Giới trẻ Việt Nam luôn tự hào về ngày Tết Độc lập

(Sóng trẻ) - Khắc sâu ý nghĩa về ngày thu lịch sử, thế hệ trẻ ngày nay luôn hướng về cội nguồn với khát vọng và tình yêu, ý thức trách nhiệm cống hiến cho sự phồn vinh của quê hương, đất nước.

Ngày 2/9/1945 lịch sử, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, long trọng tuyên bố với đồng bào ta và cả thế giới về sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bảy mươi chín năm trôi qua kể từ ngày lịch sử, tình yêu và niềm tự hào về ngày Độc lập của muôn triệu trái tim Việt Nam vẫn vẹn nguyên, không thay đổi, đặc biệt là thế hệ trẻ trong thời đại mới. Họ luôn một lòng trung thành với Tổ quốc và ý thức được trách nhiệm cao cả của mình trong công cuộc kiến thiết đất nước.

Hướng về quá khứ: biết ơn và tự hào

Nhìn lại chặng đường dài đất nước trải qua, bạn Dương Thùy Minh (19 tuổi, sinh viên năm 2 Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhận ra nước ta độc lập còn chưa đầy một thế kỷ: “Thế hệ trẻ Việt Nam trong quá khứ trải qua nhiều gian lao, vất vả để tuổi trẻ ngày hôm nay được sống dưới trời xanh, làm nên ngày Quốc khánh thiêng liêng. Đối với mình, đây là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại những trang sử vàng của dân tộc và suy ngẫm về hai chữ ‘biết ơn’”. 

Bản thân Thùy Minh cũng là một bạn trẻ yêu thích tìm hiểu và xem phim tài liệu về lịch sử, đặc biệt là những bộ phim về Bác, về những dấu mốc vàng son của dân tộc. Nhờ niềm đam mê đó, Minh từng thực hiện một dự án về lịch sử Việt Nam, về Bác Hồ: “Dự án nhận lại được sự ủng hộ nhiệt tình từ bạn bè, điều này làm mình cảm thấy rất hạnh phúc và mãn nguyện. Mình hạnh phúc vì chủ đề đó đủ “chạm” tới người trẻ và mãn nguyện nhận ra các bạn GenZ hiểu được câu chuyện phía sau cuộc sống yên bình hiện tại”. Sống trong hòa bình, Thùy Minh luôn thấy biết ơn và tự hào về thế hệ đi trước, về Chủ tịch Hồ Chí Minh.  Những con người vĩ đại ấy trao cho đất nước ta nền độc lập và cho nhân dân ta quyền tự do, hạnh phúc. 

z5788308361436_534b12b773355aaf975d8a1b03d9f1fb.jpg
Thùy Minh cảm thấy hạnh phúc và tự hào vì những trang sử hào hùng của dân tộc. (Ảnh: NVCC)

 

Cùng mang trong mình niềm tự hào đối với ngày lễ quan trọng và thiêng liêng của dân tộc, bạn Hoàng Ngọc Ánh (19 tuổi, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH QGHN) nêu quan điểm: “Quốc khánh không chỉ là ngày tuyên bố độc lập, đấy còn là biểu tượng của lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và khát vọng tự do. Với mình, Tết Độc lập chính là bài học lịch sử về việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ, là cơ hội để nhân dân ta đoàn kết và suy ngẫm về giá trị, mục tiêu của quốc gia”. 

Vào những ngày này, bên cạnh sở thích xem phim tài liệu về lịch sử, Ngọc Ánh thường đến các bảo tàng, các khu di tích lịch sử như: Lăng Bác, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Nhà tù Hỏa Lò... để tiếp thêm tri thức cũng như hòa chung không khí mừng Tết Độc lập của người dân cả nước. “Mình muốn hướng về những địa điểm đặc biệt để tưởng nhớ thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu cho chúng ta có ngày hôm nay. Ngoài ra, mình muốn lưu giữ lại những khoảnh khắc đáng trân trọng để năm 2024 của mình trôi qua thật ý nghĩa”, Ngọc Ánh bày tỏ.

Hòa chung cảm xúc bồi hồi, xúc động trong ngày lễ thiêng liêng của toàn dân tộc cùng Thùy Minh và Ngọc Ánh, bạn Cẩm Tú, hiện tại đang là du học sinh tại Đức bày tỏ: “Mình luôn ghi nhớ hình ảnh người dân trên đất nước chung một trái tim hướng về lăng Bác, những lá cờ thiêng liêng được phủ kín khắp con đường. Hình ảnh ấy dường như khắc ghi đậm nét trong lòng mình, một hình ảnh đẹp về người Việt Nam luôn tự hào, biết ơn những người anh hùng đã ngã xuống để cho Tổ quốc độc lập như ngày nay”. 

