Kết hôn sớm ảnh hưởng đến mức sinh
(Sóng trẻ) - Hôn nhân là yếu tố tác động trực tiếp đến mức sinh. Những năm gần đây, nghiên cứu về tuổi kết hôn ở Châu Á đặc biệt được chú trọng bởi đó là nhân tố chính tạo ra mức sinh cao. Theo Quỹ dân số Liên Hợp quốc cho biết, ước tính ở Việt Nam cứ 1000 phụ nữ trong tuổi 15-19 thì có đến 46 người sinh con. Con số này cao hơn ở nhóm dân số có trình độ dân trí thấp.
Việt Nam là nước có tuổi kết hôn trẻ
Tuổi kết hôn trung bình ở các dân cư khác nhau rất lớn. Theo cuộc điều tra VNDHS của Tổng cục điều tra dân số 1989, tuổi kết hôn trung bình của Việt Nam nằm trong khoảng từ 15 đến 19, cao hơn so với các nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, nhà nước thực hiện truyền thông kế hoạch hóa, tuổi kết hôn trung bình đã được nâng lên. Song ở nhiều nơi, tình trạng kết hôn ở tuổi vị thành niên vẫn diễn ra, nhất là tại những vùng sâu, vùng xa. Điều đáng nói, hệ thống Luật nước ta ngày một chặt chẽ, nhưng dường như chưa đến được tay người dân.
Tại các vùng dân tộc thiểu số, cha mẹ có trách nhiệm “dựng vợ gả chồng” cho con cái vào tuổi còn sớm. Tuy có chút tự do, nhưng là tự do trong “khuôn khổ”. Hủ tục tảo hôn vẫn còn tồn tại. Gần đây, tình trạng tảo hôn ở đồng bằng sông Cửu Long diễn ra ngày càng nhiều. Phần lớn cô dâu mới chỉ 13-16 tuổi. Cha mẹ hễ thấy con “to xác” là lại nghĩ đến việc tìm vợ, tìm chồng cho chúng. Thậm chí, nhiều em còn quá non nớt để gánh trên vai trách nhiệm làm mẹ, làm vợ trong gia đình.
Tại các vùng dân tộc thiểu số, cha mẹ có trách nhiệm “dựng vợ gả chồng” cho con cái vào tuổi còn sớm
Tuổi kết hôn càng trẻ, mức sinh càng cao
Khả năng sinh sản của người phụ nữ biểu lộ cao nhất ở đầu những năm 20 tuổi. Vì vậy, người vợ trẻ được khuyến khích sinh con càng sớm càng tốt. Trước dư luận, nếu kết hôn mà không có con ngay, người phụ nữ sẽ phải gánh chịu những áp lực từ phía gia đình, xã hội, đặc biệt là tại các vùng nông thôn. Do vậy, tuổi kết hôn thấp thì thời kì sinh được kéo dài ra.
Hiện tại, nhà nước ta chủ trương khuyến khích các cặp vợ chồng sinh từ 1-2 con để nuôi dạy tốt. Tuy người dân đã ý thức được, song tỉ lệ sinh vẫn không giảm. Thực tế, người phụ nữ kết hôn sớm có con ở tuổi 20, thì 20 năm sau con cái họ lại bước vào độ tuổi sinh sản. Và 20, 40 năm nữa, cháu họ lại có con,…Như vậy gia đình Việt Nam vẫn thuộc vào gia đình nhiều thế hệ.
Một lý do khác làm mức sinh cao thuộc về bộ phận thanh niên đua đòi. Vì lối sống dễ dãi, buông thả nên họ buộc phải kết hôn sớm và làm cha, làm mẹ khi suy nghĩ chưa chín chắn. Nhiều cặp vợ chồng trẻ con, lấy nhau vài năm, cảm thấy không hợp nên ly dị. Những người tái hôn cũng là nguyên nhân gây nên việc gia tăng dân số. Pháp luật chúng ta quy định mỗi gia đình được phép có từ 1 đến 2 con. Do vậy, việc lập gia đình mới cho phép họ được có con lần hai. Dân số cứ thế tăng lên theo cấp số nhân.
Nhiều cặp vợ chồng trẻ con, lấy nhau vài năm, cảm thấy không hợp nên ly dị
Duy trì mức sinh thấp hợp lý vì sự phát triển quốc gia
Dù tốc độ gia tăng dân số ở nước ta đã được kiểm soát nhưng Liên Hợp Quốc dự báo mức sinh này biến động khó lường. Nếu để tăng trở lại, đến năm 2050, mật độ dân số có thể lên đến 400 người trên một km2. Điều này gây áp lực lớn đối với các lĩnh vực y tế, giáo dục; đồng thời khiến chất lượng dân số thấp, đời sống dân sinh ảnh hưởng nghiêm trọng.
Do vậy, chúng ta không thể buông lỏng công tác dân số, đặc biệt trong vấn đề tư tưởng. Nhà nước cần nâng cao độ tuổi kết hôn bằng việc giáo dục ý thức trách nhiệm, giảm tối đa các vụ tảo hôn, nhất là ở khu vực miền núi. Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất để con em các vùng dân tộc thiểu số đến trường. Khi có trình độ nhất định trong quá trình học, các em sẽ ý thức được mục tiêu và nhiệm vụ của bản thân. Từ đó có lý tưởng khác nài việc duy trì giống nòi.
Gia đình là nền tảng, là tế bào của xã hội, tổ ấm của mỗi người. Vì vậy, nên tránh hiện tượng ly hôn và tái hôn để nuôi dạy con cái thật tốt.
Thúy Nga
Cùng chuyên mục
Bình luận