Giáo viên thế hệ trước với áp lực trong thời chuyển đổi số giáo dục
(Sóng trẻ) – Chuyển đổi số trong giáo dục là xu thế tất yếu. Tuy nhiên đây vẫn là thách thức lớn đối với giáo viên thế hệ trước trong công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay.
Chuyển đổi theo xu thế
Ngành giáo dục Việt Nam đã và đang tích cực áp dụng công nghệ vào trong các hoạt động giảng dạy trên các cơ sở. Chuyển đổi số giáo dục cũng đang là một trong những mô hình được quan tâm hàng đầu hiện nay, đặc biệt là sau hai năm đại dịch COVID-19 “càn quét” và ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, xã hội.
Trên cơ sở đó, đòi hỏi người giáo viên phải tự trau dồi kiến thức, đồng thời cũng cần có khả năng vận dụng linh hoạt công nghệ thông tin, sẵn sàng thích ứng với việc truyền tải kiến thức trên các thiết bị công nghệ.
Tuy nhiên, đối với đội ngũ giảng dạy, nhất là đối với thế hệ giáo viên có thâm niên lâu năm, chuyển đổi số trong giáo dục vô hình trung tạo nên nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình giảng dạy.
Những “mái đầu bạc” chật vật thích ứng
Chia sẻ về những khó khăn gặp phải trong quá trình chuyển đổi số giáo dục, cô Nguyễn Thị Thạch (47 tuổi) – Giáo viên tại trường Tiểu học Xuân Minh (Thanh Hóa) thừa nhận đối với các giáo viên lớn tuổi, việc sử dụng công nghệ không thể nhanh nhạy như các đồng nghiệp trẻ.
“Tiếp cận với công nghệ ở tuổi này khá khó khăn đối với chúng tôi, nhiều lúc phải tự mày mò học thêm cách sử dụng các phần mềm dạy học hay thiết kế. Giờ giáo viên phải 'vừa dạy, vừa học' mới có thể truyền đạt kiến thức cho học sinh một cách hiệu quả nhất”, cô Thạch cho biết.
Tương tự, cô Lê Thị Hoài Thu (42 tuổi) – Giáo viên bộ môn Hóa tại trường THPT Lê Hoàn (Thanh Hóa) cho biết việc áp dụng công nghệ vào buổi học khá khó khăn, nhiều khi giáo viên phải nhờ học sinh để có thể điều khiển các thiết bị công nghệ.
“Trong thời kỳ đại dịch COVID-19 diễn ra, phương thức dạy học online là phương án duy nhất. Ban đầu gặp rất nhiều những khó khăn, bất cập. Tôi gần như không biết gì về máy tính hay các ứng dụng cả, đành phải nhờ các bạn học sinh hướng dẫn”, cô Thu cho hay.
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn ban đầu, cô Thu cũng khẳng định việc áp dụng công nghệ vào bài giảng khiến việc tiếp thu kiến thức của học sinh trở nên hiệu quả hơn, dù cho đại dịch đã kết thúc.
“Tôi tự học thêm thiết kế bài giảng cách ngắn gọn, áp dụng công nghệ để bài giảng sinh động hơn. Giờ thì tôi đã tự tin hơn vì vượt qua được rào cản về công nghệ. Hơn nữa, các bài giảng này cũng khiến các bạn học sinh thích thú và nhớ bài tốt hơn” - cô Thu cho biết thêm.