Khoa Phát thanh – Truyền hình: Chốn “gieo hạt nảy mầm” của những cựu sinh viên tài năng
(Sóng trẻ) 15 năm kể từ ngày khoa Phát thanh – Truyền hình tái thành lập, nhiều thế hệ cựu sinh viên đã “để thương để nhớ” lại ở mái nhà chung này. Trong đó, Hà Thanh Thư và Nguyễn Tuấn Tú là những người đã có tuổi trẻ được gửi gắm trọn vẹn ở nơi đây.
Cựu bí thư Liên chi Hà Thư: “Sóng trẻ Festival là cuộn phim cảm xúc nhất”
Dịp kỷ niệm 15 năm tái thành lập khoa Phát thanh – Truyền hình (PT-TH), chị Hà Thanh Thư (tên thường gọi là Hà Thư) đã trải lòng về kỷ niệm, thời gian gắn bó với khoa. Những suy nghĩ trong chị như một thước phim dần được tua lại – hỗn độn nhưng đầy cảm xúc. Trong số đó, Sóng Trẻ Festival có lẽ là cuộn phim dài nhất và nhiều sắc màu nhất. Đó là hàng trăm hàng nghìn những khoảnh khắc quý giá mà vui có, buồn có, chẳng kỷ niệm nào lặp lại lần hai. Vai trò là Bí thư Liên chi đến với chị một cách đầy bất ngờ, giống như cách mà chị trải nghiệm những điều ấn tượng nhất tại khoa PT-TH.
Trong thời gian ba năm tham gia Sóng trẻ Festival ở những vị trí khác nhau, chị Hà Thư đã “dành cả thành xuân” để gắn bó với chuỗi chương trình thường niên kỷ niệm sinh nhật khoa PT-TH, đồng thời chào đón thế hệ tân SV. Dù ở cương vị nào, chị Thư cũng luôn là “nhân tố” năng động, nhiệt huyết và giàu sức sáng tạo của ngày hội khoa.
Chị Hà Thư tươi cười chia sẻ: “Hơn hai năm kể từ ngày bước chân vào… ‘trường đời’ là khoảng thời gian mà mình cảm nhận sâu sắc giá trị của những điều mình được học, được trải nghiệm khi là một sinh viên của trường Báo và của khoa PT-TH”. Theo đó, chị nhận thấy, nài một nền tảng kiến thức cơ bản thì các kỹ năng mềm tích lũy khi tham gia hoạt động Đoàn là hành trang quý giá hơn cả đối với bản thân. Đó là những kiến thức không được học trong sách vở nhưng lại được ứng dụng đến 70% cho công việc của chị hiện tại: từ kỹ năng giao tiếp đến kinh nghiệm hoạt động nhóm, tổ chức sự kiện, đặc biệt nhất là sự tự tin.
Chị Hà Thư tích lũy nhiều kỹ năng mềm trong thời gian học tập tại khoa PT-TH, giúp sức lớn cho công việc chuyên môn hiện tại. (Nguồn: FB nhân vật)
Cựu bí thư liên chi khoa PT-TH tâm sự, không quá khó để cân bằng thời gian học tập và tham gia nại khóa. Kinh nghiệm của chị Hà Thư là chia nhỏ các khoảng thời gian và sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên. Tinh thần say mê với công việc sẽ giúp cho bản thân cảm thấy luôn tràn đầy năng lượng, ngay cả khi bộn bề rất nhiều điều.
Chị Hà Thư giãi bày: Ai đó từng nói rằng: “Trên con đường cao tốc cuộc đời, chúng ta thường nhìn thấy hạnh phúc qua gương chiếu hậu”, đồng thời nhắn nhủ đến thế hệ sinh viên đang học tập tại khoa PT-TH sẽ không phải đợi đến khi nhìn vào những “chiếc gương chiếu hậu” mới thấy mình đã từng hạnh phúc. Mỗi người hãy trân quý những khoảnh khắc ở ngay hiện tại và sống hết mình với nó. Chị Hà Thư tin rằng, bốn năm ở trường Báo, ở khoa PT-TH sẽ là khoảng thời gian trong trẻo và tuyệt vời nhất, là sự chuẩn bị vững vàng cuối cùng trước khi chính thức bước vào trường đời.
