“Khuôn vàng thước mộc” – hành trình trở về với nét đẹp hồn quê
(Sóng trẻ) - Làng Chuông (huyện Thanh Oai, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng khắp cả nước bởi nghề làm nón lá. Vượt qua thăng trầm của lịch sử, nón lá làng Chuông vẫn tồn tại và phát triển, mang đậm hồn dân tộc. Sự kiện “Khuôn vàng thước mộc” diễn ra ngày 21/04 là một chuỗi hành trình ngược dòng thời gian để tìm hiểu, trải nghiệm nghề làm nón và từ đó giúp chúng ta thêm trân quý những giá trị văn hóa cổ truyền đã có từ ngàn đời nay.
Sự kiện “Khuôn vàng thước mộc” được tổ chức bởi nhóm sinh viên lớp Quảng cáo K35, khoa Quan hệ Công chúng và Quảng cáo (Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Mang trong mình thông điệp cao cả “Giữ nét dân gian – Thổi hồn nón Việt”, sự kiện gồm 3 chuỗi hoạt động chính: Triển lãm “Nón lá làng Chuông qua góc nhìn thời đại”; Talkshow “Nghệ nhân làng Chuông và hành trình giữ gìn nét đẹp Việt” và hoạt động trải nghiệm dành cho những người muốn tự tay làm ra chiếc nón lá làng Chuông.
Buổi triển lãm trưng bày hơn 50 sản phẩm nón lá thủ công nổi tiếng của làng Chuông. Tại đây, những người tham gia đã được đắm chìm trong không gian văn hóa nghệ thuật, chiêm ngưỡng những sản phẩm nón lá mang nét đẹp từ cổ kính, truyền thống đến đa sắc màu, hiện đại. Sự kiện thu hút rất đông các bạn trẻ và những người có niềm yêu thích với chiếc nón lá - biểu tượng của văn hóa Việt Nam trong suốt những năm tháng lịch sử.
Các bạn trẻ thích thú chiêm ngưỡng những chiếc nón lá làng Chuông
Những chiếc nón lá đa dạng màu sắc được trưng bày tại buổi triển lãm
Những chiếc nón lá được trưng bày mang một vẻ đẹp mộc mạc, giản dị nhưng chứa đựng trong đó là giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc. “Hôm nay đến với buổi triển lãm, mình cảm thấy ấn tượng với không gian nghệ thuật nơi đây. Những chiếc nón lá được trưng bày rất đẹp mắt, đủ các loại nón với các kích cỡ khác nhau. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp nón lá làm mình thấy như yêu hơn những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương”, bạn Nguyễn Thùy Dung (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ.
Tại chuỗi hoạt động Talkshow, khán giả được lắng nghe những lời chia sẻ của cô Tạ Thu Hương, một nghệ nhân làng Chuông đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề làm nón lá. Cô đã có những chia sẻ chân thành về hành trình gian nan để bảo tồn giá trị văn hóa Việt và mang hình ảnh nón lá Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Giải đáp thắc mắc của các bạn trẻ về quy trình làm ra một chiếc nón lá làng Chuông, cô cho biết: “Nón lá làng Chuông nổi tiếng khắp cả nước bởi năm đặc tính: chắc, khỏe, bền, thanh, đẹp. Để làm ra một chiếc nón như thế phải qua 10 công đoạn: vò lá, phơi nắng, phơi sương, là lá, rẽ lá, bứt vòng, quay mo, khâu nón, lồng nhôi, nứt cạp và được lợp ba lớp lá. Công đoạn nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ đến từng chi tiết”.
Nghệ nhân Tạ Thu Hương chia sẻ về hành trình mang hình ảnh nón lá Việt Nam đến với bạn bè quốc tế
Xã hội ngày càng phát triển, những giá trị văn hóa truyền thống ngày càng đứng trước nguy cơ bị mai một dần. Ngày nay, có rất nhiều loại nón sang trọng, hợp thời, được mọi người ưa chuộng. Thế nhưng, những nghệ nhân như cô Hương tại làng Chuông vẫn miệt mài rẽ từng xấp lá, đan từng vành khuôn để giữ gìn làng nghề truyền thống nói riêng và giữ gìn hồn quê Việt Nam nói chung. “Nghề làm nón đã ăn sâu trong con người tôi ngay từ thời tấm bé. Tôi luôn trăn trở với nghề và tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng từng ngày, làm ra những mẫu nón mới, hợp với thị hiếu của khách hàng nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống. Sau này khi tôi tuổi cao sức yếu, tôi hi vọng lớp cháu con vẫn giữ được lửa nghề và tiếp tục phát triển nghề làm nón lá làng Chuông”, cô Hương chia sẻ.
Hoạt động trải nghiệm trong khuôn khổ sự kiện đã giúp những người tham gia có cơ hội tự tay làm ra một chiếc nón lá. Cô Hương cùng những nghệ nhân khác của làng Chuông tận tình hướng dẫn từng mũi khâu, từng cách xấp lá cho các bạn trẻ yêu thích làm nón. Những chiếc nón lá làng Chuông được hoàn thiện và trang trí đầy màu sắc. Thông qua việc trải nghiệm, những người tham gia có thể cảm nhận được rằng để làm ra một chiếc nón lá phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp, từ đó thêm yêu chiếc nón và nét đẹp văn hóa của nghề làm nón.
Hoạt động trải nghiệm làm nón lá với sự hướng dẫn của các nghệ nhân làng Chuông
Lấy ý tưởng từ câu nói “Khuôn vàng thước ngọc” của người xưa, vận dụng vào thực tiễn trong lối sống, con người, và nghề làm nón tại làng Chuông, Ban tổ chức đã đặt tên cho sự kiện là “Khuôn vàng thước mộc”. “Khuôn vàng” tượng trưng cho những chuẩn mực, tỉ lệ vàng của những chiếc khuôn nón, còn “Thước mộc” là nét mộc mạc, chân chất của từng phân, từng thước nguyên liệu lợp nên nón lá làng Chuông vang bóng một thời.
Truyền thống làm nón lá của làng Chuông đã được giữ gìn, tồn tại và phát triển qua bao năm tháng như một nét đẹp văn hóa lâu bền của dân tộc. Dù trải qua bao nhiêu biến cố, chiếc nón lá mộc mạc vẫn mãi hiện hữu trong đời sống tâm hồn của mỗi người dân Việt Nam. Vậy nên, thế hệ chúng ta hôm nay hãy cùng nhau góp sức giữ gìn nét đẹp văn hóa cổ truyền của quê hương. Đó chính là thông điệp mà sự kiện này muốn gửi gắm tới tất cả mọi người.
Phan Loan
Cùng chuyên mục
Bình luận