Du khách đổ về Thủ đô tham dự lễ hội Gò Đống Đa năm 2025
(Sóng trẻ) - Sáng mùng 5 Tết Ất Tỵ, hàng nghìn người dự hội Gò Đống Đa nhân kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2025).
Hằng năm, vào ngày mồng 5 Tết, Di tích gò Đống Đa tổ chức lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789) nhằm tri ân công lao của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng các tướng lĩnh nghĩa quân Tây Sơn trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc.
Trong khuôn khổ lễ hội gò Đống Đa, hàng loạt hoạt động được tổ chức. Từ 6 giờ - 8 giờ sáng tổ chức lễ dâng hương, tế lễ của các đoàn tế lễ phường Trung Liệt (quận Đống Đa) và các đoàn tế lễ địa phương. Sau đó, người dân và du khách sẽ được chiêm ngưỡng các màn trình diễn múa Lân, múa Rồng; đồng diễn thể thao; biểu diễn võ thuật Bình Định Gia; hội thi cờ Tướng, cờ người; viết chữ thư pháp, giới thiệu nghệ thuật truyền thống.
Năm 1788, Nguyễn Huệ làm lễ tế cáo trời đất, lên ngôi Hoàng đế tại Phú Xuân, lấy hiệu là Quang Trung và tiến quân ra Bắc. Ông đưa ra lời hiệu triệu thể hiện ý chí độc lập tự chủ cao độ và tinh thần quyết tâm tiêu diệt kẻ thù xâm lăng: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.
Đêm 25/01/1789 (đêm 30 Tết), đạo hùng binh của Quang Trung mở cuộc tiến công hạ đồn Gián Khẩu (Ninh Bình), 3 ngày sau bao vây đồn Hà Hồi (Thường Tín, Hà Tây), quân Thanh hoảng sợ phải đầu hàng. Đến mờ sáng mồng 5 tết Kỷ Dậu (ngày 30/01/1789), quân Tây Sơn mở cuộc tổng kích vào đồn Ngọc Hồi, đạo quân thứ hai bất ngờ tiến công mãnh liệt vào đồn Đống Đa. Quân Thanh đang mải vui chơi tiệc tùng, bỗng nhiên quân Tây Sơn "như từ trên trời rơi xuống", tướng Tây Sơn "như từ dưới đất chui lên" khiến quân địch hốt hoảng khiếp sợ, người không kịp mặc áo giáp, kẻ không kịp đóng yên ngựa, tranh nhau tháo chạy tán loạn. Tướng giặc là Sầm Nghi Đống thắt cổ tự tử ở Đống Đa; Hứa Thế Hanh và Thượng Duy Thăng bị giết chết; còn chủ tướng Tôn Sỹ Nghị và đám tay chân phải cuốn gói chạy về nước.
Tự hào khi là người con của quận Đống Đa, nơi vua Quang Trung chỉ huỷ nghĩa quân Tây Sơn đánh đổ quân Thanh hùng mạnh, ông Trần Ngọc Hằng cho biết: "Hằng năm, gia đình tôi đều đến tham gia lễ hội Gò Đống Đa. Ngoài ra, hàng tháng nếu có thời gian, tôi đều đến thắp hương lễ Hoàng đế Quang Trung để bày tỏ lòng biết ơn của mình và cầu sức khoẻ, bình an cho gia đình".
Anh Nguyễn Minh Hưng ( quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: "Hôm nay, tôi đưa con đến đây để tìm hiểu thêm truyền thống lịch sử văn hoá của dân tộc ta. Đặc biệt, trên trường con đang học về vua Quang Trung nên tôi cũng mong muốn con có thể trực tiếp tìm hiểu thông qua các hiện vật và không gian thực tế".
Đặc biệt năm 2025, lễ khai mạc hội Gò Đống Đa sẽ diễn ra vào buổi tối (2/2). Người dân và du khách sẽ được trải nghiệm đứng trên chiến thuyền trong trận chiến Rạch Gầm Xoài Mút, cùng hân hoan trong khúc khải hoàn của nhân dân Thăng Long vào mùa Xuân Kỷ Dậu năm 1789, thông qua chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Đống Đa – Sử vàng lưu danh – Tương lai vững bước”.
Đây là chương trình nghệ thuật đặc sắc, được làm theo hình thức bán thực cảnh kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại. Nội dung chương trình kể câu chuyện lịch sử theo cách thức hiện đại và mới mẻ với các chương hồi, cảnh diễn nối tiếp, được biến chuyển tinh tế bằng kỹ xảo, âm nhạc hấp dẫn và đa dạng hình thức thể hiện như: ca hát, xiếc, múa, đồng diễn trống.
Ngày 3/2 và 4/2 lễ hội Gò Đống Đa sẽ có lịch trình như sau: - Từ 7h - 22h thực hiện các nghi thức tế lễ, dâng hương và các hoạt động tín ngưỡng truyền thống, trò chơi dân gian, viết chữ thư pháp... - Từ 8h - 11h tổ chức chương trình nghệ thuật quần chúng. - Từ 20h - 22h chương trình nghệ thuật Sắc xuân (3/2) và Trảy hội Xuân (4/2). |