Gian nan cảnh nhồi nhét trên xe, chen chúc nài bế
(Sóng trẻ) – Cận Tết, theo phản ánh của nhiều hành khách, vẫn xảy ra tình trạng xe khách nhồi nhét, chặt chém giá. Nhiều xe ngang nhiên chèo kéo, bắt khách nài bến, gây nên tình trang giao thông hỗn loạn tại các khu vực bến xe.
Ngày 20/1 (tức 26 Tết), PV có mặt tại cổng ra của các bến xe: Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình,…, ghi nhận cảnh hàng nghìn người chen chúc, “tay xách nách mang” chuẩn bị về quê đón Tết. Bên trong sân đỗ, những chiếc xe lần lượt nối đuôi nhau rời bến.
Hàng nghìn người đổ ra bến xe để về quê những ngày Tết
Tình trang bắt khách dọc đường, chèo kéo, dừng đỗ nài bến diễn ra ngang nhiên, gây tắc đường, ảnh hưởng đến việc di chuyển của các phương tiện lưu thông trong khu vực này. Bên cạnh đó, nhiều nhà xe còn chào mời khách ở ngay cổng bến xe. Trong khi, theo quy định, hành khách vào bến phải ra quầy mua vé rồi mới lên xe song hầu hết các khách đều được các “lơ xe” chèo kéo từ cổng, lên xe ngồi sẵn, đưa vào bến rồi mới thu tiền sau.
Xe khách bắt khách dọc đường gây mất an toàn giao thông
Theo phản ánh của chị T. (Nghệ An), có những xe thuê người ngồi kín để tạo niềm tin cho khách là xe đã đủ người và sẽ đi thẳng một mạch về không bắt khách, nhưng cứ mỗi lượt khách lên là 1 người được thuê trên xe lại xuống, nếu đủ khách thì xe đi, còn không đủ thì chỉ một đoạn là quay lại lòng vòng đón khách hoặc “mua khách”, “bán khách” ghép xe.
Chu trình thu tiền sẽ được bắt đầu khi xe rời khỏi địa bàn Hà Nội. Lúc đó, “lơ xe” mới tiến hành “chọn mặt thu tiền” tức là nhìn mặt khách mà hét giá. Sinh viên và công chức dễ bị hét giá cao hơn từ 10.000 – 20.000 đồng. Nếu khách nào không chịu sẽ bị cho xuống xe nhưng phải trả tiền quá giang như xe buýt khoảng 15.000 – 20.000 đồng. Vì những lúc này thường là đang ở trên đường cao tốc và giá quá giang quá cao nên nhiều khách đành ngậm ngùi chấp nhận giá chủ xe đưa ra rồi đi tiếp.
Chị H (khách đi Hà Nam) bức xúc chia sẻ: “Cảm giác gống như mình bị lừa vậy ấy. Giá vé bình thường về chỗ tôi chỉ khoảng 60.000 đồng, mà hôm nay tăng lên đến 100.000 đồng, thế là gần gấp đôi rồi. Mà nhà xe đâu có báo trước ngay từ đầu là giá vé sẽ như thế đâu, chờ lên đường cao tốc rồi mới báo thì lúc ấy xuống làm sao được nữa. Biết trước giá vé là 100.000 đồng tôi đã chẳng đi xe khách mà chọn xe dịch vụ rồi”.
Giá vé được đẩy lên đến mức “trên trời” như thế nhưng hành khách cũng không được ngồi trên xe thoải mái trên con đường về quê. Chị V (khách đi Phú Thọ) cho biết: “Mình đã cẩn thận ra tận bến để lên ghế trước ngồi cho thoải mái rộng rãi, ấy thế mà đi đến Phúc Yên là bị nhét 3 – 4 người ngồi trên một băng ghế, chưa kể còn xếp ghế nhựa ngay lối đi, khiến xe chật như nêm. Ai muốn xuống cũng phải len dần ra cửa từ cách đấy cả chục cây số”.
“Đi xe giường nằm nhưng không được nằm vì khách quá nhiều, chật cứng cả xe. Đến ngồi im còn khó chịu. “Lơ xe” thu tiền vé phải đi lên 2 mép giường vì nếu đặt chân xuống đất là giẫm lên người khác ngay. Đúng là không gì khổ bằng ngày Tết”, chị T (khách đi Sơn La) chia sẻ.
Phương Thảo
Quyết liệt xử lí Theo thông tin từ Sở GTVT Hà Nội, liên ngành Công an – GTVT Hà Nội sẽ huy động tối đa các lực lượng như Công an thành phố; Công an quận, huyện; Thanh tra giao thông;… ra quân tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm của xe khách, kiểm soát hoạt động của xe khách tại các bến xe nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết nguyên đán Canh Tý. Theo Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thì mức phạt cho hành vi này có thể lên đến 40.000.000 đồng. Cụ thể, tại Khoản 2 và Khoản 4, Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định mức xử phạt đối với người điều khiển ô tô chở hành khách, ô tô chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ nêu rõ: Khoản 2: Phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40.000.000 đồng đối với người điều khiển ô tô chở hành khách, ô tô chở người (trừ xe buýt) thực hiện hành vi vi phạm. Khoản 4: Phạt tiền từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách chạy tuyến có cự ly lớn hơn 300 km. Nài ra, cũng có chế tài cụ thể trong việc xử lý hành vi tự ý tăng giá vé, “bắt” khách dọc đường gây mất trật tự an toàn giao thông. Hiểu biết pháp luật, người dân có thể an tâm về quê đón Tết bên người thân một cách vui vẻ, thoải mái nhất. |
Cùng chuyên mục
Bình luận