z5790501639560_35d6c3bf206fc80db415da82eba9a45f.jpg
Cẩm Tú tin rằng đây là dịp lễ để mọi người có thể nhắc nhở nhau về giá trị của sự tự do, độc lập, và trách nhiệm xây dựng đất nước. Ngày Quốc khánh không chỉ là ngày tưởng nhớ công lao của các thế hệ cha ông đã hy sinh cho độc lập dân tộc, mà còn là ngày để người dân được thể hiện lòng yêu nước, tự hào về lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam ta. (Ảnh: NVCC)

Bồi đắp tri thức - xây dựng tương lai

Tiếp bước những di sản mà thế hệ đi trước để lại, các bạn trẻ như: Thùy Minh, Ngọc Ánh, Cẩm Tú,... luôn không ngừng cố gắng hoàn thiện bản thân để đóng góp công sức của chính mình vào sự nghiệp chung của đất nước. Ngày lễ Quốc khánh 2/9 chính là một dịp ý nghĩa giúp giới trẻ ý thức rõ hơn về vai trò và trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội. Là một sinh viên ngành báo chí đam mê lịch sử, Thùy Minh khẳng định: “Mình sẽ không ngừng học tập, trau dồi kiến thức và kỹ năng, nghiệp vụ để nâng cao chuyên môn. Bên cạnh đó, mình sẽ tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử Việt Nam để có thể có những đóng góp tích cực cho đất nước, phục vụ được đời sống của người dân”.

Còn đối với Ngọc Ánh, sinh ra trong gia đình có truyền thống quân đội nên bạn được nung nấu một tình yêu quê hương, đất nước từ khi nhỏ. Điều này tác động rất lớn đến suy nghĩ, quan niệm sống, học tập và định hướng tương lai của bạn. “Hiện tại, mình luôn học tập chăm chỉ, giữ vững ý chí và niềm tin vào giá trị, mục tiêu của Đảng và Nhà nước. Trong tương lai, mình muốn trở thành một công dân có đầy đủ năng lực, tư cách đạo đức và một Đảng viên ưu tú để cống hiến cho sự nghiệp chung của nước nhà”, Ngọc Ánh tự hào với mục tiêu đặt ra.

Đặc biệt trong năm nay, nhiều người hưởng ứng xu hướng biến mái nhà, cửa cuốn của nhà mình thành bức tranh quốc kỳ đỏ thắm. Nhìn thấy hình ảnh này, các bạn trẻ đều đồng lòng cảm thấy tự hào và hãnh diện bởi các bạn tin rằng hiếm có một quốc gia nào trên thế giới yêu quốc kỳ của nước mình đến như vậy, hiếm có một dân tộc nào đoàn kết, yêu thương nhau như dân tộc Việt Nam. “Mình thấy đây là một hình ảnh đẹp và đong đầy ý nghĩa, thể hiện các bạn trẻ đang ngày càng có nhận thức tốt hơn về vấn đề dân tộc. Đó là một dấu hiệu tốt cho tương lai của nước ta”, bạn Ngọc Ánh tự tin khẳng định.

Cũng như Thùy Minh, Ngọc Ánh và Cẩm Tú, bạn Phùng Thị Như Quỳnh (19 tuổi, Hà Nội) cũng muốn học tập chăm chỉ, tiếp thu tinh hoa nhân loại và tu dưỡng đạo đức thật tốt, xứng đáng trở thành chủ nhân tương lai của đất nước. Tuy nhiên, Như Quỳnh cho rằng, để đi được thật xa, trước hết chúng ta phải hiểu mình đến từ đâu: “Chúng ta học tập, tiếp thu tinh hoa văn hóa từ bạn bè, từ các nước trên thế giới là một điều nên làm. Tuy nhiên, sự tiếp thu ấy cần có chọn lọc. Chúng ta vẫn phải giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc bởi văn hóa là bản sắc, là cội nguồn, là tiếng nói của dân tộc”.

z5790577837514_3c5d5bf6956d480c70ec9ae2cb9ef947.jpg
“Các bạn trẻ, trong đó có cả mình cần phải học tập, tìm hiểu về văn hóa để phát huy các giá trị đó trường tồn mãi", Như Quỳnh chia sẻ. (Ảnh: NVCC)

 

Dù trong thời đại nào, nhân dân ta luôn tự hào và coi quê hương, đất nước Việt Nam như một điểm tựa để phấn đấu. Thế hệ trẻ ngày nay không sống trong những thời khắc lịch sử hào hùng, không trải qua chiến tranh để giành lại độc lập tự do cho dân tộc nhưng họ luôn biết ơn, tự hào về những ký ức vàng son đã qua. Tiếp bước thế hệ đi trước, họ sẽ luôn cố gắng không ngừng để đưa “dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu”.

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Trung thu trong đôi mắt ngàn sao

Trung thu trong đôi mắt ngàn sao

Tin nổi bật2 ngày trước

(Sóng trẻ) - Tết Trung thu trong tín ngưỡng người Việt được xem là Tết của trẻ em. Nhưng, tại nhà X1, ngõ 17 Hoàng Ngọc Phách, phóng viên được chứng kiến một cái Tết Trung thu đặc biệt. Tết Trung thu của những đứa trẻ mang hình hài “trưởng thành”.

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN