Hết hỗ trợ, các dự án năng lượng xanh xuống cấp
(Sóng trẻ) - Xã Nam Cường (Tiền Hải, Thái Bình) là một trong những xã nhận được tiền viện trợ của Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) để xây dựng các công trình năng lượng bền vững. Trong đó có mô hình biogas cấp cộng đồng, mô hình kết hợp hệ thống cấp nước uống tinh khiết RO và điện mặt trời nối lưới. Tuy nhiên, sau khi GreenID ngưng “rót” tiền, các công trình này bỗng rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí còn có nguy cơ gậy hệ lụy về môi trường.
“Bức tranh đẹp” khi còn viện trợ
GreenID chính thức triển khai phương pháp Lập Kế hoạch Năng lượng Địa phương (LEP – viết tắt của Local Energy Planning) vào tháng 8/2012, tại 2 xã của huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, trong đó có xã Nam Cường.
Nam Cường là một xã ven biển, phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Người dân chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản. Hơn nữa, xã còn thiếu nước sạch và tồn tại nhiều vấn đề về môi trường. Tuy nhiên, xét về tổng thể, Nam Cường có nguồn nội lực tốt, có thể đáp ứng cho sự phát triển.
Ông Hoàng Ngọc Sang – Bí thư Đảng ủy xã Nam Cường - cho biết: “Để khai thác tốt tiềm năng thế mạnh địa phương, nhất là trong điều kiện thiếu hụt năng lượng của đất nước, UBND xã Nam Cường đã phối hợp cùng các bộ, ban ngành và nhìn rõ được những tồn tại trong việc sử dụng năng lượng cũng như lợi ích mà năng lượng xanh mang lại”.
Ông Hoàng Ngọc Sang - Bí thư Đảng ủy xã Nam Cường phấn khởi trước những kết quả ban đầu khi triển khai dự án năng lượng xanh trên địa bàn xã
Căn cứ kết quả khảo sát thực địa, GreenID và chính quyền xã đã quyết định đưa vào thí điểm hàng loạt mô hình nhằm giải quyết vấn đề năng lượng tại địa phương, với chính sách viện trợ không hoàn lại.
Cụ thể: mô hình biogas hộ gia đình được triển khai tới 10 hộ; hệ thống biogas cộng đồng cung cấp ga miễn phí cho 25 hộ và 1 đồn biên phòng; bình nước nóng năng lượng mặt trời (BNNNLMT) được lắp đặt tới 12 hộ và 1 trường học; hệ thống cung cấp nước RO được triển khai trên toàn xã với hơn 3.500 người và các cơ sở công cộng được tiếp cận,...
Hệ thống lọc nước RO (thẩm thấu ngược) với màng siêu lọc sử dụng năng lượng mặt trời
Theo báo cáo đánh giá của GreenID, sau 2 năm triển khai, trên 70% các hộ sử dụng biogas cho biết, lượng khí gas đủ dùng cho đun nấu, tiết kiệm khoảng 112.000 đồng/tháng; các trường mầm non tiết kiệm được 450.000 đồng/tháng nhờ sử dụng biogas và BNNNLMT; các hộ gia đình được sử dụng nguồn nước sạch với giá 5.000 đồng/ bình 20l, giá bằng 1/3 giá thị trường; trường mầm non, tiểu học, UBND và trạm y tế xã được sử dụng nước uống tinh khiết hoàn toàn miễn phí.
“Môi trường trước kia ô nhiễm lắm. Nhưng đến nay, rác thải được thu m. Nước thải trong chăn nuôi được kiểm soát. Sức khỏe người dân được nâng lên đáng kể, thực hiện tốt tiêu chí 17 trong xây dựng nông thôn mới. Tôi cho rằng các mô hình có tính lan tỏa, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân” – ông Sang nhận định.
Như vậy, những lợi ích mà LEP mang lại cho nhân dân trên địa bàn xã Nam Cường là không thể phủ nhận.
Hết viện trợ, năng lượng xanh hết “xanh”
Câu chuyện giữa lý thuyết trên giấy tờ và thực tế luôn khác xa nhau.
Đã gần 5 năm kể từ khi GreenID kết thúc dự án thí điểm tại xã Nam Cường. Bài toán duy trì các con số như khi còn nguồn viện trợ là điều không thể. Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều mô hình đã xuống cấp. Cái thì hư hỏng quá nửa, cái thì bỏ không.
Mô hình kết hợp hệ thống cấp nước uống tinh khiết RO và điện mặt trời nối lưới là một trong số đó. Hệ thống pin năng lượng mặt trời với công suất 1500W hòa lưới, cung cấp điện cho hệ thống lọc nước RO, gồm 4 máy với công suất 600l/h. Tuy nhiên, pin năng lượng mặt trời đến nay đã hỏng ¾ tấm. “Tiết kiệm được 300.000 đồng mỗi tháng” – số liệu thống kê này đã đi vào “dĩ vãng”. Những tấm pin từng là niềm tự hào của cả xã Nam Cường, giờ chỉ còn là đống phế liệu phơi trên nóc UBND xã.
Dàn pin năng lượng mặt trời cung cấp điện cho hệ thống lọc nước RO đã gỉ sét, nhiều mối nối bị đứt gãy
Quá trình thực tế cùng lãnh đạo xã tới hầm biogas cộng đồng, phóng viên cũng ghi nhận thực trạng tương tự. Hầm biogas cộng đồng có thể tích hàng ngàn mét khối giờ chỉ để làm... bể phốt.
