Giới trẻ hổng kiến thức giới tính và sức khỏe sinh sả
(Sóng trẻ) - Giáo dục giới tính có vai trò hết sức quan trọng, nó ảnh hưởng tới hạnh phúc con người và gia đình. Độ tuổi vị thành niên và thanh niên chiếm 1/3 số ca nạo phá thai khiến nhiều người không khỏi giật mình. Đó là hệ quả nghiêm trọng của việc thiếu kiến thức giới tính, kiến thức sức khỏe sinh sản ở một bộ phận trẻ vị thành niên và thanh niên
Nên hay không nên “vẽ đường cho Huơu chạy”
Phải khẳng định rằng giáo dục sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính rất quan trọng, vì đây là 1 trong những khía cạnh hết sức thiết yếu của con người. Nó giống như việc khi còn nhỏ, chúng ta được dạy cách ăn như thế nào, cầm đũa ra sao… Cả chục năm nay người ta vẫn tranh cãi vấn đề có hay không nên “vẽ đường cho hươu chạy”.Một bên cho rằng không nên vì như thế là đang tiêm nhiễm vào đầu óc trẻ những thứ không cần thiết thậm chí là vớ vẩn. Còn một bên khẳng định thà vẽ còn hơn để hươu chạy lung tung.
Khi cơ thể các em bắt đầu có biến đổi, có rung động lẽ ra người lớn nên dạy trẻ cách ứng xử với những biến đổi đó. Thay vì lắng nghe hoặc hướng dẫn các em thì họ thường dùng phương pháp hù dọa, đưa ra các lý do ngăn cấm trẻ em quan hệ tình dục như mất trinh tiết, có bầu và thậm chí là bị mù.
Hầu hết các phụ huynh đều cấm các em tìm hiểu về những vấn đề về giới, sức khỏe sinh sản
Theo khảo sát mới nhất của Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số trên gần 250 học sinh của 2 trường THCS tại Hà Nội cho thấy 69% các em khẳng định cha mẹ chưa từng có bất cứ cuộc nói chuyện nào về giới tính. Qua đó thấy rằng rất nhiều em chưa được gia đình quan tâm và định hướng trong vấn đề này. Đó là chưa kể tới những kiến thức biến đổi sinh lý, kiến thức cơ thể người các em chỉ được học qua loa ở một số tiết học trên lớp. Chính giáo viên cũng né tránh càng làm cho học sinh không hiểu tới nơi tới chốn. Cũng theo khảo sát trên thì có tới 50% các em trả lời sai về các con đường lây nhiễm của HIV. Điều này cho thấy việc giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản trong Nhà trường không chỉ thiếu mà còn kém hiệu quả.
Tò mò và “thử”
Hầu hết phía gia đình và Nhà trường đều tỏ ra lo lắng khi các em yêu sớm nhưng vấn đề là ai cũng lo nhưng không biết nói như thế nào và bắt đầu từ đâu. Bên này đùn đẩy trách nhiệm cho bên kia và ngược lại. Gia đình cho rằng thầy cô nói 1 thì các em nghe 10. Còn Nhà trường lại biện minh rằng họ chỉ có nhiệm vụ truyền đạt kiến thức khoa học còn chuyện đó là của gia đình. Cứ như vậy 2 bên trông chờ vào nhau và kết quả là các em ở giữa thì vẫn cứ “khát” và tò mò kiến thức liên quan đến biến đổi cơ thể mình.
Các em đem những tò mò đó, những thắc mắc đó tìm kiếm bạn bè để chia sẻ rồi tìm hiểu qua internet và thậm chí là “thử làm người lớn”. Cũng bởi tò mò về chuyện người lớn mà học xong cấp 3 cô gái N.T.U.T (18 tuổi – Hà Nội) quyết định trao “cái ngàn vàng” cho người yêu. Bước chân vào giảng đường Đại học, cô sinh viên năm nhất trường Đại học Văn hóa N.T.L vẫn hồn nhiên bán tín bán nghi về chuyện tình mang bầu. Đến khi đẻ rớt đứa con trai trong nhà vệ sinh, cô gái trẻ mới giật mình.
