp – phó chủ tịch xã Trưng Trắc, cho rằng :” Hiện tượng ô nhiễm này chủ yếu do các khu công nghiệp từ phía đầu nguồn xả thải, còn có các công ty địa phương có thải nhưng chỉ một phần”.
Trạm bơm cạnh con sông đen ngòm
Con sông ô nhiễm đến mức đáng sợ
“Cha chung” không ai khóc, chính quyền dịa phương làm gì?
Điều đáng nói là khi người dân đã kêu than hàng mấy năm trời nhưng chính quyền địa phương vẫn đưa ra những lý do trì hoãn việc cải tạo con sông, thậm chí thờ ơ, không quan tâm. Khi có những doanh nghiệp xả thải trực tiếp ra sông nhưng vẫn không động chạm gì đến. Đó còn chưa nhắc đến một số vấn đề tiêu cực mà người dân cho hay. Trong khi đó sức khỏe người dân đang bị ảnh hưởng từng giờ từng ngày, người dân mong chính quyền các cấp vào cuộc nhưng vẫn vô vọng. Không thể phủ định rằng vẫn có những cán bộ thật sự muốn vào cuộc, nhưng một cây non không thể tạo thành rừng, và từ đó, họ cũng bất lực không thể làm gì.
Khi nhân dân đòi hỏi công bằng thì cán bộ im lặng? Khiến dân bức xúc, khiến dân đau buồn trước cảnh sống thực tại khi phải sống cùng “con sông chết”. Kêu than nhiều, than mãi nhưng cũng không có kết quả. Không chỉ riêng ở Hưng Yên, mà ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam này, không có việc gì dân nhờ, dân than chính quyền vào việc mà không mất hàng năm trời, nhất là những việc “cha chung không ai khóc” này.
Hiện nay Báo Hưng Yên cũng đã kêu gọi mong nhận được sự hỗ trợ hợp tác từ những cơ quan báo đài trong và nài tỉnh cùng chung tay để tác động mạnh đến chính quyền, các cơ quan chức năng vào cuộc. Từ đó nhằm cải tạo con sông, bảo vệ môi trường sống của người dân.
Huyền Vũ
Báo chí K36.7
Cùng chuyên mục
Bình luận