Hà Nội của tôi - hiểu để yêu
(Sóng Trẻ) - “Hiểu” là phải “trường kỳ kháng chiến”, “đánh địch dài lâu” cũng chưa chắc đã thành công, nhưng “yêu” thì khác, vốn chỉ cần một chớp mắt thôi. Nhưng hiểu chưa chắc đã yêu, mà yêu cũng chưa chắc đã cần phải hiểu, chỉ là khi đã hiểu nhau rồi, tình cảm sẽ càng bền chặt hơn.
Ai muốn hiểu Hà Nội, phải bắt đầu tìm hiểu về Hà Nội từ lúc ngọn nguồn. Hà Nội bắt đầu từ đâu, ai đã vẽ nên Hà Nội lãng mạn như vậy, ai đã gọt dũa nên nếp sống hào hoa thanh lịch nhường ấy của người Tràng An. Vẻ đẹp ấy có lẽ chỉ còn trong tiềm thức, trong lời kể, và những người hiểu về Hà Nội xưa có lẽ chẳng yêu nổi Hà Nội của thời hiện tại. Đất và người nơi này cũng theo vòng xoay của địa cầu, thay đổi từng phút, từng giây, nên chẳng còn giữ trọn vẹn được Tràng An thanh nhã ngày nào. Bây giờ nói về Hà Nội, là nói đến “đất chật người đông”, là tắc đường, là xô bồ bụi bặm. Bước chân ra đường Hà Nội là mỏi mệt, người ta ganh đua nhau từng tấc đất, từng đồng từng cắc, giữ khư khư mối lợi cá nhân như đứa trẻ con giữ món đồ chơi. Nỗi lo cơm áo, gạo tiền phải chăng đã che lấp nét đẹp thủa xưa...?
Có người nói, người Hà Nội bây giờ toàn là “Hà Nội nhảy dù”, nghĩa là dân tỉnh lẻ ra Hà Nội kiếm tiền một vài năm, mua nhà, nhập hộ khẩu Hà Nội rồi nghiễm nhiên sẽ trở thành người Hà Nội. Thực ra việc chuyển cư thời nào cũng có, nhưng trước đây Hà Nội đất hẹp nhưng rộng lòng chào đón người tứ phương về lập nghiệp, còn bây giờ đất rộng nhưng lòng người đã thu hẹp từ bao giờ. Thế mới thấy niềm thương cũng có giá. Khi trái tim đã chật cứng bởi những lo toan, người ta sẽ không còn chỗ cho những yêu thương khác. Vì vậy nên không chỉ riêng Hà Nội, mà người nơi đâu cũng trở nên hẹp hòi ích kỷ hơn xưa rất nhiều. Chỉ là ở Hà Nội, ta thấy điều đó rõ hơn một chút, khi đem so sánh lối sống xô bồ hiện đại với nếp sống xưa lịch thiệp, thanh tao.
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ lý do để nhiều người không còn yêu Hà Nội nữa, hoặc chỉ yêu Hà Nội với những hoài niệm về thời xưa cũ, những gì đẹp nhất còn sót lại, “những hạt bụi vàng còn lấp ló đâu đó dưới mỗi góc phố Hà Nội” mà thôi. Những người trẻ như chúng tôi khi được gần gũi với Hà Nội cũng là khi Người không còn là một thiếu nữ trong ngần, lãng mạn nữa, mà trở thành một người đàn bà mệt mỏi trĩu nặng gánh lo. Đó chính là Hà Nội của thế kỷ 21, của bận rộn, của mệt mỏi, nhưng vẫn cuộn trào lên sự năng động, sức sống. Đằng sau những gương mặt mệt mỏi chính là hy vọng của người Hà Nội về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chỉ là Hà Nội cũng giống như chính chúng ta vậy, cũng đang lớn, đang trưởng thành lên. Và suy nghĩ của chúng ta về Hà Nội giống như một chiếc áo quá chật, không còn vừa vặn với sức phát triển của Thành phố Thủ đô nữa. Hà Nội đang trải qua một thời kỳ biến động, cũng như tuổi dậy thì của con người, cần nhiều sự rộng lượng, bao dung với những thất thường, những biến cố mà có phần khó chấp nhận với nhiều người. Nhưng chỉ cần hiểu Hà Nội một chút, đặt một cái nhìn bao quát ra toàn Thủ đô, biết đâu ta sẽ lại yên lòng với tình yêu của mình – Hà Nội.
Vậy mới nói, hiểu chưa chắc đã yêu, mà yêu chưa chắc đã cần phải hiểu. Nhưng một khi đã hiểu Hà Nội rồi, ta sẽ tìm ra lý do để yêu tất cả những gì thuộc về Người, dù tốt hay chưa tốt. Và biết đâu, một ngày không xa, ta sẽ được nhìn thấy – bằng tất cả tình yêu với Hà Nội của mình – một Hà Nội mới, còn đẹp đẽ hơn cả những gì được gọi tên “tinh hoa Hà Thành” đã có trước đây..
Phương Mai
Truyền hình K32A2
Cùng chuyên mục
Bình luận