Do không được trang bị những kiến thức sức khỏe sinh sản mà nhiều em quan hệ tình dục sớm và mang thai nài ý muốn
Đó chỉ là rất ít trong số vô vàn câu chuyện đau lòng khi các em bước chân vào “thế giới người lớn” mà chưa đủ kiến thức sức khỏe sinh sản.Ông Nguyễn Đình Bách, Phó vụ trưởng vụ Truyền thông giáo dục, Tổng cục dân số kế hoạch hóa gia đình ( Bộ y tế) cho biết không chỉ trẻ ở vùng nông thôn mà các em ở thành thị , gia đình trí thức cũng hỏi những câu hỏi ngây ngô khi gọi điện lên Tổng đài chất lượng cuộc sống xin tư vấn. Thật đáng buồn khi lỗ hổng kiến thức giới tính, kiến thức sức khỏe sinh sản lại lớn đến như vậy.
Hậu quả khôn lường
“Văn hóa câm lặng” của cả gia đình và Nhà trường làm giới trẻ e sợ, không dám thẳng thắn đề cập tới vấn đề này. Những biến đổi bất ngờ trong cơ thể, những ham muốn tự nhiên trong khi không được cung cấp kiến thức cơ bản về việc xử lý như thế nào, kiểm soát ra sao khiến nhiều em đã quan hệ tình dục không an toàn dẫn đến mang thai nài ý muốn. Có những em mang thai khi mới 12, 13 tuổi. Độ tuổi này chưa đủ trưởng thành về mặt thể chất, tâm lý để sẵn sàng làm mẹ. Và đa phần khi rơi vào tình huống này các em đều lúng túng, hoảng sợ không biết giải quyết như thế nào. Hầu hết các em giấu giếm gia đình và người thân đi nạo phá thai “chui”.
Mặc dù tỷ lệ nạo phá thai hằng năm ở tuổi vị thành niên và thanh niên là 300.000 ca nhưng ở bệnh viện phụ sản Trung ương thì tỷ lệ này chỉ chiếm từ 1-2%.Nguyên nhân chủ yếu là do các em tới những cơ sở y tế, phòng khám tư nhân bên nài để nạo phá thai. Và không ít em tới những nơi không đảm bảo về chất lượng. Trường hợp nhiều em nữ bị thủng tử cung, nhiễm trùng dẫn đến vô sinh thậm chí là thiệt mạng không phải là không có. Tỷ lệ nạo phát thai ở nước ta cao đến mức nằm trong 5 nước có phụ nữ phá thai cao nhất thế giới và đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á - theo thống kê của Quỹ dân số Liên hiệp quốc. Đây là bài toán vô cùng nan giải với những người làm công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình.
Con đường duy nhất và hiệu quả nhất là gia đình và Nhà trường cần nhìn nhận tầm quan trọng của giáo dục về giới, sức khỏe sinh sản cho các em
Hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của internet giúp cho các em dễ dàng tiếp cận với những kiến thức liên quan đến sức khỏe sinh sản và giới tính. Tuy nhiên điều đáng lo là một bộ phận trẻ vị thành niên và thanh niên quá tin tưởng vào thông tin một chiều trên mạng internet. Và thông tin nào đúng , thông tin nào sai, thông tin nào tốt, thông tin nào xấu hầu hết các em chưa được định hướng cụ thể từ gia đình, Nhà trường và xã hội.
Thay lời kết
Đã đến lúc câu chuyện về giáo dục giới tính,, giáo dục sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên và thanh niên cần phải nhìn nhận thẳng thắn và đúng đắn. Vấn đề giới tính và sức khỏe sinh sản là những nhu cầu tự nhiên của con người. Vì thế người lớn không nên cấm đoán các em. Con đường duy nhất là phải thẳng thắn và cởi mở trong tuyên truyền giới tính, tình dục, sức khỏe sinh sản mà mấu chốt là sự giáo dục. Người lớn nên dạy các em những biện pháp an toàn tình dục, kỹ năng cụ thể. Qua quá trình nhận thức, tự bản thân các em sẽ nhận ra đâu là tốt, đâu là xấu để lựa chọn và tự có trách nhiệm với chính mình.
Quỳnh Trang Trịnh
Phát thanh k31
Ảnh: Internet
Cùng chuyên mục
Bình luận