Lễ hội Triều Khúc: Nét son trường tồ
(Sóng trẻ) - Như thường lệ, cứ sau Tết Nguyên Đán, người dân làng Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) lại háo hức, hân hoan đón chờ lễ hội truyền thống của quê hương mình. Đây là dịp để người dân làng Triều Khúc tưởng nhớ tới người anh hùng của dân làng nói riêng, của cả dân tộc nói chung - thánh Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng.
Một "làng quê mộc" giữa đất Hà Thành
Với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay thì việc giữ gìn và phát huy những bản sắc văn hóa dân tộc là điều rất cần thiết. Hiểu được điều đó, người dân làng Triều Khúc đã và đang cố gắng hết sức duy trì những nét đẹp của dân tộc ngay trên chính mảnh đất của quê hương mình. Hàng năm, cứ vào mùng 9 đến 12 tháng Giêng Âm Lịch là người dân làng Triều Khúc không ai bảo ai, cùng có mặt, tụ hội trong ngày lễ chung của cả làng.
Không khí náo nhiệt của người dân Triều Khúc
Nếu như trước đây người ta biết đến một Triều Khúc của những chiếc nón quai thao tròn vành, một Triều Khúc bền bỉ với những sợi chỉ óng ả, mềm mại của nghề dệt; thì nay, họ nhìn thấy hình ảnh Triều Khúc đổi mới và đi lên từng ngày. Tuy nhiên, không phải vì thế mà người dân trong làng đánh mất đi những giá trị truyền thống vốn có.
Lễ hội dân gian là một trong những nét văn hóa bản sắc nhất của người dân làng Triều Khúc. Đây không chỉ là dịp họ tưởng nhớ đến vị vua Phùng Hưng mà còn là dịp vui chơi, tụ họp của tất cả người dân trong làng. Chính lễ hội này đã làm nên nét riêng biệt của một làng quê bình dị giữa lòng thủ đô hoa lệ.
Nét đẹp văn hóa trường tồn...
Lễ hội của làng Triều Khúc thường gồm những nghi thức quan trọng không thể thiếu như: lễ rước, lễ tế, lễ chạy cờ. Khi cuộc tế lễ trong đình bắt đầu thì nài sân đình, các trò vui cũng được tổ chức. Một trong những trò vui quen thuộc như: điệu múa "con đĩ đánh bồng" (múa bồng) hay "múa sinh tiền". Trong đó, điệu múa "con đĩ đánh bồng" là một trong những niềm tự hào lớn nhất của người dân nơi đây. Với việc các chàng trai hóa thân thành các cô gái uyển chuyển, duyên dáng đã khiến múa bồng được coi là một trong những điệu múa đặc sắc nhất ở Việt Nam.
Đặc sắc trong điệu múa truyền thống
Bên cạnh những nghi lễ trang nghiêm, người dân làng Triều Khúc còn tổ chức rất nhiều những hoạt động vui chơi khác nhau để tăng tính náo nhiệt, vui tươi của một lễ hội truyền thống như: bịt mắt bắt dê, đấu vật, giải Xuân của môn bóng đá, bịt mắt đập niêu...
Làng Triều Khúc vẫn duy trì môn đấu vật của dân tộc
Ở lễ hội Triều Khúc, người ta không chỉ tìm thấy được không khí náo nhiệt, vui tươi của dịp đầu xuân năm mới mà còn thấy được cả một bức tranh của văn hóa làng Việt trong mỗi một nghi lễ, mỗi một trò chơi dân gian ở đây. Có lẽ mà vì thế, dù có đi đâu, ở đâu, cứ mỗi khi đến mùng 9 tháng Giêng hàng năm đã là người con của Triều Khúc đều cố gắng quay về để tụ họp, hòa mình vào lễ hội của quê hương.
Trò chơi dân gian "Bịt mắt bắt dê"
Trải qua hàng trăm năm nhưng lễ hội tháng Giêng này vẫn luôn là niềm tự hào của mỗi một người dân làng Triều Khúc với khách thập phương. Không đông đúc, huyên náo như những lễ hội lớn của dân tộc như: hội Chùa Hương (Thường Tín), hội Đền Gióng (Sóc Sơn) nhưng lễ hội Triều Khúc vẫn thu hút người xem bằng những nét riêng, độc đáo của mình. Gìn giữ và tô điểm thêm cho "nét son" ấy là điều mà biết bao thế hệ người dân ở đây đã và đang cố gắng thực hiện.
Vân Bùi
Lớp Truyền hình K32 A2
Cùng chuyên mục
Bình luận