Hà Nội: Người dân vô tư xả rác dưới biển cấm
(Sóng trẻ) - Từ 1/2/2017, Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã chính thức có hiệu lực. Trong đó quy định phạt tiền 3- 5 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; phạt từ 5 – 7 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố (tăng gấp 10 lần so với mức phạt cũ).Tuy nhiên, sau hơn 1 năm kể từ khi nghị định chính thức có hiệu lực, tình trạng đổ rác bừa bãi vẫn không hề chấm dứt.
Tại các con phố, ngõ ngách trên địa bàn Hà Nội, không khó để bắt gặp những tấm biển ghi rõ: “Cấm đổ rác tại đây”. Thế nhưng, trái với mục đích vốn có, một số người dân lại coi đó là tấm biển “đánh dấu” nơi tập kết rác thải.
Nhiều người dân chất đống rác ngay trước cửa nhà mình
Tình trạng xả rác bừa bãi tại một số khu vực thuộc phường Bưởi, đường Thụy Khuê, Quận Tây Hồ (Hà Nội) đang ngày càng phổ biến, gây ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan, sức khỏe cũng như cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Chị My (phường Bưởi, Tây Hồ) chia sẻ: “Thứ nhất những điểm tập kết rác thải quá xa với khu dân ở. Thứ hai, theo thói quen, tư duy đám đông, họ muốn giữ sạch cho bản thân, họ sẽ tiện tay vứt rác vào những nơi họ thấy đã có người vứt từ trước. Vì không phải nhà nơi họ ở nên họ không quan tâm đến cái tấm biển cẩm đổ rác. Chị cũng từng vứt rác không đúng nơi quy định, lúc đó chỉ nghĩ rằng đơn giản là cần giải quyết túi rác trong tay mình mà thôi.”
Một số điểm được người dân thường xuyên “trưng dụng” làm nơi tập kết rác thải đã được tổ trưởng tổ dân phố treo biển đỏ thông báo mức phạt phạt từ 3-5 triệu đồng, nhưng dường như bị phớt lờ.
Thậm chí, cuối ngõ 562 Thụy Khuê còn có thông báo lớn về việc thực hiện nếp sống văn minh, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó, các hành vi vi phạm và mức phạt tương đương được ghi rất cụ thể, nhưng thực tế thì “cấm thì cứ cấm, đổ vẫn cứ đổ”.
Trước 4 giờ, xe rác bắt đầu đi khắp các ngõ, nhưng người dân chủ động ra đổ rác trực tiếp lại khá ít. Bà Giang - Tổ trưởng Tổ Môi trường phường Bưởi cho biết: “Thực ra các cô duy trì hằng ngày, gõ rác, lấy rác đúng giờ, đúng quy định để cho người dân có ý thức vứt rác đúng nơi, đúng lúc. Nhưng quan trọng là ý thức, kể cả có chế tài xử phạt hẳn hoi rõ ràng nhưng người ta vẫn cứ đổ."
Cuối ngõ 530 Thụy Khuê là nơi tập kết của các loại rác. Những xe rác di động đã được chất đầy nhưng chưa thấy xe môi trường đến xử lý. Lượng rác ngày một dày lên gây mùi khó chịu cho người dân sinh sống quanh khu vực này.
Mùi rác bốc lên ảnh hưởng không nhỏ đến vệ sinh mỗi phường, xã, quận, thành phố
Trao đổi với PV Sóng Trẻ về hướng xử lý, Ông Hồ Xuân Thanh – Tổ trưởng tổ dân phố Tổ 31 (phường Bưởi, Q.Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Trong cuộc họp của của tổ dân phố đã phản ánh rất nhiều, cố gắng đúng giờ quy định của người thu m rác thì các gia đình mang rác ra, khi chưa đến giờ thì rác nên để trong nhà.Chúng tôi có cử Hội chị em phụ nữ đứng ra thường xuyên kiểm tra, quản lý những điểm có rác. Khi có đội kiểm tra thì người ta không dám đổ, nhưng sau đó tổ kiểm tra về thì đâu lại vào đó ngay. Mức phạt đưa ra để nhắc nhở dân, phải cố gắng giữ gìn, cho thấy rằng nó quan trọng đến như thế, rất nhiều lần họp dân nhắc nhở, vấn đề là ai mà đứng đấy mà phạt, ai dám nhận tiền phạt ? Chỗ đặt tận hai cái biển cấm mà người ta vẫn cứ đổ. Mà mình lại không thể bắt quả tang để mình nói ”.
Đông Chí Nguyên, Báo Ảnh K36
Cùng chuyên mục
Bình luận