Hội thảo “Tác động của mạng xã hội với việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong sinh viên trường đại học công lập ở Thành phố Hà Nội hiện nay”
(Sóng trẻ) - Chiều 10/3, Hội thảo khoa học “Tác động của mạng xã hội với việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong sinh viên trường đại học công lập ở Thành phố Hà Nội hiện nay” diễn ra tại hội trường C, Học viện Báo chí và Tuyên truyền với nhiều bài tham luận chất lượng.
Hội thảo nhằm góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, trang bị cho thế hệ trẻ các kiến thức cần thiết về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội, tạo ra một diễn đàn giúp sinh viên các trường đại học công lập ở Thành phố Hà Nội thể hiện quan điểm, chia sẻ kinh nghiệm và ý tưởng của bản thân.
Hội thảo có sự tham dự của TS. Lê Thị Chiên - Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 35 Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Trần Thanh Giang - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Phó chủ tịch Hội đồng trường; TS. Nguyễn Thúy Hà - Trưởng ban Quản lý khoa học; PGS.TS Hà Huy Phượng - Trưởng ban tổ chức cán bộ cùng các thầy cô đại diện các khoa trong Học viện và hơn 600 sinh viên tại các trường công lập trên địa bàn Hà Nội.
Mở đầu hội thảo, PGS.TS Trần Thanh Giang nhấn mạnh: “Hội thảo là diễn đàn để các em sinh viên trên địa bàn Thành phố Hà Nội thể hiện tiếng nói, quan điểm và tinh thần xung kích của sinh viên Thủ đô trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh và phản bác các quan điểm sai trái thù địch”. Theo PGS.TS Trần Thanh Giang, việc đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái thù địch trên mạng xã hội trong sinh viên đang là một trong những nhiệm vụ cấp bách trong thời kỳ mới.
TS. Nguyễn Thúy Hà nhấn mạnh trong bản báo cáo Đề dẫn Hội thảo: “Nhiệm vụ cấp thiết nhất của các trường đại học là giáo dục lý tưởng chính trị, phát huy tính chủ động cho sinh viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch".
Hội thảo thu hút đông đảo sự tham gia của các giảng viên, sinh viên từ các trường đại học công lập trên địa bàn Hà Nội với hơn 110 bài tham luận. Đã có 13 tham luận được trình bày nhằm đánh giá khách quan, toàn diện về vai trò, vị trí, tác động của mạng xã hội với việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong sinh viên tại các trường đại học công lập ở Thành phố Hà Nội hiện nay.
Mở đầu là bài tham luận với chủ đề “Quan điểm của Đảng và Nhà nước về quản lý sử dụng mạng xã hội trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” của sinh viên Tăng Châu Anh (khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Bài tham luận trình bày rõ những định hướng, nghị quyết và các biện pháp cụ thể của Đảng và Nhà nước nhằm đấu tranh phản bác có hiệu quả các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Cùng với đó, tạo ra phương thức truyền thông mới trên internet, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của giới trẻ trong nhận thức, hành vi về nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trao đổi tại Hội thảo, sinh viên Trần Ái Mùi (Học viện Dân tộc) cho rằng, việc đấu tranh với những quan điểm sai trái trên mạng xã hội là trách nhiệm của tất cả mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là sinh viên. Vì vậy, mỗi sinh viên cần nâng cao bản lĩnh chính trị, trách nhiệm của bản thân với xã hội, góp phần làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên mạng xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài ra, còn có các bài tham luận đến từ các bạn học viên, sinh viên của các trường công lập khác trên địa bàn Hà Nội như: Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Thủ đô Hà Nội, Học viện Cảnh sát Nhân dân, Học viện An ninh Nhân dân,... Đây đều là các bài tham luận chất lượng, đề cập được những vấn đề mới nhất hiện nay và đề xuất được các giải pháp hiệu quả trong việc đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Cuối buổi hội thảo, các đại biểu, giảng viên cùng nhau trao đổi, giải đáp thắc mắc của các sinh viên sau khi nghe tham luận.
Kết quả của Hội thảo sẽ là luận cứ khoa học hữu ích cho việc tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói riêng và Đảng bộ các trường đại học công lập nói chung.