Nguyễn Tuấn Tú: Phát thanh – Truyền hình không là “tình đầu”, nhưng là “tình cuối”
Bén duyên với Học viện Báo chí và Tuyên truyền qua chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam vì yêu thích học bộ môn này. Tuy nhiên, sở thích đi đây đi đó và niềm đam mê báo chí quá mãnh liệt đã thôi thúc anh thay vì đứng trên giảng đường dạy học ngay sau khi học xong chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lại đăng kí học văn bằng 2 Phát thanh – Truyền hình để “thoả chí tang bồng”. Cho đến bây giờ, có lẽ việc học văn bằng 2 Phát thanh – Truyền hình là một trong những lựa chọn đúng đắn nhất của cuộc đời anh.
Ban đầu, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên vì quyết định tiếp tục học văn bằng 2 Phát thanh – Truyền hình của anh, tuy nhiên, đến với khoa, anh Tuấn Tú “như cá gặp nước”. Nài những kiến thức chuyên môn mới mẻ được học, Phát thanh – Truyền hình còn là môi trường tuyệt vời để anh phát huy khả năng nói, diễn thuyết, phát huy được cá tính năng động và tinh thần nhiệt huyết của bản thân. Hơn tất cả, những điều học được tại khoa Phát thanh – Truyền hình đã giúp anh phát hiện ra những ưu điểm của bản thân và có được công việc đáng mơ ước hiện tại.
Quyết định chuyển hướng sang học văn bằng 2 một chuyên ngành hoàn toàn khác với ngành học ban đầu là một sự “rẽ ngang” có phần mạo hiểm. Điều này cũng khiến anh gặp nhiều khó khăn trong quá trình học tập. Môi trường học tập của hai chuyên ngành khác nhau rất nhiều. Nếu như Lịch sử Đảng thiên về nghiên cứu, lý luận thì Phát thanh – Truyền hình lại là khối nghiệp vụ đòi hỏi nhiều kỹ năng thực tiễn, năng động và nhạy bén.
Anh tâm sự: “Những lúc thấy nản, cô Vũ Thuý Bình – cô giáo chủ nhiệm lớp văn bằng 2 Phát thanh – Truyền hình của tôi lúc bấy giờ - luôn bên cạnh, ủng hộ tôi tin vào khả năng của mình. Cũng chính cô là người “dìu dắt ước mơ” của tôi, động viên tôi thi vào Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhờ những bài giảng và sự ân cần của cô, đã có bao nhiêu thế hệ sinh viên trưởng thành thành đạt”. Bên cạnh đó, việc học cùng lớp với nhiều anh chị phóng viên, biên tập viên của các đài phát thanh, truyền hình lớn không những không làm anh cảm thấy tự ti mà còn giúp anh học hỏi được nhiều điều.
Quá trình học tập và rèn luyện tại khoa Phát thanh – Truyền hình giúp anh có được công việc ổn định như hiện tại. (Ảnh: NVCC)
Nguyễn Tuấn Tú có lẽ là một trong những minh chứng rõ nhất cho việc “thà chọn muộn cong hơn chọn nhầm”. Sau 4 năm, anh mới tìm ra đam mê thật sự của mình và dám nỗ lực theo đuổi nó. Nhân Lễ kỷ niệm 15 năm tái thành lập khoa Phát thanh – Truyền hình, anh Tuấn Tú nhắn nhủ đến với thế hệ các sinh viên của khoa: “Mọi sự thành công đều phải trả giá bằng sự nỗ lực. Đam mê phải được rèn dũa bằng thử thách. Hãy tự rèn luyện kĩ năng làm báo bằng cách đọc nhiều, đi nhiều, viết nhiều. Phát thanh – Truyền hình là môi trường, là một bệ phóng vô cùng tốt mà các bạn sinh viên nên trân trọng”.
Xóm trọ bác Minh
Cùng chuyên mục
Bình luận