Hà Giang rạng rỡ mùa Tam Giác Mạch
(Sóng Trẻ) - Miền cao nguyên đá Hà Giang không chỉ đẹp bởi phong cảnh núi non hùng vĩ, những con đường đèo quanh co bất tận, những thửa ruộng bậc thang trải dài trên lưng chừng núi mà nơi đây còn đẹp bởi muôn vàn sắc hoa. Và tam giác mạch - một loài hoa thường nở ở các tỉnh miền núi phía Bắc với vẻ đẹp hoang dại là “món ăn tinh thần” đặc trưng của miền đất nơi địa đầu Tổ quốc này. Mùa tam giác mạch bắt đầu từ tháng 10 tới hết tháng 12. Ta có thể gặp tam giác mạch ở bất cứ đâu: hoa trên đồng rộng, hoa trên triền núi, hoa bên bờ suối, đôi khi chỉ là những vạt hoa nhỏ men theo sườn đồi dưới rừng.
Vẻ đẹp của tam giác mạch – loài hoa đặc trưng ở Hà Giang
Hoa tam giác mạch nở vào độ đầu đông thường có màu trắng ngà tinh khôi. Đến giữa mùa, tam giác mạch ăn nắng, ăn gió lại có màu hồng phớt yểu điệu. Đi dọc theo đường quốc lộ vào sâu trong các bản làng của người dân, thỉnh thoảng ta sẽ bắt gặp ruộng hoa lại điểm xuyết ngôi nhà mang kiến trúc cổ xưa. Người ta mách nhau “đi Hà Giang là phải đi đúng mùa hoa”. Chính cái vẻ đẹp hoang sơ và cũng rất đỗi giản dị ấy mà chẳng mấy ai tới đây một lần mà bẵng quên đi cái tình của miền đất cổ tích này.
Tam giác mạch xuất hiện ở khắp miền Hà Giang cổ tích
Loài cây có hoa nhỏ li ti mang sức sống mong manh, rực rỡ lại đối lập với đá lạnh khô cằn và vực sâu hiểm trở đã tạo nên một vẻ đẹp hấp dẫn kỳ lạ, như sức sống mãnh liệt, kiên cường của người dân vùng đất này. Người địa phương cho biết, trước đây tam giác mạch được đồng bào vùng cao trồng để chăn nuôi gia súc là chính, nhưng đó cũng là thứ lương thực dự trữ cho con người, phòng khi thiếu đói.
Rất đông du khách chụp ảnh cùng tam giác mạch
Hoàng Su Phì, Đồng Văn, Phó Bảng, Quản Bạ, Sủng Là là những nơi có nhiều tam giác mạch nhất. Nơi là vạt hoa, nơi là đồng hoa nhỏ, có nơi hoa lại mọc chênh vênh trên các mỏm đá, cũng có nơi là cả một cánh đồng hoa tràn ngập sắc nắng. Tất cả cứ như một bức tranh đẹp nên thơ mà ai đã chiêm ngưỡng đều muốn khoảnh khắc này là vĩnh cửu và sẽ miễn nhiễm với làn sóng bê tông hoá đang xâm chiếm các vùng núi phía Bắc.
Bài và ảnh: Nguyễn Diệp Hằng
Cùng chuyên mục
Bình luận