Khi rác về làng !
(Sóng trẻ)- Đi quanh làng, chỗ nào ngưòi dân cũng kêu ca vì rác thải. Thì ra rác đã trở thành vấn đề bức xúc không chỉ với cư dân thành thị mà còn với mấy bác nông dân nơi làng quê yên bình…
Cách cầu Thăng Long khoảng 5 km về hướng sân bay Nội Bài, nằm ven Quốc lộ 23, là ngôi “làng ven đô”- làng Yên Nhân, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội. Cảm nhận đầu tiên là sự choáng ngợp trước chiều cao của các ngôi nhà và chiều dài của những bãi rác thải. Tất cả mọi thứ đó dường như đều mang dáng dấp của Thủ đô Hà Nội. Những năm gần đây, đời sống của người dân không ngừng đi lên nhưng đằng sau đó cũng nảy sinh nhiều hệ luỵ, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng ngiêm trọng.
Trên những con đường trong làng Yên tồn tại vô số những đống rác thải sinh hoạt và chất thải của hoạt động chăn nuôi. Phía nài rìa làng ngày nay không còn được bao bọc bởi lũy tre xanh rì nữa. Thay vào đó là hình ảnh của những dòng kênh mang trong mình “huyết thống” của dòng sông Tô Lịch ở Hà Nội- đen ngòm, bốc mùi xú uế…
Vài năm gần đây, một diện tích lớn đất nông nghiệp của xã Tiền Phong đã được chuyển đổi mục đích sử dụng. Các doanh nghiệp (công ty TNHH Minh Giang, Công ty cổ phần Hà Phong, Công ty Bia Hà Nội, Công ty VINAXUKI) tiến hành xây dựng các khu đô thị cao cấp, nhà máy… Những mảnh ruộng ấm áp màu vàng của lúa chín, màu xanh của rau… nay đã thành những “sân vận động” khổng lồ. Và người dân chỉ còn biết chăn thả trâu, bò và tập kết đủ mọi loại rác trên những bãi đất hoang phế.
Trên những diện tích đất sản xuất nông nghiệp cũng không vắng bóng rác. Trên bờ ruộng có đủ mọi loại bao bì, túi ni long; dưới mương nước thì bồng bềnh những vỏ chai lọ thuốc trừ sâu…
Nơi biểu hiện một cách tập trung nhất tình trạng ô nhiễm tại “làng ven đô” này chính là ở khu vực Chợ Yên - nơi diễn ra hoạt động buôn bán nông sản, các loại hàng hóa tiêu dùng của nhân dân địa phương và các xã lân cận: Tráng Việt, Đông Cao, Mê Linh, Thanh Lâm…Phía chợ nằm giáp mặt đường quốc lộ 23 là nơi buôn bán đủ mọi loại hoa màu, rau xanh nhưng cứ sau mỗi buổi chợ rau, người dân quanh chợ lại phải ngửi mùi xú uế từ những đống lá rau, củ quả thối nữa, dập nát. Nằm cạnh khu chợ có một cái hồ lớn (người dân thường gọi là Hồ Ba Góc). Đó chính là nơi trút bỏ chất thải của các hộ kinh doanh ven chợ. Người dân sống ven chợ chỉ biết bảo vệ môi trường sống của “nhà mình” bằng cách quét rác xuống hồ.
Chính quyền địa phương cũng có những biện pháp để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, nhưng hiệu quả còn thấp và không triệt để. Các đội vệ sinh tự quản được lập ra ở mỗi xóm và hoạt động dựa trên đóng góp của nhân dân từ 5.000đ- 10.000đ/ tháng/một hộ gia đình.
Cứ vào thứ 4 hoặc thứ 7 hàng tuần, đội vệ sinh tự quản sẽ thu m rác thải ở từng ngõ xóm trong làng và tập trung ở sân vận động xã, sau đó sẽ có xe ô tô của Công ty môi trường huyện Mê Linh trở đi…Nhưng chỉ có một số lượng nhỏ rác “may mắn” được “sờ” đến, còn lại một lượng lớn rác thải không biết do vô tình hay hữu ý bị “bỏ rơi”…dù chúng tồn tại ở dạng những đống lớn ngay trước trụ sở Ủy ban xã Tiền Phong.
Bác Hải (một người tiểu thương sống trong chợ) cho biết: “Xã chỉ thu m rác của khu dân cư trong làng, còn rác ở chợ thuộc về trách nhiệm của Ban quản lý. Nhưng chỉ thi thoảng các ông đó mới chịu dọn mà nếu có dọn thì cũng lại đổ hết ra những bãi đất nài cánh đồng, hoặc rìa đường nhựa thôi.”
Hóa ra rác thải không phải chỉ là nỗi nhức nhối của riêng người dân ở các đô thị?
Hà Huy Hiểu
Lớp Báo in K.27A1