Lễ hội làng Túy Loan mang sắc màu văn hóa miền duyên hải

(Sóng trẻ) - Vào ngày 18 và 19/2 (nhằm mồng 9, 10 tháng Giêng), làng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) khai mạc lễ hội truyền thống nhân kỷ niệm 25 năm đình làng được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Theo sử liệu, làng cổ Túy Loan hơn 500 tuổi, do các vị tiền hiền thời vua Lê Thánh Tôn nhận chiếu chỉ mở mang bờ cõi phương Nam. Đình làng được xây dựng vào năm Thành Thái thứ nhất (1889), hiện còn lưu giữ 25 sắc phong của triều Nguyễn và chỉ được làm lễ Rước sắc phong từ nhà thờ tộc Đặng Công (phái Nhì) về đình vào dịp lễ hội đầu năm. 

Đình nằm vị trí thuận lợi, có cây đa, bến nước, sân đình, không bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa, nên lễ hội đình làng Túy Loan luôn mang sắc thái riêng ít nơi nào có được. Ngôi đình cổ kính trải qua bao thăng trầm của lịch sử bỗng bừng tỉnh và rộn rã hơn trong 2 ngày lễ hội.

Đây là một trong những lễ hội lớn đầu năm mới của TP Đà Nẵng nên thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương về trẩy hội. (Ảnh: Ngọc Anh)
Đây là một trong những lễ hội lớn đầu năm mới của TP Đà Nẵng nên thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương về trẩy hội. (Ảnh: Ngọc Anh)

Giữ lễ làng là giữ văn hóa làng

Lễ hội đình làng Túy Loan gồm 2 phần: phần lễ và hội. Phần lễ diễn ra từ chiều 18/2 với lễ rước sắc thần và bằng di tích, lễ tế dâng hương cổ truyền giúp con cháu tưởng nhớ 5 vị tiền hiền Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê. 

Dân làng Túy Loan thực hiện nghi lễ Rước sắc phong về an vị tại đình. (Ảnh: Ngọc Anh)
Dân làng Túy Loan thực hiện nghi lễ Rước sắc phong về an vị tại đình. (Ảnh: Ngọc Anh)

Ông Ngô Văn Nhân - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong, Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết, lễ hội năm nay mang sắc thái văn hóa rất riêng của dân làng, góp phần gìn giữ, bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc. Không chỉ giáo dục tinh thần nhớ về tổ tiên cội nguồn, hội làng còn thắt chặt tình đoàn kết hướng về quê hương, ra sức xây dựng địa phương ấm no, hạnh phúc, thực hiện bền vững các tiêu chí nông thôn mới nâng cao.

Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Hòa Phong dâng hương. (Ảnh: Ngọc Anh)
Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Hòa Phong dâng hương. (Ảnh: Ngọc Anh)

Theo lời các vị cao niên trong làng, năm nào cũng vậy, phần “hội” có thể giảm nhưng phần “lễ” phải trang nghiêm và tuân thủ theo phong tục truyền thống bao đời. Những ngày này, các vị bô lão tập trung về đình chuẩn bị khai xuân, tự tay lau dọn, trang trí lại đình làng, rồi chọn cây tre thẳng đẹp, còn nguyên ngọn để dựng làm cây nêu treo cờ hội trước đình.

“Mâm cỗ lễ đình làng không thể thiếu sản vật của chính mảnh đất quê hương như bánh tét, thịt heo, bánh tráng, ngũ quả,... Giữ được cái nôi làng là giữ được văn hóa làng”, một vị cao niên trong làng cho hay.

Tái hiện nếp sinh hoạt văn hóa dân gian

Ngoài phần lễ, phần hội được tổ chức trong 2 ngày với nhiều trò chơi dân gian. Ngày đầu tiên (18/2) gồm các hoạt động: thi cờ gánh, chơi ô ăn quan, leo chuối, đập niêu, kéo co và thi cờ tướng người,... 

Phần thi kéo co thu hút đông đảo người tham gia. (Ảnh: Ngọc Anh)
Phần thi kéo co thu hút đông đảo người tham gia. (Ảnh: Ngọc Anh)

Ngày thứ 2 (19/2) diễn ra các hoạt động tôn vinh làng nghề nướng bánh tráng, gói bánh tét truyền thống, trải nghiệm tráng mỳ Quảng,… Đặc biệt, giải đua thuyền truyền thống trên sông Túy Loan cũng được tổ chức vào sáng 19/2. Đây là hoạt động hội hấp dẫn nhất, thu hút hàng nghìn người dân địa phương và trên địa bàn thành phố đến theo dõi, cổ vũ mỗi năm.

Ông Huỳnh Văn Lãm (55 tuổi), một cựu chiến binh trong đoàn rước lễ, tâm sự: “Mỗi lần chứng kiến lễ hội là thêm một lần xúc động. Bởi người làng chúng tôi luôn xem đây là dịp thể hiện tinh thần tâm linh văn hóa với những người đi trước, với mảnh đất đã ‘cưu mang’ mình”.

Từ lâu, hội làng Túy Loan đã trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa dân gian, một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân địa phương. Đây còn là dịp để du khách gần xa hiểu thêm về một vùng đất, một phong tục và những con người chân chất nỗ lực gìn giữ truyền thống của cha ông ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 ngày trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN