Khởi nghiệp cần khẩn trương nhưng phải thận trọng
(Sóng Trẻ) - Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trong lễ khai mạc “Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia của Học sinh - Sinh viên 2019”, diễn ra sáng 5/10 tại Đại học Bách Khoa Hà Nội.Ngày hội được tổ chức nhằm thúc đẩy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trên toàn quốc. Các dự án khởi nghiệp tham dự thuộc nhiều lĩnh vực: Khoa học, công nghệ; Kinh doanh, giáo dục, y tế, dịch vụ; Nông, lâm, ngư nghiệp.
Tới dự buổi lễ có: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý;… cùng đại diện các trường cao đẳng, đại học, học viện vào hơn 1000 học sinh, sinh viên.
Chúc mừng thành công bước đầu của Đề án 1665 “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ kỳ vọng đề án này sẽ tiếp tục thành công, góp một phần để "Việt Nam của chúng ta tiến nhanh hơn, bền vững hơn”.
Nói về mục đích của sân chơi khởi nghiệp này, Phó Thủ tướng đề cao việc khơi dậy tinh thần khởi nghiệp ngay từ các nhà trường. Để làm được điều này, phải thay đổi cách dạy và học, tiến tới sáng tạo tri thức chứ không chỉ là tiếp thu thụ động, một chiều. Trong đó, các trường đại học cần xây dựng không gian làm việc chung, kích thích sự sáng tạo của sinh viên, thầy cô cũng phải tham gia vào các hoạt động đó, đẩy mạnh kết nối trên nền tảng tri thức số hoá,…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tham quan không gian trưng bày ý tưởng khởi nghiệp
(Ảnh: Việt Linh)
“Chúng ta hãy cùng nhau kết nối, chỉ có kết nối cùng nhau mới tạo ra một sức mạnh lớn. Một người có thể tự học, thi đỗ, một người có thể tự lập nghiệp, trở nên rất thành đạt. Điều đó là đúng, nhưng cần hơn cả là tất cả chúng ta phải cùng nhau, cả đất nước cùng đi nhanh hơn. Chúng ta cần chăm chỉ, cần quyết tâm nhưng chưa đủ, trong thời buổi này phải sáng tạo. Sáng tạo là của cá nhân nhưng kết nối lại với nhau thì sáng tạo đó sẽ mang tới hiệu quả chung, tốt hơn, càng cổ vũ chúng ra sáng tạo được thêm những cái mới” - Phó Thủ tướng chia sẻ.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lần lượt điểm qua những chuyển biến về khởi nghiệp trong các nhà trường, sự lan toả mạnh mẽ trong học sinh sinh viên qua 2 năm triển khai đề án 1665.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục xây dựng tài liệu kỹ năng để nhân rộng kinh nghiệm khởi nghiệp của sinh viên (Ảnh: Việt Linh)
Ngành giáo dục đã xây dựng được tiêu chí về nhà trường, đơn vị khởi nghiệp và đặc biệt tiếp tục xây dựng bộ tài liệu, kỹ năng về khởi nghiệp. Không gian khởi nghiệp sẽ xuất hiện nhiều hơn trong các nhà trường, đồng thời kết nối nhà trường và doanh nghiệp, tạo ra được không gian khởi nghiệp, khuyến khích hỗ trợ thầy cô giáo và học sinh, sinh viên cùng tham gia vào quá trình khởi nghiệp.
Theo chia sẻ từ Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, điều đáng mừng là những ý tưởng khởi nghiệp tham gia ngày hội 2019 tăng cả về số lượng và chất lượng, được các doanh nghiệp đồng hành đáng giá cao. Đáng chú ý, trong số hơn 300 ý tưởng gửi về, có khoảng 100 dự án tới từ học sinh khối trung học phổ thông.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục kết hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để triển khai đề án Trung tâm khởi nghiệp quốc gia, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng đề án 844 – Hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, kết hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, định hướng ưu tiên khởi nghệp trong lĩnh vực công nghệ, … Song song với đó là củng cố, hoàn thiện cơ chế pháp lý, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các ý tưởng khởi nghiệp mới.
Việt Linh
Cùng chuyên mục
Bình luận