Huệ tím: Hạnh phúc và nội tâm là cái đích của mỗi cuộc đời
(Sóng trẻ) - “Huệ tím” là tên của một cuốn sách mà người đọc có thể bị cuốn hút vào những câu truyện cổ tích ngay khi mới chỉ đọc những câu chữ đầu tiên của nó. Ở đó có những yếu tố li kỳ, có sự kết hợp hài hoà của triết lý Đông – Tây. Cao hơn hết, ở đó còn có con đường tìm về với thế giới nội tâm, được trở về với chính mình, với những gì đẹp nhất của một thời.
Ngày 30/1, tại Phòng Thư viện – Viện ethe (số 56-58 Nguyễn Thái Học, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã diễn ra buổi Toạ đàm “Đi tìm hạnh phúc trong thế giới mộng mơ và cổ tích” giới thiệu cuốn sách “Huệ tím” của Dịch giả Thái Kim Lan. Tham dự buổi Toạ đàm có Dịch giả Thái Kim Lan, Nhà văn Lê Phương Liên, Tiến sĩ Nguyễn Thuỵ Anh và Biên tập viên Lại Mai Hương và đông đảo độc giả.
Các khách mời tại buổi Toạ đàm
Thế giới cổ tích của Hermann Hesse
Hermann Hesse (1877 – 1962) là một Đại văn hào người Đức. Năm 1946, ông được tặng giải thưởng Nobel về văn học và giải thưởng ethe của thành phố Frankfurt. Theo lời của Dịch giả cuốn sách – người đã từng nghiên cứu và có hiểu biết sâu sắc về Nhà văn, Hesse đã từng tham gia khoá giảng về thần học. Chính điều này cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới sự nghiệp sáng tác văn chương của ông sau này.
Những tác phẩm nổi tiếng của ông có thể kể đến như Câu chuyện dòng sông, Sói đồng hoang, Trò chơi bi chai, Đôi bạn chân tình… đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được nhiều độc giả trên toàn thế giới yêu thích. Ông cũng được xem là một trong những tác giả được đọc nhiều nhất trong lịch sử văn học thế giới.
Độc giả chăm chú với những trang cổ tích của Huệ tím
Các khách mời đều chia sẻ rằng, cổ tích của Hesse không chỉ dành cho trẻ thơ mà còn cho người lớn và đó là những câu chuyện có vẻ như “xưa” nhưng lại rất “nay”. Tác giả sử dụng rất tài tình yếu tố thần tiên trong mối tương quan giữa thế giới kỳ ảo, li kỳ với thế giới hiện thực. “Mỗi người tuy với những phông văn hoá khác nhau nhưng cũng đều nhận được một điều gì đó sau khi đọc cuốn sách”, Tiến sĩ Nguyễn Thuỵ Anh khẳng định.
Triết lý phương Đông trong văn chương của một Nhà văn phương Tây
“Huệ tím” được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1946, có tên tiếng Đức là Iris được viết năm 1916 khi đó Hesse đang ở tuổi 40. Dịch giả Thái Kim Lan cho biết, ở thời điểm đó, Hesse đang trong giai đoạn bị khủng hoảng. Ông bị khủng hoảng ngay từ trong sự giáo huấn của gia đình. Chính vì thế, ông luôn có mong muốn khám phá lại quãng đời đã qua của mình. Khi tiếp cận được với triết lý phương Đông, chính nhờ những hệ tư tưởng, sự hoà bình, hoà giải trong các triết lý đó, Hesse đã thoát khỏi khủng hoảng.
Chính Hesse cũng đã từng khẳng định vai trò của triết lý phương Đông đối với cuộc đời ông: “May thay tôi tìm được một nguồn suối khác cho tư tưởng… tôi đã tìm thấy con đường tới nội tâm...”. Như vậy, chính những ảnh hưởng của triết lý phương Đông đã đưa Hesse tới những niềm hạnh phúc đích thực, giúp ông tìm ra con đường đến nội tâm của mình. Đó cũng là con đường trở về thời thơ ấu – thời gian đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người. Qua đó để thấy được rằng, cái đích mà con người tìm kiếm chính là Hạnh phúc và Nội tâm của chính mình.
Cuốn sách “Huệ tím” – Dịch giả Thái Kim Lan
Huệ tím, Chuyện chàng Augustus, Bích Thảo hoá thân, Thi nhân, Tin lạ từ một hành tinh xa là năm truyện cổ tích được tuyển chọn trong cuốn sách. Tất cả đều được viết theo lối mới với những nội dung tư tưởng khác nhau. Sự tài hoa, nét đặc biệt của Hesse thể hiện trong việc ông đề tài hoá những truyện cổ tích bình thường thành một thứ văn chương vượt bậc. “Bích Thảo hoá thân” có thể được xem như Liêu trai của phương Tây”, Nhà văn Lê Phương Liên chia sẻ. Khi nói về các câu truyện cổ tích trong “Huệ tím”, Biên tập viên Lại Mai Hương cho biết: “Truyện “Thi nhân” mang đậm chất phương Đông”.
Trẻ em với những câu truyện mang triết lý
Là một cuốn sách dành cho độc giả ở nhiều độ tuổi khác nhau, chính vì thế “Huệ tím” đã mang đến cho các khách mời và độc giả có mặt tại buổi Toạ đàm một câu hỏi lớn về việc làm thế nào để trẻ em có thể tiếp cận cuốn sách chứa đựng nhiều triết lý này một cách tốt nhất.
Nói về vấn đề này, chị Mai Hương nhấn mạnh rằng, khi đọc “Huệ tím”, trẻ em sẽ có thể tiếp nhận được ở những tầng nghĩa “nông” – tầng nghĩa cơ bản và đơn giản.
“Trong những câu truyện cổ tích của “Huệ tím”, lối viết, cách trình bày của Hesse rất sinh động và cũng dễ tiếp cận. Từ 10 tuổi trở lên, trẻ có thể đọc Hesse”, Dịch giả Thái Kim Lan cho biết. Như vậy, bắt đầu ở lứa tuổi này, có thể cho trẻ tiếp cận với những câu truyện cổ tích của Hesse bởi vì cũng theo lời của Tiến sĩ Thuỵ Anh, trẻ em tiếp thu nhanh hơn rất nhiều so với chúng ta vẫn thường nghĩ.
Một cuốn sách có giá trị cần được phát huy giá trị của nó một cách hiệu quả nhất. Với thế giới thần tiên cùng với sự kết hợp hài hoà của yếu tố Đông – Tây, cuốn sách hứa hẹn sẽ là món quà tặng ý nghĩa dành cho trẻ em.
Một lần “chìm” trong những câu chữ của những câu truyện cổ tích trong “Huệ tím” là mỗi lần người ta cảm thấy hạnh phúc vì đang được đi trên con đường trở về với chính mình, với thế giới nội tâm của mình. Bằng việc sử dụng những đề tài thực tế, kết hợp khéo léo, tài tình với những yêu tố thần tiên, Hermann Hesse đã mang đến cho người đọc những cảm giác thân thuộc, gần gũi để rồi mỗi người tự tìm thấy ở đó những điều quan trọng nhất với bản thân mình.
Lê Loan
Báo mạng điện tử K33
Cùng chuyên mục
Bình luận