Gửi các em!
(Sóng Trẻ) - Chị viết những dòng này gửi đến các em vào trước ngày các em chính thức nhập học và trở thành tân sinh viên của Học viện Báo chí - Tuyên truyền. Có người là em, có người là bạn, có người là anh, là chị nhưng cho mình gọi các bạn chung bởi một từ thôi, bởi với mình nó ấm áp và gần gũi hơn tất cả: “em”.
Không biết các em là ai, các em như thế nào nhưng chị tin lúc này đây các em đều mang trong mình sự hồi hộp, lo lắng và háo hức giống nhau và giống cả chị của một năm về trước. Trên trang facebook của các em, ngày nào chị vào cũng thấy các em post lên giấy báo nhập học, hỏi nhau về thủ tục, hỏi anh chị về việc học trong trường…Vậy là đã bắt đầu nhen nhóm trong các em tinh thần trách nhiệm khi đến với cánh cổng trường đại học. Mỗi lần trả lời các em, lại thấy mình lớn hơn nhiều so với một năm trước, vì đã là chị, là người đi trước các em nên càng muốn được chia sẻ, được yêu thương các em nhiều hơn.
Trước ngày các em gia nhập vào đại gia đình của Học viện, chị ngồi gõ những dòng này để tâm sự, để chia sẻ những gì chị học được trong suốt một năm qua.
Đầu tiên là lời chúc mừng đến các em, những sĩ tử đã xuất sắc vượt qua áp lực của những kì thi quan trọng để hôm nay, các em có quyền tự hào khi cầm trên tay tờ giấy báo nhập học. Các em đỗ vào trường ở rất nhiều khoa khác nhau nhưng các em hãy tin tất cả các em đều được yêu quý, được tạo điều kiện để học tập và phát triển. Các em sẽ được chào đón, được chia sẻ để theo đuổi tiếp niềm đam mê và ước mơ của các em.
Là một chút thiên vị với những bạn rồi đây sẽ đi trên con đường báo chí, bởi các em đi cùng con đường đi với chị. Có nhiều lí do để các em đến với báo chí nhưng chị tin nó sẽ là động lực giúp các em vượt qua mọi trở ngại trên con đường đến với danh hiệu: “Nhà báo Việt Nam”. Một năm qua không phải là nhiều nhưng chắc đủ để có thể chia sẻ với các em vài điều.
Báo chí không phải là con đường trải thảm đỏ và rải đầy hoa hồng, báo chí là một nghề gian nan nhưng vinh quang và đáng tự hào các em ạ. Chị tin là các em đều biết những khó khăn, nguy hiểm mà nhà báo có thể gặp phải. Nhưng chị cũng muốn các em tin rằng: các em không bao giờ đơn độc, các em được bảo vệ, được tin yêu. Cám dỗ sẽ có nhưng rồi trường học và trường đời sẽ dạy cho các em biết đứng vững vậy nên hãy tự tin để bước đi các em nhé.
Đằng sau sự vinh quang của nhà báo là không ít những gian nan.
Học ngành nào cũng vất vả, cũng khó khăn nhưng học chuyên ngành báo chí, các em phải chấp nhận vất vả hơn bởi nó đòi hỏi các em phải đi vào đời sống. Thầy cô có thể dạy các em rất nhiều điều nhưng có những thứ chỉ có trải nghiệm các em mới hiểu, mới thấm và mới lớn lên được. Đừng ngần ngại năm nhất đã cầm máy quay ra đường, đã đi viết bài, có thể các em không có kinh nghiệm nhưng hãy tích lũy dần dần. Lúc đầu những thước phim các em quay về có thể vừa rung, vừa giật mà như cô giáo chị hay bảo là “rang lạc”, có thể những bài viết đầu tiên của các em không được đăng, không được phản hồi… nhưng không sao cả. Đó là điều tất nhiên thôi, có mấy ai thành công từ bước đi đầu tiên đâu. Chị mong và tin tưởng ở sự kiên trì và nhẫn nại của các em.
Đừng ngần ngại đặt câu hỏi và tìm câu trả lời cho câu hỏi ấy. Hãy hỏi, hãy quan sát nhiều hơn những người khác bởi các em sẽ tìm thấy đề tài, sẽ hiểu sâu và rộng hơn. Và một bài học gần đây nhất chị học được từ những vị tiền bối trong nghề đó là: Hãy học đặt ra những câu hỏi nhỏ trước khi hỏi những câu hỏi lớn. Đơn giản, các em hãy hỏi người ta cách đi giày, chuẩn bị đồ đạc, kĩ thuật và những điều lưu ý khi leo núi tốt hơn là các em hỏi: Làm thế nào để vượt dãy Trường Sơn?
Chị tin tưởng và mong chờ vào những đứa em của chị. Chỉ cần ngồi nghĩ đến ngày mai, nghĩ đến sự háo hức của các em, chị lại nhớ đến mình ngày này năm nái, nhớ đến cảm giác khi bước qua cánh cổng trường để được gọi với cái tên mới: sinh viên báo chí. Sẽ là khó khăn đấy, chị biết là như vậy nhưng hãy cố gắng lên nhé, vinh quang luôn dành chỗ cho những ai biết cố gắng vươn lên.
Nguyễn Thị Minh Phương
Lớp Truyền hình K.31A2
Học viện Báo chí và Tuyên truyền.