Hệ thống sàn giao dịch việc làm Hà Nội: Đa dạng hóa tiếp cận, thích ứng chuyển đổi số
(Sóng trẻ) - Triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống sàn giao dịch việc làm thành phố Hà Nội giai đoạn 2021–2025 và những năm tiếp theo”, hệ thống sàn giao dịch việc làm Hà Nội đang từng bước đổi mới, hướng đến mô hình kết nối đa chiều, hiệu quả và bền vững.
Vận hành tinh gọn, hiệu quả toàn diện
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 15 sàn giao dịch việc làm, bao gồm sàn trung tâm tại 215 Trung Kính và 14 sàn vệ tinh đặt tại các quận, huyện. Dù hoạt động độc lập theo từng địa phương, các sàn vẫn được vận hành theo hệ thống thống nhất, dưới sự điều phối của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Tại các sàn vệ tinh, đội ngũ cán bộ chỉ từ 4 đến 6 người nhưng đảm nhiệm gần như toàn bộ quy trình từ tư vấn việc làm, hỗ trợ học nghề, kết nối doanh nghiệp, cho tới xử lý chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Ông Bùi Xuân Tiến, Trưởng phòng Thông tin thị trường lao động - Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: “Dù nhân sự tại các sàn vệ tinh còn hạn chế, nhưng nhờ điều phối hợp lý và ứng dụng công nghệ, mọi hồ sơ đều được tiếp nhận, xử lý kịp thời. Hằng ngày, các sàn tổ chức giao dịch việc làm, kết nối lao động – doanh nghiệp trực tiếp và trực tuyến, đồng thời thu thập, cung cấp thông tin thị trường lao động khi có nhu cầu”.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong năm 2024 toàn hệ thống đã kết nối việc làm cho hơn 20.000 người lao động. Chỉ riêng quý I/2025, hơn 50 phiên giao dịch đã được tổ chức, tư vấn hơn 6.000 doanh nghiệp, có gần 2.000 lượt doanh nghiệp tham gia các phiên giao dịch việc làm và giải quyết việc làm cho khoảng gần 3.000 người.
Các phiên giao dịch không chỉ diễn ra tại sàn mà còn được tổ chức dưới hình thức lưu động tại các trường đại học, khu công nghiệp và đặc biệt là qua hình thức trực tuyến kết nối với các tỉnh thành khác. Hiệu quả từ các phiên giao dịch việc làm không dừng lại ở số lượng người lao động được hỗ trợ, mà còn được chính các doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.
Chị Nguyễn Mai Anh - nhân sự của doanh nghiệp chuỗi nhà hàng Nét Huế chia sẻ:“Chúng tôi đánh giá rất cao hiệu quả của hệ thống sàn giao dịch việc làm Hà Nội. Đây thực sự là cầu nối hữu ích giữa doanh nghiệp và người lao động, giúp chúng tôi tiếp cận nguồn nhân lực một cách nhanh chóng, hiệu quả mà hoàn toàn không tốn chi phí”.
Tư vấn nghề nghiệp sâu hơn, hỗ trợ thiết thực hơn
Bên cạnh việc tổ chức các phiên giao dịch, công tác tư vấn nghề nghiệp hiện nay đang được quan tâm nhiều hơn và triển khai ngày càng bài bản. Nội dung tư vấn không chỉ xoay quanh lựa chọn công việc, mà còn hướng tới định hướng nghề nghiệp lâu dài, kỹ năng xin việc, kỹ năng mềm và cập nhật thông tin về chế độ lao động.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, ông Vũ Quang Thành cho rằng, trong bối cảnh thị trường liên tục thay đổi, người lao động hiện đại cần một hướng đi bền vững thay vì chỉ tìm kiếm công việc trước mắt. Vì vậy, tư vấn phải làm rõ năng lực, sở trường, điều kiện thị trường và rủi ro tiềm ẩn trong quá trình tuyển dụng.

Đáng chú ý, nhiều sàn đã chủ động tư vấn riêng cho nhóm sinh viên mới ra trường – đối tượng dễ gặp phải tình trạng bị lừa đảo khi tiếp cận thông tin tuyển dụng qua mạng xã hội. Tại đây, người lao động được hướng dẫn cách xác minh thông tin doanh nghiệp, đọc hiểu hợp đồng lao động, làm rõ chế độ và quyền lợi trước khi ký kết.
Chị Lê Thị Ngọc (22 tuổi), một lao động vừa tìm được việc làm thông qua phiên giao dịch việc làm tại sàn Đông Anh chia sẻ: “Trước kia tôi phải tự tìm việc qua mạng, vừa mất thời gian vừa không an tâm. Qua sàn việc làm, tôi được tư vấn rõ ràng, biết chính xác công ty tuyển dụng là ai, mức lương, quyền lợi như thế nào. Tôi tìm được công việc phù hợp chỉ sau một tuần tham gia phiên giao dịch”.

Chuyển đổi số để phát triển bền vững
Để nâng cao chất lượng kết nối và mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ việc làm, hệ thống các sàn đang chủ động ứng dụng công nghệ, từng bước triển khai chuyển đổi số. Từ việc phỏng vấn trực tuyến qua Google Meet, xây dựng phần mềm quản lý hồ sơ, đến tổ chức phiên giao dịch online kết nối liên tỉnh – các hình thức mới đang được áp dụng tại cả sàn trung tâm lẫn sàn vệ tinh.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Quang Thành, quá trình hiện đại hóa hệ thống vẫn còn nhiều trở ngại, đặc biệt tại các sàn vệ tinh: “Một số sàn vệ tinh chưa có đủ thiết bị, hạ tầng mạng chưa đồng đều, chưa có phần mềm quản lý điều hành chung. Chúng tôi đang đề xuất đầu tư phần mềm quản lý tập trung và tập huấn kỹ năng số cho cán bộ”.
Song song với đó, các sàn cũng đang hướng tới xây dựng hệ sinh thái nghề nghiệp – nơi người lao động không chỉ được giới thiệu việc làm, mà còn được đào tạo kỹ năng, cập nhật xu hướng và hỗ trợ pháp lý khi cần. Với lực lượng lao động trẻ, tư duy linh hoạt, khả năng học hỏi nhanh là lợi thế nhưng việc thiếu kỹ năng mềm và tính ổn định lại là những điểm yếu cần được hỗ trợ kịp thời.
Từ mô hình trung gian giới thiệu việc làm đơn thuần, hệ thống sàn giao dịch việc làm Hà Nội đang từng bước khẳng định vai trò nền tảng của mình trong thị trường lao động. Sự kết hợp giữa mô hình tinh gọn, ứng dụng công nghệ và tư duy hỗ trợ toàn diện đang tạo nên những chuyển động tích cực.
Để phát huy hết tiềm năng, rất cần sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, phần mềm quản lý, nâng cao năng lực cán bộ và tăng cường phối hợp giữa các ngành, đơn vị liên quan. Chỉ khi đó, hệ thống sàn giao dịch việc làm mới thực sự trở thành điểm tựa bền vững, giúp người lao động tìm được việc làm phù hợp, phát triển lâu dài trong thị trường ngày càng cạnh tranh và thay đổi nhanh chóng.