Theo lãnh đạo xã, mô hình biogas cộng đồng ban đầu là rất thành công. Tuy nhiên, qua quá trình sử dụng, máy đẩy khí gas đến các hộ gia đình thường xuyên bị cháy. Khí gas có mùi do chưa có hệ thống lọc khí. Cộng với hệ thống phao bên trong không ổn định, dẫn đến ngập tắc, khí không thông lên được. Do đó, 25 hộ cùng 1 đồn biên phòng theo dự kiến ban đầu hiện đang không có gas để sử dụng. Mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Hầm biogas rơi vào trạng thái “phá không được mà sử dụng cũng không xong”.
Đại diện lãnh đạo xã chia sẻ: “Chúng tôi đã tham vấn ý kiến chuyên gia, định cho mở hầm biogas. Tuy nhiên, áp suất trong hầm rất lớn, khí rất độc. Nên nếu hủy hầm biogas không đúng cách sẽ nguy hiểm vì thành phần khí Metan trong đây rất dễ bắt lửa chúng. Chúng tôi đã tính đến nhiều phương án, nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết”.
Mô hình biogas cộng đồng được áp dụng trong chăn nuôi quy mô lớn, với công nghệ biogas kích thước lớn dạng phủ bạt, hiện đang ngừng hoạt động
Không chỉ biogas cộng đồng, mà mô hình biogas hộ gia đình cũng gặp nhiều trục trặc kể từ khi đi vào hoạt động. Đa số các hộ gia đình được khảo sát đều cho rằng mô hình này đến nay không còn giữ được tính hiệu quả vốn có của nó.
Người dân cho biết, hiện nay “cứ 10 hộ thì phải có đến 6 hộ là hỏng, không dùng được. Lúc đầu cứ bảo lắp đi tốt lắm, nhưng sau hỏng có thấy hỗ trợ gì đâu”.
Trong quá trình khảo sát, phóng viên ghi nhận nhiều ý kiến phẫn nộ của người dân. Trong đó, có bà Đỗ Thị Lơ – người dân xã Nam Cường – đã trực tiếp dẫn phóng viên tới “tận mục sở thị” mô hình biogas tại nhà mình.
Hầm biogas hỏng, bà Đỗ Thị Lơ bức xúc vì “tiền mất tật mang”
Bà Lơ cho biết, hầm biogas nhà bà vừa lắp đặt, chưa được 3 tháng đã hỏng. Bà liên tục gọi thợ đến sửa chữa. Song theo lời bà: “Họ chỉ chọc vào hố rồi “náy náy” vài ba phát sau đó bảo được rồi chứ không làm gì thêm”.
Sau đó, hầm sử dụng được vài hôm lại hỏng. Đến nay thì bà Lơ chẳng “buồn” gọi thợ nữa. Thay vào đó, bà chấp nhận chịu phận “sống chung với lũ”. Ngày nào bà cũng phải xách phân lợn đi đổ 2 – 3 bận một ngày. Ngày nào đổ không kịp, chất thải cứ tuồn ra đóng váng xanh cả mặt hồ.
Mặt hồ trước nhà bà Lơ nổi váng xanh đục do chất thải từ hầm biogas hỏng chảy ra
Được biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhiều người dân chưa được phổ cập những kiến thức cơ bản để bảo trì trong quá trình sử dụng. Hơn nữa, nài những gia đình được hỗ trợ từ dự án (1 triệu đồng/ hộ), thì cũng có không ít các hộ tự bỏ tiền túi ra lắp đặt, với số tiền không nhỏ (trên dưới 10 triệu đồng). Nên trong quá trình vận hành xảy ra vấn đề, công ty lắp đặt thì “chạy mất”, người dân cũng chẳng biết kêu ai.
Các bên liên quan nói gì?
Đại diện chính quyền xã Nam Cường chia sẻ rằng thời gian đầu triển khai dự án, việc tiến hành điều tra, đánh giá được làm một cách thường xuyên. Tuy nhiên, sau gần 5 năm, việc đánh giá hiệu quả một cách rộng rãi cần phải tổ chức một cuộc điều tra với quy mô xã mới có thể đem lại kết quả trực quan nhất.
“Cá nhân tôi đã đi thực tế ở rất nhiều gia đình. Về vấn đề máy lọc nước hỏng, thì do họ tự mua nên tự chữa. Còn về biogas, một số gia đình vẫn hoạt động tốt. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những phản ánh về trục trặc kĩ thuật do quản lý chưa tốt dẫn đến tắc nghẽn đường ống. Trong trường hợp này, xã sẽ có trách nhiệm liên hệ với bộ phận kĩ thuật nhằm giải quyết sớm nhất cho các hộ gia đình trên”, ông Sang nói thêm.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hà – điều phối dự án của GreenID cho biết: “Không có gì là vĩnh cửu và không một dự án nào cho tiền mãi. Khi dự án kết thúc, chúng tôi đã bàn giao lại cho địa phương, để địa phương tự quản lý. Sau khi kết thúc dự án được 2 năm, tiếp nhận thông tin các mô hình gặp khó khăn, tổ chức chúng tôi đã cử chuyên gia xuống kiểm tra, tư vấn về mặt kỹ thuật, cùng với đó là hỗ trợ một phần kinh phí”.
Nhưng đó là câu chuyện của gần 3 năm về trước. Còn hiện tại, lợn vẫn thải ra phân, người dân vẫn cứ phải xách phân đi đổ; trời vẫn nắng nhưng không có pin năng lượng mặt trời để hấp thụ, còn chính quyền xã thì vẫn đang loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán về vận hành và duy trì nguồn năng lượng bền vững đạt hiệu quả như thuở ban đầu.
Thùy Trang
Cùng chuyên mục
Bình luận